5 bài học về những lần vấp ngã và đứng dậy của các CEO
Krister Ungerboeck, CEO của công ty tư vấn Courageous Growth, đã thú nhận rằng lần đầu tiên được giữ chức vụ CEO, ông đã cư xử khá ngạo mạn. Lúc ấy, Ungerboeck cứ đinh ninh rằng “CEO phải là người thông minh nhất trong công ty”.
Đó hẳn nhiên là một sai lầm và với thái độ làm việc như vậy, Ungerboeck thường xuyên đưa ra những lời chỉ trích dành cho các nhân viên của mình. Điều này khiến ông luôn nghi ngờ khả năng của nhân viên cấp dưới và tạo ra một môi trường làm việc không hiệu quả.
Sau khi nhận được một số phản hồi từ cuộc khảo sát các nhân viên trong công ty, Ungerboeck mới nhận thấy phong cách quản lý của mình là không hiệu quả. Ông cho biết: “Một khi hiểu được cách quản lý của mình đã rút cạn sự say mê làm việc của nhân viên như thế nào, tôi đã ngay lập tức thực hiện một cuộc ‘cách mạng’. Tôi đã học được rằng việc lạm dụng những lời chỉ trích chính là tấm bình phong để che đậy sự lười nhác trong phong cách lãnh đạo, làm nổi bật cái ‘tôi’ của sếp bằng cách đè bẹp nhân viên của mình.”
Kể từ đó, Ungerboeck đã cố gắng làm tốt hơn bằng cách luôn đưa ra những lời khích lệ. Hiện tại, ông tự gọi mình là một “kẻ xấu hoàn lương” (recovering a-hole).
Nhân viên của Ungerboeck giờ đây đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Dĩ nhiên, Ungerboeck không phải là vị sếp đầu tiên phải nhìn nhận lại phong cách lãnh đạo của mình. Dưới đây là 5 câu chuyện của các nhà lãnh đạo về việc nhìn ra những mặt hạn chế trong cách thức lãnh đạo của bản thân.
1. Luôn luôn học hỏi
Glenn Phillips là một doanh nhân có tiếng, từng đoạt nhiều giải thưởng ngay từ hồi những năm 20 tuổi. Mọi thứ diễn ra với với Phillips đều suôn sẻ ngoại trừ một vấn đề nho nhỏ: Công ty phần mềm của ông không tạo ra lợi nhuận.
Phillips cho biết: “Mặc dù là nhà cung cấp những hệ thống và chất lượng hỗ trợ tuyệt vời, nhưng chúng tôi vẫn không có lợi nhuận và tôi không thể giải quyết vấn đề đó một cách rõ ràng. Tôi từng nghĩ mình đủ thông minh và làm việc đủ chăm chỉ để tìm ra nguyên nhân và giải quyết các vấn đề của công ty”.
Cuối cùng, Phillips nhận ra rằng ông cần thêm sự trợ giúp. “Tôi bắt đầu tự học về việc điều hành công việc kinh doanh”. Ông cho biết thêm: “Tôi học từ những người bạn, từ các lớp học cũng như đọc rất nhiều. Tôi đã học về kinh doanh, tư duy nhận thức, cách bán hàng, nguồn vốn và rất nhiều thứ khác nữa.”
Chẳng bao lâu sau, công việc kinh doanh của Phillips bắt đầu trở nên thuận lợi. Ngày nay, với tư cách là người đứng đầu của hãng Lake Homes Realty, Phillips cho biết ông vẫn luôn luôn đặt ưu tiên vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho công ty. Ông vẫn thường xuyên chủ trì bữa trưa theo mô hình vừa ăn vừa học (lunch-n-learn) tại văn phòng, và là người đi đầu trong việc đào tạo nhân lực. Công ty ông thậm chí còn có cả một thư viện sách. Nếu một nhân viên đọc xong một cuốn sách thì trưa đó Phillips sẽ đưa người đó đi dùng bữa cùng để thảo luận về những gì đã học được.
