4 nguyên tắc ra quyết định của tỷ phú Richard Branson
Mùa hè năm 2012, Chính phủ Anh thông báo với Virgin Trains rằng hãng đã thua thầu và mất quyền điều hành tuyến đường sắt West Coast. Virgin Trains đã quản lý tuyến đường trị giá 7 tỷ bảng Anh này trong suốt 15 năm, mở rộng mạng lưới và tăng lượng hành khách hàng năm từ 13 triệu lên 30 triệu.
Richard Branson, Chủ tịch Tập đoàn Virgin - công ty mẹ của Virgin Trains - trong cuốn "The Virgin way: Everything I know about leadership" (Phong cách Virgin: Những gì tôi biết về nghề lãnh đạo) đã viết rằng ông vô cùng "choáng váng và bối rối" khi để gói thầu rơi vào tay FirstGroup.
Branson quyết định giữ im lặng trong một thời gian, trao đổi với luật sư và cố vấn để xem liệu Virgin có bị thất bại một cách công bằng không. Mọi người đều kết luận rằng số liệu của FirstGroup không bền vững, đồng nghĩa rằng chính phủ Anh đã phạm sai lầm trong việc tính toán. Dù vậy, nhiều nhân sự cao cấp đều nói với Branson rằng sẽ lãng phí thời gian và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh khi khởi kiện. Nhưng sau khi cân nhắc kỹ lưỡng mọi khía cạnh, Branson quyết định khởi kiện.
Một tuần trước phiên toà xử vụ kiện giữa Branson và Bộ Giao thông, Branson nhận được cuộc gọi từ Bộ nói rằng sau khi kiểm tra lại, Bộ đã phát hiện ra sai lỗi và sẽ trao lại quyền quản lý cho Virgin.
Quyết định khởi kiện của Branson rốt cuộc đã cứu vãn hoạt động kinh doanh đường sắt và là một trong những quyết định mạo hiểm nhất của tỷ phú này. Trong cuốn sách của mình, Branson đã nêu ra 4 quy tắc giúp ông quyết định trong những tình huống khó khăn.
1. Đừng hành động cảm tính
Branson đã rất sốc trước tin Virgin Trains thua thầu, nhưng ông đủ kinh nghiệm để biết rằng cần có thêm thời gian để giải quyết và thu thập dữ liệu thay vì để cảm xúc lấn át lý trí.
Nếu Branson tuyên bố với báo giới một cách thất vọng hoặc yêu cầu kiện chính phủ Anh theo cảm tính mà thiếu dữ liệu, đơn kiện của ông có thể bị bác bỏ và ông trở thành người hấp tấp và nóng vội trong mắt mọi người.
Hãy dành đủ thời gian cân nhắc để quyết định của bạn không bị ảnh hưởng bởi ấn tượng ban đầu.
2. Tìm điểm yếu
Branson luôn cân nhắc cẩn trọng mọi trường hợp xấu có thể xảy ra trước khi đi đến quyết định.
Trong vụ kiện nêu trên, ban đầu các luật sư của Branson cho rằng ông chỉ có 10% cơ hội chiến thắng. Nhưng sau khi thu thập bằng chứng cho thấy sai sót trong số liệu của đối thủ, ông nhận ra mình có trong tay công lý và sự ủng hộ của khách hàng.
"Không có gì là hoàn hảo, vì vậy, hãy làm việc chăm chỉ để tìm ra những sai sót ẩn giấu và loại bỏ chúng. Chỉ có như vậy mới cải thiện được tình hình.
3. Nhìn xa trông rộng
Trước khi ra quyết định, Branson luôn xem xét xem quyết định này sẽ ảnh hưởng thế nào đến các dự án khác trong ngắn cũng như dài hạn.
"Đây có thể là cơ hội tốt không thể bỏ lỡ, nhưng nó sẽ ảnh hưởng ra sao đến các kế hoạch hoặc những ưu tiên khác và nếu bây giờ chưa phải là thời điểm tốt nhất để thực hiện, những rủi ro nào sẽ diễn ra? Nếu bạn không thể thực hiện dự án này cùng với những kế hoạch đã vạch ra, nên ưu tiên dự án nào và tại sao?", Branson viết.
Một trong những ví dụ Branson đưa ra về việc phớt lờ tầm nhìn là khi Chủ tịch kiêm CEO Carnival Corporation Mickey Arison quyết định đến xem trận bóng rổ đúng vào cái ngày một trong những du thuyền của công ty bị chìm ngoài khơi một hòn đảo của Ý năm 2012, khiến 32 người chết và nhiều người khác bị thương.
Tiếp đó, Arison lại tự hủy hoại danh tiếng của mình cũng như của công ty, khi có hành động tương tự vào ngày một con tàu khác của công ty hết nhiên liệu khiến hành khách phải lênh đênh 5 ngày trên biển trong điều kiện thiếu nước và điện.
4. Bảo vệ mặt trái của vấn đề
Trong một bài viết trên mạng xã hội LinkedIn, Branson chia sẻ rằng bài học hay nhất cha ông từng dạy là bảo vệ mặt trái của vấn đề; điều này có nghĩa rằng hạn chế những tổn thất có thể xảy ra trước khi thực hiện một "phi vụ" mới.
Cha của Branson nói rằng Branson, khi đó 15 tuổi, sẽ được phép nghỉ học và bắt đầu tạp chí Student nếu ông thu về 4.000 bảng Anh tiền quảng cáo để bù đắp cho chi phí in ấn và các chi phí khác.
Branson thêm một lần áp dụng chiến lược này vào năm 1984 khi ông nhảy từ lĩnh vực âm nhạc vào lĩnh vực hàng không với Virgin Atlantic. Ông chỉ có thể thuyết phục được các cộng sự tại Virgin Records chấp nhận thương vụ này sau khi Boeing đồng ý sẽ nhận lại chiếc Boeing 747 của Virgin sau một năm nếu tình hình kinh doanh không theo đúng kế hoạch đề ra sau một năm.
Nhật Trường
Nguồn BI