Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký văn bản về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: TL.

 
Minh Anh Thứ Năm | 13/05/2021 07:47

Từ ngày 15.5, TP.HCM lập chốt kiểm soát chống dịch ở mọi cửa ngõ

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, TP.HCM bắt đầu khẩn trương thiết lập chốt kiểm soát phòng chống dịch.

Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký văn bản về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Uỷ ban Nhân dân TP.HCM yêu cầu Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thường xuyên việc kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ, địa điểm tụ tập đông người. Uỷ ban Nhân dân Thành phố đề nghị từng người dân có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của bản thân và vì sức khỏe của cộng đồng; chủ động khai báo y tế điện tử; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang.

Uỷ ban Nhân dân TP.HCM giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp khẩn trương thiết lập chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên các tuyến đường bộ, đường thủy, cửa ngõ vào Thành phố từ 0h ngày 15.5; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra cư trú, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm người nhập cảnh trái phép và người tổ chức, tiếp tay.

Ảnh: TL.
Uỷ ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo lập các tổ công tác lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo năng lực lấy 50.000 mẫu đơn mỗi ngày. Ảnh: TL.

Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo tất cả bệnh viện trên địa bàn TP.HCM định kỳ xét nghiệm tầm soát cho nhân viên y tế và người bệnh, nâng mức kiểm soát, sàng lọc lên cao nhất, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong bệnh viện.

Uỷ ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo lập các tổ công tác lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo năng lực lấy 50.000 mẫu đơn mỗi ngày. Chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo năng lực ứng phó cho tình huống dịch lan rộng, triển khai thêm các khu cách ly tập trung, nâng tổng công suất toàn Thành phố lên trên 10.000 giường.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Nhân dân Thành phố yêu cầu sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50-100 người bệnh COVID-19; dự trù sẵn kế hoạch đảm bảo điều trị cho 100-200 người bệnh và 200-500 người bệnh; có kế hoạch tiếp tục xây dựng thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường để chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca bệnh.

►Đại dịch sẽ kết thúc sớm?