Bài học: Hãy tự biến bản thân trở thành một tấm gương tốt cho nhân viên bằng cách liên tục tìm kiếm, cập nhật kiến thức mới. Điều này sẽ đảm bảo rằng toàn bộ công ty của bạn luôn luôn được học tập và cải thiện kiến thức cũng như kỹ năng chuyên môn... Các công cụ như Workramp có thể giúp mô hình công ty của bạn tối ưu hóa tiềm năng vốn có.
2. Chấp nhận vai trò mới
Khi Rachel Beider - CEO của Massage Williamsburg + Massage Greenpoint - mở rộng hoạt động kinh doanh của mình, cô nhanh chóng nhận ra mình đang cố thúc ép bản thân vượt quá khả năng chịu đựng.
Beider cho biết: “Tôi đã cố gắng làm rất nhiều, bao gồm cả việc gặp gỡ trực tiếp các khách hàng đến mát-xa, và tham gia vào các công việc hằng ngày. Tôi bắt đầu cảm thấy căng thẳng, cạn kiệt năng lượng và tôi biết rằng mình không thể cố gắng hết mình cho vị trí này”.
Chính vì thế, Beider đặt ra một thời hạn cho chính mình, để không có lý do biện hộ và trì hoãn sự thay đổi. Cô kể: “Mặc dù đó là một quá trình chuyển đổi đáng sợ, nhưng điều đó đã cho phép tôi có nhiều thời gian hơn để tập trung cho những thứ quan trọng và vạch ra chiến lược phát triển cho công ty. Tôi đã học cách ủy thác. Bây giờ, tôi không còn phải lo lằng về những công việc còn dang dở trên bàn làm việc, điều này tạo điều kiện cho tôi có thể tập trung vào việc cải tiến công ty”.
Bài học: Vì là lần đầu gánh vác vai trò CEO, ai cũng cần phải có thời gian để điều chỉnh, làm quen với những trách nhiệm mới của họ. Cũng thật khó để họ có thể từ bỏ các công việc cũ vốn dĩ rất thoải mái và quen thuộc. Nhưng, trên cương vị là một nhà lãnh đạo, điều quan trọng là bạn phải bước về phía trước và chấp nhận thực tế rằng đã đến lúc phải ngừng dành thời gian cho những việc không cần thiết, để bản thân có thể tập trung vào việc điều hành và tổ chức.
3. Hãy thích nghi
Beck Bamberger, người sáng lập công ty truyền thông Bam Communications, cho biết: “Khi có từ 5 đến 6 nhân viên, tôi đã quản lý họ với cùng một cách.”
Bamberger cho biết cách thức quản lý này tương đối hiệu quả trong một thời gian. Nhưng đến khi công ty tăng lên hàng chục nhân viên, cô nhận ra rằng đã đến lúc mình phải thay đổi để thích nghi. “Trong một cuộc họp khách hàng đặc biệt, tôi nhận thấy có một nhân viên độc lập, trầm tính, được mọi người trong công ty yêu mến nhưng cậu ta lại không ghi nhận phản hồi của tôi như những nhân viên sôi nổi, nhiệt tình khác”.
Tất nhiên, những gì Bamberger nói với cậu ta hầu như không hề có tác động gì cả. “Chúng tôi đã phải dừng cuộc họp một lúc, có vẻ hơi ngột ngạt, chúng tôi ngồi im lặng trong gần 20 giây trước khi bắt đầu cười. Sau đó, tôi lên tiếng: ‘Ổn thôi, cậu không giống cô bạn kia’. Đối với tôi, đây kiểu như là một khoảnh khắc ‘Eureka!’ vậy, tôi chợt vỡ ra nhiều điều hơn về việc thích ứng với từng cá nhân”.
