Ảnh: TL.

 
Thanh Hương Thứ Hai | 08/11/2021 09:17

Top 50 2021- Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn vượt qua biển động

Trải qua một năm không như mong đợi, Vĩnh Hoàn đang dần chuyển đổi mô hình kinh doanh đa ngành nghề.

Năm đại dịch được coi là một năm nhiều biến động với ngành thủy sản cũng như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC). Kết thúc năm 2020, doanh thu và lợi nhuận lần lượt giảm 10,5% và hơn 40% so với cùng kỳ.

Mở rộng mảng nông nghiệp

Trải qua một năm không như mong đợi, ngay đầu năm 2021, Vĩnh Hoàn đã mở rộng mảng kinh doanh và tham gia M&A vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, giữa tháng 2.2021, Vĩnh Hoàn góp 70 tỉ đồng, tương đương với 70% vốn điều lệ vào Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nông sản Thực phẩm Thành Ngọc (TNG Foods) để tham gia mảng kinh doanh sản xuất nước ép từ rau quả và chế biến, bảo quản rau quả. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vĩnh Hoàn, là người đại diện phần vốn tại TNG Foods.

Tham vọng sở hữu Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang của Vĩnh Hoàn đã chính thức thành hiện thực sau khi công ty này nhận chuyển nhượng hơn 3,5 triệu cổ phiếu của Sa Giang vào tháng 1 vừa qua. Đến ngày 16.4, Vĩnh Hoàn đã mua gần 1,82 triệu cổ phiếu của Sa Giang, qua đó nâng sở hữu tại công ty này lên 5,48 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 76,72%. 

 

Sa Giang là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong sản xuất và xuất khẩu bánh phồng tôm tại Việt Nam. Sản phẩm chủ lực của Sa Giang là bánh phồng tôm chiếm 80% tỉ trọng trong cơ cấu doanh thu, bên cạnh các sản phẩm từ gạo hơn 15% doanh thu. Bánh phồng tôm được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với thị trường chủ lực là châu Âu. Có thể nói, Vĩnh Hoàn đang dần chuyển đổi mô hình kinh doanh đa ngành nghề bên cạnh lĩnh vực chủ lực chính là cá tra đang gặp nhiều khó khăn.

Nhìn lại lịch sử, Vĩnh Hoàn cũng từng đi theo chiến lược đa ngành với nhiều thương vụ M&A. Năm 2017, doanh nghiệp này đã mua lại 100% cổ phần Công ty Cổ phần Thủy sản Thanh Bình Đồng Tháp để tăng năng lực sản xuất. Sau đó 1 năm, Công ty tiếp tục mua lại một nhà máy chế biến để thành lập Công ty Vĩnh Phước. 

Chuyển dịch cần thiết

Nhiều ý kiến cho rằng, với hoạt động đa ngành lần này, Vĩnh Hoàn nên thận trọng vì Công ty cũng từng phải đóng cửa một doanh nghiệp khi mở rộng kinh doanh đa ngành, cụ thể là gạo. Tháng 11.2011, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lương thực Vĩnh Hoàn 2 đã được thành lập. Đây được xem là một mảng trái ngành của Vĩnh Hoàn, phát sinh ở thời điểm “nhà nhà đi buôn gạo”. Song, những kỳ vọng kể từ lúc ban hành Nghị định 109/2011/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo được áp dụng đã không đạt như mong muốn, Vĩnh Hoàn cuối cùng đi đến quyết định đóng cửa đơn vị lương thực vào năm 2019 sau 8 năm hoạt động lu mờ và không hiệu quả.

 

Cũng phải nói thêm, năm 2020 hoạt động kinh doanh cốt lõi gặp khó khăn, Vĩnh Hoàn đã chuyển dịch một phần đầu tư chứng khoán và đã cụ thể hóa lợi nhuận trong năm tài chính 2020 với lãi ròng chứng khoán 48,2 tỉ đồng. Nhưng đến cuối năm ngoái, Vĩnh Hoàn đã bán ra toàn bộ chứng khoán đầu tư trong năm tài chính và hiện tại gần như không còn đầu tư cổ phiếu.

Ảnh: TL.
Ảnh: TL.

Xa rời những thành tích của năm 2018, ở thời điểm năm 2020, những lợi thế xuất khẩu vào các thị trường lớn và khó tính đang giảm dần. Cụ thể, sau một thời gian dài được hưởng thuế chống bán phá giá 0% tại thị trường Mỹ, đầu năm nay Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) cho giai đoạn từ ngày 1.8.2018 đến ngày 31.7.2019. Theo đó, Vĩnh Hoàn chịu mức thuế 0,09 USD/kg. 

Mặc dù mức thuế được cho là không đáng kể so với giá bán khoảng 3,5 USD/kg và mức thuế của các doanh nghiệp cùng ngành, nhưng kết quả này tăng thêm rủi ro đáng kể cho Công ty trong những đơn hàng tiếp theo. Vì 2 thị trường mang về doanh thu chính cho Vĩnh Hoàn là Mỹ và Trung Quốc đều thu hẹp về quy mô, Vĩnh Hoàn đã phải tăng đơn hàng sang châu Âu để bù đắp sụt giảm. 

Trước tình hình khó khăn của năm 2020, dự kiến tiếp diễn vào năm 2021, trong Đại hội cổ đông cuối tháng 4 vừa qua, Vĩnh Hoàn tiếp tục giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2021 với doanh thu dự kiến 8.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 700 tỉ đồng, lần lượt tăng 22,2% và giảm 2,6% so với thực hiện năm 2020.