Thứ Sáu | 17/03/2017 17:41

12 phương châm lãnh đạo từ cựu chỉ huy đặc nhiệm SEAL

Bằng cách nhận thức được những yếu tố xung khắc, nhà lãnh đạo có thể “dễ dàng cân bằng các yếu tố đối nghịch và đạt đến sự hiệu quả tối đa”.

Jocko Willink là cựu chỉ huy đơn vị SEAL Team 3, đơn vị đặc nhiệm được nhiều huy chương nhất của quân đội Mỹ trong chiến tranh Iraq, và lập nhiều chiến tích trong trận đánh Ramadi năm 2006. Sau khi giải ngũ, ông cùng với với cựu chỉ huy trung đội của mình là Leif Babin thành lập công ty tư vấn Echelon Front.

Năm 2015, Willink và Babin cho ra mắt cuốn “Extreme Ownership” (Trách nhiệm tuyệt đối), chia sẻ lại những bài học lãnh đạo từ SEAL mà họ đã đúc kết và giảng dạy cho các khách hàng doanh nghiệp.

Bàn về trải nghiệm sau 20 năm trong lực lượng SEAL, Willink nói: “Kỷ luật và tự do là hai yếu tố đối nghịch nhau và luôn phải được giữ ở thế cân bằng. Tương tự như vậy, một nhà lãnh đạo phải biết tìm sự cân bằng giữa những yếu tố dường như xung khắc nhau đến mức cực đoan”. Bằng cách nhận thức được những xung khắc đó, một nhà lãnh đạo có thể “dễ dàng cân bằng các yếu tố đối nghịch và đạt đến sự hiệu quả tối đa”.

Dưới đây là 12 phương châm lãnh đạo mà Willink đã đúc kết từ kinh nghiệm trong lực lượng SEAL:

1. “Lãnh đạo là người dẫn dắt nhưng cũng phải sẵn sàng làm theo”

Willink cho biết có một quan niệm sai lầm phổ biến về quân đội, đó là những binh sĩ dưới quyền phải tuân thủ “vô điều kiện” những mệnh lệnh được chỉ huy đưa ra. Trong một số tình huống, sự thật là cấp dưới lại biết nhiều thông tin hơn chỉ huy, hoặc có một góc nhìn khác để mang lại một kế hoạch hiệu quả hơn so với kế hoạch cấp trên đã đưa xuống.

Willink viết: “Các nhà lãnh đạo giỏi phải hoan nghênh việc này. Hãy chịu khó đặt sang một bên cái tôi và các mục tiêu cá nhân, để đảm bảo rằng cả đội sẽ có cơ hội lớn nhất để hoàn thành các mục tiêu chiến lược của mình.”

2. “Sẵn sàng đối đầu, nhưng đừng nên kiêu căng.”

Là một sĩ quan SEAL, Willink luôn là người không bao giờ ngại đối đầu với người khác. Tuy nhiên, theo ông thì có một khoảng cách lớn giữa một nhà lãnh đạo có uy thực sự, so với việc chỉ biết làm cho người ta thấy sợ hãi.

Willink kể: “Tôi đã làm hết sức mình để đảm bảo tất cả mọi người dưới quyền cảm thấy thoải mái khi tiếp cận với tôi để trao đổi những mối quan tâm, ý tưởng, suy nghĩ, hay thậm chí cả những bất đồng.”

Ông nói thêm: “Cấp dưới của tôi cũng biết rằng nếu họ muốn phàn nàn về công việc khó khăn hay những kỳ vọng của tôi dành cho họ, tốt nhất là nên kiếm chỗ nào khác mà phàn nàn”.

3. “Luôn giữ bình tĩnh, nhưng đừng tự biến mình thành người máy.”

Dù một nhà lãnh đạo hay đánh mất sự bình tĩnh thì sẽ không được nể trọng, nhưng nếu không biết biểu lộ sự tức giận, buồn bã, hay thất vọng, các nhà lãnh đạo cũng sẽ không thể thiết lập mối quan hệ với nhóm của mình. Hãy cứ chấp nhận cảm xúc của mình và trải lòng với mọi người. Willink nói: “Chẳng ai muốn đi theo một con robot cả đâu”.

4. “Tự tin nhưng không bao giờ tự phụ”

Các nhà lãnh đạo nên hành xử một cách tự tin và truyền cảm hứng cho các thành viên khác trong nhóm. Willink cũng cảnh báo: “Nhưng sự tự tin quá lố sẽ trở thành thói tự mãn và kiêu ngạo, điều này cuối cùng sẽ khiến cho nhóm bạn thất bại mà thôi.”

5. “Dũng cảm nhưng đừng liều lĩnh”

Nhà lãnh đạo giỏi sẽ không để lãng phí thời gian quá mức cho việc nghĩ đi nghĩ lại kế hoạch hành động mà không đưa ra quyết định. Nhưng một khi đã đến thời điểm đưa ra quyết định, tất cả rủi ro phải được giảm thiểu càng nhiều càng tốt.

