Ảnh: Quý Hòa

 
Thứ Sáu | 14/01/2022 13:58

Top 50 2021: Công ty Cổ phần Vicostone tầm nhìn hướng nội

Vicostone đã tăng cường mức độ nhận diện thương hiệu tại thị trường trong nước.

Vicostone đã tăng cường mức độ nhận diện thương hiệu tại thị trường trong nước.

Công ty Cổ phần Vicostone (mã VCS), thuộc Tập đoàn Phenikaa, là một trong những nhà sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh hàng đầu thế giới, với sản phẩm tập trung vào phân khúc trung cao cấp. Sản phẩm được xuất đi 50 quốc gia và thị trường chủ lực là Bắc Mỹ, Úc, châu Âu, chiếm tới 98-99% doanh thu xuất khẩu của Vicostone.

Năm 2020, thương hiệu VICOSTONE đã vươn lên Top 3 nhà sản xuất đá thạch anh cao cấp thế giới, theo Freedonia (Mỹ) và tiếp tục được công nhận là sản phẩm Thương hiệu Quốc gia năm 2020, với 6 dây chuyền sản xuất, công suất hơn 3 triệu m2 đá tấm lớn/năm. Công ty đã ra mắt và thương mại hóa thành công dòng sản phẩm Quartz siêu mỏng rất được ưa chuộng, đặc biệt tại thị trường Nhật.

Năm qua, Vicostone cũng đã hoàn thiện cơ bản khép kín chuỗi cung ứng đầu vào trong lĩnh vực sản xuất đá thạch anh cao cấp. Cụ thể, Vicostone, với sự hậu thuẫn của Tập đoàn mẹ Phenikaa, đã đẩy mạnh nội địa hóa, tự chủ và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nguồn nguyên vật liệu đầu vào. Vicostone cũng làm chủ về cơ bản nguồn Quartz và Cristobalite khi chính thức sáp nhập toàn bộ Phenikaa Huế  vào Công ty.

 

Là công ty chủ yếu xuất khẩu, Vicostone bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và đà suy thoái kinh tế của Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, với mức tỉ suất lợi nhuận hấp dẫn, không gặp nhiều rào cản khi gia nhập ngành, số lượng nhà sản xuất đá thạch anh trên thế giới đã tăng lên đáng kể. Xét theo khu vực, đã có hàng trăm nhà máy sản xuất Quartz giá rẻ. Ở khía cạnh nhu cầu, theo Freedonia, thị trường Quartz giai đoạn 2020-2024 dự báo sẽ tăng trưởng âm, giảm trung bình 1,7%/năm do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Diễn biến này đặt ra bài toán cạnh tranh gay gắt giữa các công ty trong ngành. Đó là chưa kể đến cạnh tranh từ các vật liệu thay thế như granite, marble, ceramic, laminates... hay các sản phẩm gần đây như porcelain dạng tấm và đá nung Dekton... 

Dù vậy, Vicostone đã chủ động nắm bắt tình hình thị trường và vẫn xuất khẩu ổn định tại những thị trường chủ chốt. Đặc biệt, Vicostone vẫn tăng trưởng nhẹ tại thị trường Mỹ. Trong năm 2021, theo Freedonia, thị trường đá thạch anh dự báo sẽ tăng lên 65,2 triệu m2 với tốc độ tăng trưởng 4,8%/năm. Vì thế, Vicostone đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng thị phần tại Bắc Mỹ.

Trong nước, dù doanh thu từ mảng dự án giảm nhưng hoạt động kinh doanh trong mảng dân dụng của Vicostone lại tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, nhà máy Phenikaa Huế (trực thuộc Vicostone) đi vào vận hành ổn định, không chỉ cung cấp nguyên vật liệu cho Vicostone và Tập đoàn Phenikaa mà còn cho các khách hàng khác, giúp Vicostone tăng trưởng nhẹ tại thị trường nội địa.

Lũy kế cả năm 2021, Vicostone ước tổng doanh thu thuần và tổng lợi nhuận trước thuế đạt 7.061 tỉ đồng và 2.095 tỉ đồng, vượt 3,9% và 9,2% so với mục tiêu đặt ra tại Đại hội Cổ đông Thường niên 2021. Kết quả ấn tượng này có được nhờ sự chủ động và khả năng quản trị rủi ro của Công ty.

Sau 3 năm tập trung đầu tư bài bản vào hoạt động marketing truyền thông tích hợp, Vicostone đã tăng cường mức độ nhận diện thương hiệu. Hiện nay, ngoài showroom tại Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang và Đà Nẵng, sản phẩm của Vicostone đã có mặt tại hơn 1.000 đại lý trên toàn quốc.

 

Vicostone đã xác định các trọng tâm trong chiến lược 5 năm 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đáng chú ý, trong chiến lược thị trường, Vicostone vẫn sẽ tập trung vào doanh thu ở các thị trường lớn cũng như tiếp tục tìm kiếm, phát triển thị trường mới, nâng tỉ trọng doanh thu từ các thị trường không trọng điểm trên 20% so với năm 2020. Công ty dự kiến đẩy mạnh bán hàng lẫn truyền thông quảng bá thương hiệu ở Trung Đông, Nam Mỹ và châu Á.

Ngoài ra, Công ty sẽ phát triển nguồn dữ liệu khách hàng tiềm năng tại các thị trường mới, triển khai tiếp cận hiệu quả với trọng tâm là các hình thức marketing trực tiếp; xây dựng và phát triển các công cụ hỗ trợ bán hàng (Prosite, Visualizer, Mobile App); tiếp tục phát triển các kênh B2B Trading Online hỗ trợ tìm kiếm khách hàng mới. Riêng Việt Nam được xác định là một trong những thị trường tiềm năng, nhằm hạn chế rủi ro từ các thị trường quốc tế lớn cho Vicostone.

Ở khía cạnh tài chính, Công ty dự kiến duy  trì chỉ số tài chính ở mức cao như hiện tại, với tỉ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản không thấp hơn 80% vào năm 2023, đồng thời kiểm soát chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh. Công ty sẽ tiếp tục mở rộng và đầu tư để nâng cao năng suất, dự kiến từ năm 2021-2024 hoàn thành đầu tư thêm ít nhất 2 dây chuyền sản xuất đá thạch anh, nâng năng suất lên 5 triệu m2/năm.