Quá trình tái cấu trúc hao tốn nhiều nguồn lực nhưng Coteccons cho biết, quyết định này đã kiểm soát hiệu quả chi phí và cải thiện tỉ suất sinh lời. Ảnh: Quý Hòa
Top 50 2021: Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons xây nền móng mới
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD) tiền thân là bộ phận xây lắp thuộc Công ty Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng, Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1, Bộ Xây dựng. Ngày 24.8.2004, doanh nghiệp này chính thức được thành lập, hoạt động theo mô hình cổ phần hóa với vốn điều lệ ban đầu 15,2 tỉ đồng, được dẫn dắt bởi kiến trúc sư xây dựng Nguyễn Bá Dương. Nhờ có trong tay nhiều hợp đồng với những doanh nghiệp lớn, Coteccons trở thành nhà thầu chính, một tên tuổi lớn trong ngành xây dựng.
“Chúng tôi vẫn luôn vượt qua được các thách thức trong bước đường kinh doanh nhờ 2 yếu tố quan trọng: uy tín thương hiệu và cách kinh doanh linh hoạt, nhanh nhạy”, ông Nguyễn Bá Dương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Coteccons, đúc kết hành trình lớn mạnh của công ty nổi tiếng này.
Biến động thượng tầng
Năm 2012, sự xuất hiện của Kusto đã đánh dấu bước chuyển đổi mô hình mới của Coteccons. Sau thương vụ, Coteccons đã tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2012-2018 với tốc độ tăng doanh số bình quân khoảng 33%/năm. Đỉnh cao về doanh thu của Coteccons là 28.560 tỉ đồng vào năm 2018. Cũng trong năm này lợi nhuận sau thuế đạt 1.510 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Công ty đã có một năm 2020 nhiều biến động. Trong đó, đáng chú ý là sự ra đi của vị thuyền trưởng Nguyễn Bá Dương sau 16 năm gầy dựng doanh nghiệp. Coteccons dưới trướng Kusto đứng trước thách thức “chảy máu chất xám”.
Nửa đầu năm ngoái, mâu thuẫn về quyền lợi giữa ban điều hành cũ và cổ đông đã khiến hoạt động Công ty biến động mạnh. Giá trị hợp đồng mới được công bố trong quý I/2020 chỉ đạt 5.000 tỉ đồng. Sau đó, 2 quý liên tiếp, Coteccons không ghi nhận thêm bất kỳ hợp đồng nào. Điều này buộc Ban lãnh đạo mới phải nhanh chóng vào cuộc.
Trong 6 tháng cuối năm 2020, Coteccons đã thu hồi xấp xỉ 700 tỉ đồng từ các chủ đầu tư chậm thanh toán. Riêng quý cuối năm 2020, Công ty lần đầu tiên kiểm kê toàn bộ tài sản và thiết bị, vật tư trên tất cả công trường, đồng thời, trích lập dự phòng hơn 125 tỉ đồng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi, khoản đầu tư chưa hiệu quả.
Mở chiến lược mới
Quá trình tái cấu trúc hao tốn nhiều nguồn lực nhưng Coteccons cho biết, quyết định này đã kiểm soát hiệu quả chi phí và cải thiện tỉ suất sinh lời. Biên lợi nhuận gộp cả năm tăng từ 4,4% lên 5,9%, biên lợi nhuận ròng cũng nhích lên 3,2%.
Công ty cũng tích cực tiếp xúc với chủ đầu tư hiện hữu và khách hàng nhằm khẳng định uy tín về chất lượng, an toàn, tiến độ, hỗ trợ tín dụng và mở rộng tập khách hàng tiềm năng. Các hội nghị với nhà cung cấp, nhà thầu phụ cũng được tổ chức để củng cố cam kết thanh toán đúng hạn theo hợp đồng và xây dựng hợp tác chiến lược toàn diện dài hạn.
Nhờ đó, trong 3 tháng cuối năm, Coteccons ghi nhận tổng giá trị hợp đồng mới 6.000 tỉ đồng thông qua việc hợp tác với các đối tác lớn như IFF Holdings, Lodgis, TTG Holding và BW Industrial. Mới đây, các nhà lãnh đạo, quản lý ở Coteccons và Unicons đã cam kết cùng nhau thực hiện mục tiêu kinh doanh 1 tỉ USD doanh thu năm 2021, tương đương 23.052 tỉ đồng và 5% lợi nhuận gộp. Đây là mục tiêu cao hơn 60% so với doanh thu mà Coteccons thực hiện trong năm 2020.
Đầu năm 2021, Coteccons đã có khởi đầu tốt đẹp cả về tiềm lực tài chính lẫn doanh thu. Trên website của Coteccons đã đăng tải hàng loạt dự án ngàn tỉ được trúng thầu, khởi công như dự án Opal Skyline (của Đất Xanh), Hyatt Regency Ho Tram (của IFF Holdings)... Coteccons cũng trở thành đối tác chiến lược cùng Ngân hàng Quân Đội (MB).
Trước đó, Coteccons đã cho thấy chiến lược mở rộng ngành nghề. Chẳng hạn, Coteccons mua lại hơn 8% vốn IDICO để lấn sân đầu tư bất động sản công nghiệp. Coteccons cũng ký kết với Công ty Điện gió Tiền Giang (thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công) để nhảy vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Lợi thế nổi bật ở Coteccons là không vay nợ. Với tiềm lực tài chính hùng hậu, hoạt động ở Coteccons hầu như ít biến động dù có thời điểm rất khó khăn. Đến nay, sau những biến động, nhờ tập trung vào yếu tố con người, vận hành, khách hàng và tài chính, Coteccons đã hoàn tất cơ bản việc tái cơ cấu để ra khơi năm 2021.