Sự xuất hiện của Uniqlo tiếp tục lập kỷ lục mới với hàng dài tín đồ mua sắm xếp hàng chờ khai trương.

 
Thiên Lộc Thứ Ba | 09/03/2021 13:00

Việt Nam trở thành “miền đất hứa” cho các thương hiệu bán lẻ quốc tế trong năm 2021?

Các thương hiệu được yêu thích trên thế giới như Zara, H&M, Uniqlo, Decathlon... đều có thể dễ dàng được tìm thấy tại các trung tâm thương mại trong thành phố.

Chính sách phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, tăng trưởng kinh tế dương, thị trường bán lẻ giàu triển vọng và mạng lưới đối tác uy tín là bảo chứng cho quyết định đầu tư vào thị trường Việt Nam của nhiều thương hiệu bán lẻ quốc tế.

Việt Nam thu hút loạt thương hiệu quốc tế nhờ “tam giác cân” lợi ích

Năm 2016, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến cuộc “đổ bộ” của các “ông lớn” quốc tế khi thương hiệu thời trang đình đám Tây Ban Nha - Zara khai trương tại Việt Nam. Tại thời điểm đó, việc trải nghiệm mua sắm các sản phẩm quốc tế trực tiếp tại cửa hàng có thể coi là “xa xỉ phẩm”, chỉ dành cho những người được ra nước ngoài. Điều này lý giải cho sự phấn khích của người dân Việt Nam nói chung và các tín đồ thời trang nói riêng, khi hàng trăm người sẵn sàng xếp hàng chờ Zara mở cửa.

Nửa thập kỷ trôi qua, tới nay, những lựa chọn mua sắm của người Việt đã trở nên vô cùng phong phú. Các thương hiệu được yêu thích trên toàn thế giới như Zara, H&M, Uniqlo, Decathlon... đều có thể dễ dàng được tìm thấy tại các trung tâm thương mại trong thành phố. Thậm chí, 2 cửa hàng Uniqlo tại Đồng Khởi (TP.HCM) và Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) còn nằm trong top 4 cửa hàng lớn nhất của Uniqlo tại Đông Nam Á. Điều này đã khẳng định sức hút của thị trường Việt Nam với các thương hiệu quốc tế, nhờ “tam giác cân” lợi ích: tình hình kinh tế - chính trị - xã hội ổn định, thị trường bán lẻ phát triển ổn định, các đối tác cho thuê mặt bằng uy tín, chất lượng.

Đặc biệt sau dịch COVID-19, Việt Nam càng chứng tỏ sức hút, khi có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả cùng các chính sách kích cầu kinh tế nhanh chóng. Trong dịp Black Friday 2020, cả thế giới ghen tị khi các trung tâm thương mại tại Việt Nam đông nghịt người mua sắm.

Người dân chen chân mua sắm dịp Black Friday tại Việt Nam, minh chứng cho sức mua được phục hồi nhanh chóng.
Người dân chen chân mua sắm dịp Black Friday tại Việt Nam, minh chứng cho sức mua được phục hồi nhanh chóng.

Nhìn thấy những cơ hội lớn, các thương hiệu quốc tế không chần chừ mà tiến ngay vào thị trường “béo bở” này, điển hình như là các thương hiệu hàng đầu Nhật Matsumoto Kiyoshi và MUJI. Không chỉ vậy, các “ông lớn” đã có mặt tại Việt Nam cũng liên tục mở rộng hệ thống, khai phá các thị trường mới như Haidilao, Uniqlo và Fila “tấn công” Thủ đô Hà Nội, hay MLB mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội và Đà Nẵng. Phần lớn các thương hiệu này đều lựa chọn mở cửa hàng trong các chuỗi trung tâm thương mại lớn với vị trí đẹp tại các quận sầm uất của thành phố.

“Miền đất hứa” cho các thương hiệu quốc tế

Các chuyên gia kinh tế cho biết, sự trở lại của dịch COVID-19 vào tháng 2.2021 vừa qua không có nhiều tác động đến các dự báo tăng trưởng của năm 2021. Theo Trading Economics, thị trường bán lẻ được dự báo có sức bật mạnh mẽ nhất với mức tăng trưởng doanh thu đạt 11% trong năm 2021, vượt xa các nước Đông Nam Á khác. Việt Nam cũng là thị trường xếp thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu trong các năm trở lại đây. Những tín hiệu lạc quan càng rõ rệt khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, Việt Nam đã nhập vắc-xin về để sử dụng. Trong khi nhiều quốc gia khác vẫn đang trong giai đoạn “rã đông” nền kinh tế thì Việt Nam đã chứng tỏ sức phục hồi leo dốc “thẳng đứng”.

Người tiêu dùng có tâm lý tích cực, sức mua tăng trở lại ngay sau các đợt giãn cách vì dịch bệnh.
Người tiêu dùng có tâm lý tích cực, sức mua tăng trở lại ngay sau các đợt giãn cách vì dịch bệnh.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực. Theo một báo cáo của Ipsos về hành vi của người tiêu dùng sau giãn cách xã hội, 55% người Việt vẫn tin rằng kinh tế nước nhà sẽ tốt lên trong giai đoạn 6 tháng. Con số này ở các nước khác trong khu vực (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) là 45%. Sự lạc quan của người tiêu dùng Việt Nam thể hiện rõ rệt khi ngay từ quý 3/2020, nhu cầu mua sắm đã tăng trở lại.

Nhìn thấy những tín hiệu lạc quan này, các thương hiệu quốc tế đã nhanh chóng hành động. Ngay trong tháng 1.2021, Pandora mở mới 1 cửa hàng mới tại Vincom Center Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) sau khi đã khai trương 2 cửa hàng liên tiếp trong những ngày cuối tháng 12.2020. Thương hiệu thời trang đình đám H&M sau gần 4 năm gia nhập thị trường Việt Nam đã quyết định có bước đi mới, khai phá thị trường tỉnh, thành phố. Trong quý I/2021, H&M đã đồng loạt giới thiệu các cửa hàng với concept mới lạ tại Vincom Plaza Hạ Long (Quảng Ninh) và Vincom Plaza Hùng Vương (Cần Thơ).

H&M tiếp tục có kế hoạch mở rộng hệ thống sau gần 4 năm gia nhập thị trường Việt Nam.
H&M tiếp tục có kế hoạch mở rộng hệ thống sau gần 4 năm gia nhập thị trường Việt Nam.

Nhiều chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ thu hút dòng chảy đầu tư của các thương hiệu quốc tế trong năm 2021, đặc biệt trong mảng bán lẻ nhờ sức bật mạnh mẽ sau những “dồn nén” của dịch bệnh. Nguồn cung thị trường 2021 có những điểm sáng mới từ những dự án sẽ khai trương như Vincom Mega Mall Smart City, Vincom Plaza Bạc Liêu, Mỹ Tho..., sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.