10 bài học lãnh đạo từ lực lượng đặc nhiệm SEAL
Một trong những môi trường đào tạo khả năng lãnh đạo tốt nhất có lẽ là môi trường quân đội, vì các quân nhân luôn phải đối phó liên tục với các tình huống hoặc sống hoặc chết, và ít có sự mơ hồ về việc ai thắng ai thua.
Lực lượng SEAL của hải quân Mỹ là một trong những lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới. Jocko Willink và Leif Babin là hai sĩ quan SEAL từng chiến đấu ở Iraq và nhận nhiều huân chương, nay đã giải ngũ và trở thành chuyên gia tư vấn. Cuốn sách “Extreme Ownership” (Trách nhiệm tuyệt đối) của họ đã trở thành một bestseller về nghệ thuật lãnh đạo. Ý tưởng cốt lõi của cuốn sách là xây dựng tinh thần lãnh đạo dựa vào sự minh bạch, niềm tin và trách nhiệm.
Dưới đây là 10 bài học lãnh đạo mà Jocko Willink và Leif Babin đã đề cập đến:
1. Nhà lãnh đạo dám chịu trách nhiệm tuyệt đối
“Trách nhiệm tuyệt đối” là khái niệm quan trọng nhất từ cuốn sách “Extreme Ownership” và đây là điều giới kinh doanh nên học hỏi. Bạn không thể đổ lỗi thất bại cho sản phẩm, cho đồng nghiệp, cho đối thủ cạnh tranh hay cho tình hình kinh tế vĩ mô. Hơn ai hết, chính bạn phải chịu trách nhiệm về mọi thứ trong sự nghiệp và cuộc sống của mình.
Một nhà lãnh đạo thực sự sẽ đứng ra chịu trách nhiệm sau cùng. Khi mọi thứ đi sai hướng, bạn phải là người nhận trách nhiệm về mình, và đừng cố đưa ra lý do bào chữa.
“Trong bất kỳ nhóm hay tổ chức nào, tất cả trách nhiệm về thành công hay thất bại thuộc về nhà lãnh đạo. Người lãnh đạo phải đứng ra nhận lãnh tất cả mọi thứ trong thế giới của mình, và không được đổ lỗi lên ai khác. Người lãnh đạo phải biết thừa nhận sai lầm và chấp nhận thất bại, chịu trách nhiệm hoàn toàn và lên một kế hoạch khác để giành lại chiến thắng”.
2. Không có lính dở, chỉ có chỉ huy tồi
Nếu có lãnh đạo tốt, nhân viên cũng sẽ làm việc tốt. Nhà lãnh đạo có trách nhiệm thay đổi từng cá nhân và tận dụng khả năng của họ để đảm bảo mọi thứ được hoàn thành. Một nhà lãnh đạo giỏi sẽ tạo nên một nền văn hóa nhấn mạnh vào trách nhiệm và tinh thần đồng đội, về khát khao chiến thắng và làm thế nào để giành chiến thắng. Trong một nhóm như thế, mỗi thành viên luôn chủ động đòi hỏi hiệu suất cao nhất từ những người còn lại, và mỗi cá nhân cũng biết những gì họ cần phải làm để giành chiến thắng để từ đó sẵn sàng làm tới cùng.
“Nhà lãnh đạo là yếu tố lớn nhất trong hoạt động của bất kỳ tổ chức nào. Một tổ chức thành công hay thất bại đều do đường lối của nhà lãnh đạo. Thái độ của nhà lãnh đạo sẽ tạo nhịp hành động cho toàn tổ chức”.
3. Đặt ra các nhiệm vụ minh bạch
Mỗi người trong nhóm không chỉ hiểu họ cần làm những gì, mà còn phải hiểu tại sao. Nhà lãnh đạo không nhất thiết phải giải thích mọi quyết định, nhưng họ cần phải truyền đạt được cái nhìn toàn cảnh và nhiệm vụ chung. Hãy cho phép các thành viên trong nhóm đặt câu hỏi nếu có điều gì chưa rõ. Các nhà lãnh đạo có trách nhiệm khiến mọi người tin tưởng vào sứ mệnh và hiểu rõ từng mục tiêu.
4. Cất cái tôi của bạn vào một góc.
Nhà lãnh đạo phải biết đặt nhiệm vụ chung lên trên nhu cầu cá nhân và cái tôi của mình. Nhà lãnh đạo nên thể hiện thái độ khiêm nhường, và biết đón nhận những ý tưởng tốt bất kể là chúng đến từ cấp bậc nào. Nhà lãnh đạo cũng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm hoàn toàn khi mắc sai lầm, để từ đó tìm kiếm hướng đi mới.
“Việc để cho cái tôi lấn át sẽ làm hỏng mọi thứ: từ quá trình lập kế hoạch, khả năng tiếp thu ý kiến cho đến khả năng chấp nhận những lời chỉ trích mang tính xây dựng”.
5. Hành động dứt khoát, và luôn có kế hoạch dự phòng
Không bao giờ có gì chắc chắn 100%. Nếu cứ chờ đợi nghĩa là bạn đã quyết định là không đưa ra quyết định gì cả. Thông tin sẽ không bao giờ đầy đủ, lúc nào cũng có rủi ro và không có giải pháp nào tuyệt đối đúng. Do đó, bạn nên chủ động tính đến những rủi ro và mạnh dạn tiến về phía trước. Các nhà lãnh đạo cần thừa nhận những yếu tố không chắc chắn, chủ động giảm thiểu rủi ro và tiếp tục thúc đẩy mọi người hoàn thành nhiệm vụ. Các chỉ huy đặc nhiệm SEAL luôn đặt ưu tiên hành động lên hàng đầu:
“Tại SEAL, chúng tôi yêu cầu sự hành động dứt khoát, và thái độ mặc định của mọi người là luôn xông về phía trước. Giữ thế chủ động tốt hơn là chỉ biết phản ứng. Chúng tôi là người làm chủ tình hình, thay vì để cho các tình huống chi phối”.