Khi Willink và Babin tác chiến ở Ramadi, họ sẵn sàng trì hoãn một cuộc tấn công cho đến khi mọi chi tiết về mục tiêu được làm rõ, ngay cả khi nó làm các đơn vị hỗ trợ cảm thấy bực bội. Nhưng cũng chính nhờ điều đó mà lực lượng của họ đã giảm được thương vong xuống mức tối thiểu.

6. “Sẵn sàng cạnh tranh, nhưng cũng biết chấp nhận thua cuộc”

Willink chia sẻ: “Nhà lãnh đạo phải xây dựng được tinh thần cạnh tranh, và thúc đẩy bản thân lẫn đội của mình hướng đến mục tiêu cao nhất. Nhưng họ không bao giờ được phép đặt thành công cá nhân lên trước thành công của toàn đội.”

Điều này nghĩa là khi một điều gì đó không đi theo đúng kế hoạch, các nhà lãnh đạo phải gạt bỏ cái tôi qua một bên và chịu trách nhiệm trước thất bại, trước khi tìm kiếm hướng đi mới.

7. “Chú ý đến chi tiết, nhưng không bị ám ảnh bởi tiểu tiết”

Theo Willink thì: “Những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất biết cách xác định nhanh chóng những khía cạnh nào cần được ưu tiên theo dõi để mọi thứ vận hành một cách trôi chảy. Tuy nhiên, đừng để bị cuốn vào những thứ quá tiểu tiết, và vô tình đánh mất cái nhìn toàn cảnh.”

8. “Phải có sức chịu đựng, không chỉ về thể chất mà cả tinh thần.”

Nhà lãnh đạo giỏi luôn thúc đẩy bản thân và đội của mình tiến về phía trước, nhưng cũng biết rõ đâu là giới hạn, nhằm giữ được đà tiến và tránh gây ra tình trạng kiệt sức hay chán nản.

9. “Khiêm tốn nhưng không thụ động, điềm tĩnh nhưng không im lặng”

Các nhà lãnh đạo giỏi nhất luôn biết cách kiểm soát cái tôi của mình, sẵn sàng đón nhận ý kiến của người khác và biết thừa nhận khi nào họ sai.

Willink cho biết “Một nhà lãnh đạo phải có khả năng lên tiếng khi cần thiết. Họ phải có khả năng bảo vệ cho đội của mình và biết cách kháng cự những mệnh lệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thành công của toàn bộ nhiệm vụ.”

10. “Gần gũi với cấp dưới, nhưng không được quá gần.”

Willink cho hay: “Các nhà lãnh đạo giỏi nhất hiểu điểm mạnh của các thành viên trong nhóm và nắm rõ tình hình từng cá nhân, từ cuộc sống đến gia đình của họ. Nhưng một nhà lãnh đạo không bao giờ nên quá gần với cấp dưới, đừng để một thành viên trong nhóm trở nên quan trọng hơn người khác hoặc quan trọng hơn chính bản thân nhiệm vụ. Đừng để mọi người quên đi ai là người đang nắm quyền chỉ huy”.

11. “Chịu trách nhiệm tuyệt đối, nhưng đừng ngần ngại phân quyền”

“Trách nhiệm tuyệt đối” là khái niệm cơ bản về triết lý lãnh đạo của Willink và Babin. Willink cho biết: “Mọi trách nhiệm về thành công và thất bại đều thuộc về người lãnh đạo”. Ngay cả khi các nhà lãnh đạo không trực tiếp chịu trách nhiệm về tất cả các kết quả, thì phải nhớ rằng kết quả cũng có phần bắt nguồn từ phương thức truyền đạt và hướng dẫn của họ.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các nhà lãnh đạo cứ phải ôm hết mọi việc. Đó là lý do dẫn đến khái niệm về phân quyền chỉ huy (Decentralized Command) mà Willink và Babin đã sử dụng thành công trên chiến trường. Theo đó, họ gửi gắm niềm tin vào các sĩ cấp dưới thực hiện những công việc nhất định mà không cần ai can thiệp.

12. “Không có gì cần chứng minh, nhưng cần chứng minh mọi thứ”

Willink viết trong cuốn sách của mình: “Khi nhóm đã hiểu rằng bạn là nhà lãnh đạo thực sự, bạn không có gì cần phải chứng minh cả. Nhưng ở một khía cạnh khác, bạn phải chứng minh được mọi thứ: mọi thành viên trong nhóm phải tin tưởng rằng bạn có đủ năng lực phán xét, thái độ bình tĩnh và đưa ra các quyết định đúng đắn đối với những điều quan trọng nhất.”

Và cách duy nhất có thể đạt được điều này chính là bản thân bạn phải là hình mẫu cho mọi người khác làm gương.

Ý Nhi