Ảnh: Quý Hòa
2 thất bại của CEO Gumac
Hiện diện trên 40 tỉnh thành, 80 cửa hàng của Gumac bán ra hơn 5.000 sản phẩm mỗi tháng, mang về cho ông chủ trẻ khoản lợi nhuận đáng mơ ước.
Livestream tìm mình
Trong lần gặp đầu tiên, khó có thể đoán, Lê Thành Vân là người đang sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang lớn tại Việt Nam. Hồn nhiên, năng động, CEO được xem là “ông trùm livestream” này không giấu được nhiệt huyết khi nói về thời trang và kinh doanh dựa trên sự phát triển của kết nối internet cũng như mạng xã hội.
Thành Vân cho biết, ngay từ những ngày còn là sinh viên Đại học Hàng Hải TP.HCM, anh đã biến tài khoản online của mình thành công cụ kiếm tiền. Ngày đó, anh tham gia các diễn đàn, thấy sản phẩm nào “hot” thì kiếm nguồn cung, mua đi rồi bán lại. Lợi nhuận thu được giúp anh không những có thể tự lo cho cuộc sống mà còn giúp đỡ được gia đình, vốn chẳng thong thả gì trong cuộc mưu sinh ở vùng quê Nghệ An.
“Kinh doanh, dù theo mô hình truyền thống hay hiện đại, cũng không thể là chuyện chạy theo người dùng mà phải kiến tạo xu hướng”, anh nghĩ vậy. Năm 2015, sau 3 năm kiếm tiền theo kiểu lắt nhắt, Thành Vân quyết định chuyển hướng, mở shop kinh doanh thời trang. Gushop, cái tên đầu tiên cũng là nền tảng đưa anh tiếp cận thị trường khá thành công. Vì mặt bằng quá giới hạn, chỉ trong 30m2, không đủ để trưng bày hay trang trí nhiều, Thành Vân phải dùng Facebook của mình để livestream, tỉ mỉ khoe từng sản phẩm, từng thông số cũng như cách kết hợp các sản phẩm... để khách hàng có được lựa chọn hoàn hảo. Anh kể, có những buổi tối, khi nhân viên bán hàng đã về, chỉ còn ông chủ trẻ ở lại, anh livestream để tiếp cận thêm khách hàng.
Không quảng cáo sản phẩm, Thành Vân chỉ chia sẻ chuyện đời, chuyện người đúng với những giá trị mình đang theo đuổi với các bà nội trợ, nhân viên văn phòng... đang online giải trí sau một ngày làm việc. Không ngờ, những câu chuyện thú vị cũng như triết lý sống tin tưởng, yêu đời của chính con người anh lại gây được thiện cảm. Đơn hàng online đổ về, tạo điều kiện cho ông chủ trẻ mở thêm 3 cửa hàng mới. Lúc này, anh chính thức chọn thương hiệu Gumac cho chuỗi cửa hàng thời trang của mình. “Kinh doanh trong thời đại 4.0, kết nối internet, ai có được niềm tin và sự ủng hộ của khách hàng sẽ là người chiến thắng”, anh nói.
Biết mình là người đến sau, khi tham gia thị trường, Thành Vân bảo, phải cố gắng tìm ra điểm nổi trội. Gumac chú tâm vào dịch vụ, chính sách bán hàng... rồi cố gắng làm thật tốt, đó là điểm khác biệt không phải ai cũng tổ chức được.
Thất bại không là kết thúc
Theo lý giải của Thành Vân, Gumac có nghĩa là mặc có gu. Ngay từ khi bước chân vào kinh doanh thời trang, anh đã đề ra cho mình mục tiêu là giúp những phụ nữ bình thường có thể đẹp hơn nhưng vẫn giữ được cá tính. Do vậy, anh chọn phân khúc tầm trung từ 300.000-500.000 đồng/sản phẩm. Thành Vân cho biết: “Dù thương mại điện tử đã phát triển hơn ở Việt Nam, người dùng tin hơn kênh bán hàng hiện đại nhưng mức giá phù hợp với kênh bán hàng trực tuyến vẫn chưa quá 500.000 đồng. Khách hàng sẽ quyết định mua rất nhanh chứ không phải đắn đo trong khung giá này”.
Theo báo cáo năm 2018 của Nielsen, thị trường thời trang Việt Nam có mức tăng trưởng 15-20%/năm. Hiện giới trẻ Việt gia tăng đáng kể chi tiêu cho trang phục. Ước tính, giá trị tiêu dùng hàng dệt may Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 5-6 tỉ USD, tương đương 120.000-140.000 tỉ đồng. Dù online là nền tảng để tăng đơn hàng với tỉ trọng doanh thu từ kênh trực tuyến 33-35% nhưng Gumac vẫn xác định, phải phát triển trên chính kênh phân phối truyền thống. “Tôi thất bại khi muốn phát triển nhanh”, anh thừa nhận.
Sau khi mở cửa hàng thứ 5, nhận thấy tiềm năng thị trường quá lớn, Thành Vân quyết định đẩy mạnh sự hiện diện của Gumac theo mô hình kinh doanh nhượng quyền. Công ty sẽ thiết kế các tiêu chuẩn cửa hàng cũng như cung cấp sản phẩm, đại lý chỉ cần ký quỹ 250 triệu đồng là có thể tham gia. Cách làm này giúp Gumac bước sang giai đoạn tăng trưởng nóng, có tháng khai trương 11 cửa hàng thì 10 cửa hàng là nhượng quyền. Đáng tiếc, phát triển quá nhanh khiến công tác quản trị không theo kịp. Những bất hợp lý nảy sinh khi đối tác không đảm bảo quy chuẩn chung. “Hậu quả kinh doanh toàn chuỗi bị ảnh hưởng lớn. May mà tôi vẫn quay về kịp với cách xây dựng chuỗi ban đầu”, anh trải lòng.
Tuy nhiên, vừa kịp khắc phục sai lầm thứ nhất thì Gumac lại vấp phải sai lầm thứ 2, khi người sáng lập tham gia vào quy trình sản xuất, thay vì chỉ dùng cơ sở sản xuất vệ tinh, gia công theo thiết kế riêng mà Gumac phát triển như ban đầu.
Thành Vân kể, chuyện đầu tư nhà xưởng, quản lý thêm nhân công sản xuất trong khi vẫn phải phát triển kinh doanh và quản lý nhân viên bán hàng là lựa chọn kém hiệu quả. Bởi vì sản xuất là khâu mang đến giá trị thặng dư thấp nhất. Nếu tổ chức tốt đối tác vệ tinh, doanh nghiệp chỉ cần tập trung vào khâu thiết kế, bán hàng, hiệu quả kinh doanh sẽ cao hơn rất nhiều. “Nửa năm trải nghiệm sản xuất ấy cho tôi rất nhiều kinh nghiệm, thất bại nào cũng có giá trị, nếu chúng ta biết mổ xẻ nó bằng đôi mắt khách quan”, anh cho biết.
Bước qua 2 sai lầm lớn, Lê Thành Vân giờ đây khá tự tin với chiến lược phát triển của mình. Anh đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, Gumac sẽ hiện diện khắp 64 tỉnh thành trên cả nước. Công tác tổ chức đội ngũ thiết kế sẽ được chú trọng hơn, thêm nhiều sáng tạo hơn để Gumac có thể triển khai thêm phân khúc cao cấp. “Đi chậm hay nhanh không quan trọng, quan trọng vẫn là phải lết được tới đích”, anh đùa.
►Thời trang nội lọt thỏm trong thị trường 3,5 tỷ USD