Bài học: Không phải nhân viên nào cũng đều phản ứng một kiểu với cùng một phong cách lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo giỏi có thể nhận ra nhu cầu của từng cá nhân và thích ứng một cách phù hợp. Điều này đảm bảo rằng mọi nhân viên có thể phát huy và thực hiện tốt nhất vai trò của họ.
4. Suy nghĩ nhanh chóng
Tony Jakstis, người sáng lập dịch vụ sự kiện Casa De Lago Event Centers, cho biết: “Cách đây vài năm, khi các công ty của tôi vừa mới ra đời, mỗi khi nhân viên hoặc các đối tác kinh doanh tiềm năng đặt câu hỏi cho tôi, tôi đều đề nghị đưa ra câu trả lời cho họ vào thời điểm khác thay vì trả lời ngay lập tức”.
Vì không muốn đưa ra một quyết định tồi, Jakstis đã dành thời gian để tìm ra câu trả lời tốt nhất. Tuy nhiên, đôi khi việc trì hoãn đó đồng nghĩa với việc bỏ lỡ một cơ hội lớn. Jakstis nhấn mạnh: “Một nhà lãnh đạo giỏi cần có khả năng nhìn ra bất kỳ vấn đề hoặc cơ hội nào và đưa ra một quyết định quan trọng mang lại lợi ích cho công ty. Nếu câu trả lời thất bại hoặc có gì đó không ổn thì ít nhất tôi sẽ nhận ra điều đó nhanh hơn. Còn nếu đúng, mọi thứ sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều”.
Bài học: Đừng ngại đưa ra quyết định. Ngay cả khi một quyết định được đưa ra không theo kế hoạch, đừng coi đó là sự thất bại, mà là một cơ hội để học hỏi.
5. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Danielle Wiley - CEO của dịch vụ truyền thông Sway Group - tâm sự rằng cô chưa bao giờ có mong muốn trở thành một nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, cô phải chấp nhận rằng hiện tại, mình đang là chủ nhân của một công ty đang phát triển rất nhanh.
Wiley cho biết: “Với thành công phi mã mà Sway đã đạt được trong vài năm đầu tiên, kỹ năng lãnh đạo của tôi không thể nào ‘chạy đua’ theo kịp. Chúng tôi đã không còn là một công ty nhỏ nữa, không chỉ thế, công việc ở đây còn là nguồn thu nhập chính cho gia đình của 35 nhân viên công ty”.
Gánh nặng trách nhiệm đó đã khiến Wiley tự cô lập bản thân mình, và cả công ty của cô cũng phải chịu đựng điều này. Wiley giải thích: “Tôi biết rằng tôi cần phải làm tốt hơn, tôi chỉ không biết là phải làm thế nào”.
Trong khoảng thời gian đó, Wiley đã tham dự một bữa ăn tối dành cho các CEO nữ. Cô ngồi cùng một bàn với một phụ nữ đang kể về một nhóm nơi CEO có thể gặp gỡ và tư vấn cho nhau mà cô ấy đã tham gia. Wiley đã quyết định thử tham gia nhóm này.
Wiley nhớ lại: “Tại cuộc họp đầu tiên, tôi đã nhanh chóng nhận ra nhóm này chính là những gì tôi đang cần. Tôi bắt đầu thấy rằng mối quan tâm và thất vọng của mình cũng tương tự những gì mà các CEO khác đã, đang và sẽ trải qua. Nhóm trao đổi này đã đem lại cho tôi một cảm giác tự tin mới lạ, và khiến tôi tin tưởng rằng tôi vẫn có thể tạo ra giá trị và có ích cho công ty của mình.”
Bài học: Giữ vai trò CEO là một trải nghiệm đặc biệt, không giống như bất cứ điều gì khác. Hãy tìm hiểu thêm về những khó khăn, thách thức mà các CEO khác đang trải qua. Các tình huống tương tự có thể cung cấp cho bạn một sự hỗ trợ cần thiết và là một hướng dẫn hữu ích khi cần.
Ý Nhi
Nguồn Entrepreneur