6. Biết trình bày đơn giản và rõ ràng
Sự phức tạp nghĩa là có quá nhiều ẩn số và biến số cần giải quyết. Một vấn đề phức tạp sẽ đòi hỏi một kế hoạch phức tạp, và điều đó chẳng mấy khi dễ hiểu hay dễ thực hiện.
Nhà lãnh đạo nên bắt đầu bằng cách giải quyết các vấn đề đơn giản và tiếp tục với những vấn đề lớn hơn theo tuần tự. Là lãnh đạo, bạn cần biết cách loại bỏ sự phức tạp, khiến mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Như thế, bạn có thể tạo ra những kế hoạch đơn giản, rõ ràng và súc tích hơn nhiều.
7. Đặt ưu tiên và giải quyết.
Khi nhà lãnh đạo đối diện với cùng lúc nhiều vấn đề khác nhau, họ rất dễ rơi vào tuyệt vọng. Một nhà lãnh đạo giỏi sẽ xác định những ưu tiên cao nhất và giải quyết chúng một cách tuần tự, còn các nhà lãnh đạo xuất sắc sẽ nhìn thấy những vấn đề từ trước khi chúng xảy ra. Tầm nhìn xa cho phép bạn dự đoán các vấn đề và bắt đầu giải quyết trước khi chúng trở nên lớn hơn.
“Ngay cả những nhà lãnh đạo tài ba nhất cũng có thể bị quá tải nếu họ cố gắng giải quyết quá nhiều vấn đề cùng một lúc. Các nhóm của họ cũng có khả năng thất bại cao hơn vào những lúc như vậy. Thay vào đó, nhà lãnh đạo cần xác định rõ những nhiệm vụ ưu tiên cao nhất và thực hiện chúng trước tiên.”
8. Phân cấp chỉ huy
Các nhà lãnh đạo giao phó công việc như thế nào? Họ luôn tin tưởng đội của họ sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Họ cho phép đội của mình tự do chọn cách tốt nhất để thực hiện điều đó, dựa trên các mục tiêu và giới hạn rõ ràng. Điều này mang lại cho những người dưới quyền sự tự do cần thiết để đổi mới và thích ứng với những thay đổi bất ngờ.
“Các nhóm tốt nhất có thể liên tục phân tích chiến thuật của họ, tính toán sự hiệu quả để từ đó học cách điều chỉnh phương pháp của mình và ứng dụng kinh nghiệm đã học cho các nhiệm vụ tương lai.”
9. Hiểu chỗ đứng của mình
Các nhà lãnh đạo tốt sẽ hiểu được quan điểm của chỉ huy cấp trên. Họ đặt câu hỏi để nắm thêm tình hình, và đổi lại cung cấp thông tin và xây dựng lòng tin nơi cấp trên. Từ đó, họ có thể truyền đạt bức tranh chiến lược tổng thể đến tất cả mọi người cấp dưới, đồng thời cũng mang lại cho những người này trách nhiệm ra một số quyết định, điều này khiến cho họ cống hiến nhiều hơn nữa.
“Nếu sếp của bạn không đưa ra quyết định một cách kịp thời hoặc cung cấp các công cụ hỗ trợ cần thiết cho bạn và nhóm của bạn, đừng đổ lỗi cho họ. Đầu tiên, hãy nhận lỗi về chính mình. Hãy xem lại bạn có thể làm gì để truyền đạt tốt hơn những thông tin quan trọng để đảm bảo những quyết định được thực hiện và sự hỗ trợ được phân bổ đúng chỗ.”
10. Kỷ luật đi kèm với tự do
Kỷ luật là yếu tố quan trọng nhất đối với mỗi cá nhân và cho một đội quân. Kỷ luật là một vấn đề thuộc về ý chí cá nhân. Đó là sự khác biệt giữa một nhân sự tốt và một nhân sự đỉnh cao.
“Những lính SEAL tinh nhuệ nhất luôn là những người kỷ luật nhất. Họ thức dậy sớm, tập luyện mỗi ngày, họ liên tục nghiên cứu và thực hành. Một đơn vị có tính kỷ luật chặt chẽ hơn sẽ mạnh hơn và dễ dàng chiến thắng hơn.”
Kỷ luật không làm cho nhóm của bạn cứng nhắc hơn mà khiến họ trở nên linh hoạt hơn. Bằng cách tạo ra các quy trình và hệ thống bài bản, nhóm có thể nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ trong các điều kiện khác nhau mà không mất công chuẩn bị lại. Một khi các phản xạ cơ bản đã được tạo dựng bởi kỷ luật, tâm trí sẽ có thời gian để suy nghĩ kỹ lưỡng về những gì quan trọng nhất.
“Thay vì mang lại sự cứng nhắc và không thể ứng biến, kỷ luật thực ra làm cho chúng tôi linh hoạt hơn, dễ thích ứng hơn và hành động hiệu quả hơn. Nó cho phép chúng tôi sáng tạo. Khi chúng tôi muốn thay đổi chiến thuật giữa chừng, chúng tôi không phải lập ra một kế hoạch hoàn toàn mới. Chúng tôi được quyền tự do làm mọi việc tùy thích trong khuôn khổ kỷ luật của chúng tôi”.
Ý Nhi
Nguồn LinkedIn