Theo lãnh đạo Hòa Bình, trong 1-3 năm tới, Tập đoàn sẽ ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ, xây dựng nguồn lực, cơ sở hạ tầng. Ảnh: TL.

 
Viết Nguyên Thứ Hai | 13/12/2021 09:27

Top 50 2021: Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Đưa ngành xây dựng Việt ra thế giới

Sự vươn lên mạnh mẽ của hòa bình trong suốt thập niên qua đã nâng vị thế của tập đoàn này lên đỉnh cao mới.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) được biết đến như một trong những tên tuổi dẫn đầu của ngành xây dựng dân dụng Việt Nam. Hòa Bình có lợi thế về xây nhà ở cao tầng và đã liên tục thắng thầu trong các dự án lớn của các công ty như Vingroup, Novaland, Keppel Land, Sun Group... 

Những mũi nhọn mới 

Tuy nhiên, năm 2020 dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của Hòa Bình với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 40% và hơn 79% so với năm 2019.

Ngoài ra, nguồn cung căn hộ có xu hướng giảm từ năm 2018 cho đến nay, do ảnh hưởng của thị trường chung, một phần liên quan tới các vấn đề pháp lý từ chủ đầu tư, khiến nhiều dự án bị ngưng triển khai, một số dự án khác chỉ triển khai cầm chừng. Tất cả đã tác động tiêu cực tới Tập đoàn.

 

Dù trải qua một năm không mấy khả quan, Hòa Bình dự trình kế hoạch năm 2021 khá tham vọng với giá trị trúng thầu các hợp đồng khoảng 14.000 tỉ đồng, với 75% là dân dụng, 25% là công nghiệp. Trong bối cảnh chịu áp lực bởi COVID-19 và giá nguyên vật liệu (đặc biệt thép) tăng kỷ lục, mục tiêu trên là tương đối tham vọng.

Chiến lược kinh doanh của Hòa Bình đã và sẽ mở rộng với các mũi nhọn: khu công nghiệp, hạ tầng giao thông và đầu tư ra nước ngoài. Xa hơn, Hòa Bình muốn dấn bước vào ngành năng lượng sạch. Thực tế, Hòa Bình đã tham gia vào lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp từ năm 1997, khởi đầu bằng dự án cảng cá Vũng Tàu. Từ năm 2017 đến nay, Hòa Bình đã thực hiện nhiều dự án khu công nghiệp như nhà máy Nitori Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà máy gang thép Hòa Phát Dung Quất, nhà máy sản xuất bánh gạo Want - Want. Do đó, việc thành lập khối công nghiệp là bước đi không phải quá mới.

Đưa mảng xây dựng khu công nghiệp trở thành một mũi nhọn chiến lược đồng nghĩa Hòa Bình sẽ không dừng lại ở xây dựng nhà máy khu công nghiệp đơn thuần mà sẽ thực hiện hợp đồng EPC, tức thực hiện toàn bộ các công việc từ E (thiết kế), P (mua sắm vật tư) cho đến C (thi công xây dựng công trình). Hiện tại, những gì Hòa Bình thực hiện mới dừng ở chữ C. Hạng mục này chỉ chiếm 1/8-1/6 tổng mức đầu tư một dự án.

Theo lãnh đạo Hòa Bình, trong 1-3 năm tới, Tập đoàn sẽ ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ, xây dựng nguồn lực, cơ sở hạ tầng để tập trung vào mảng công nghiệp nặng, đủ năng lực thực hiện chữ E, P và thay thế các nhà thầu ngoại.

Năm 2021, Ban lãnh đạo Hòa Bình cho biết sẽ mở rộng địa bàn hoạt động sang các khu vực tiềm năng mà Tập đoàn chưa triển khai dự án như Nghệ An, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên... Ngoài thế mạnh về thi công nhà ở, khách sạn, Tập đoàn định hướng đẩy mạnh phát triển nhóm dự án công nghiệp và năng lượng tái tạo, hạ tầng. Ban điều hành nhận định xu hướng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc và chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ là cơ hội lớn để gia tăng thị phần mảng công nghiệp, hạ tầng trong năm nay và các năm tiếp theo.

 

Tầm nhìn quốc tế

Trong chiến lược vươn ra nước ngoài, Hòa Bình theo đuổi mục tiêu trở thành tập đoàn xây dựng đẳng cấp quốc tế và tiên phong đưa ngành xây dựng Việt Nam ra thế giới. Khi vươn ra quốc tế, Hòa Bình sẽ vẫn tập trung vào các thế mạnh sẵn có. Đó là xây dựng công trình nhà ở cao tầng. Trước mắt, Hòa Bình đã hiện diện ở 5 quốc gia gồm Campuchia, Malaysia, Myanmar, Kuwait và Canada. Trong đó, đáng chú ý là ở Canada, ngoài góp 20% vốn (vốn đầu tư khoảng 2.500 tỉ đồng) làm dự án chung cư cao cấp 30 tầng, Hòa Bình còn góp 36% vốn (vốn đầu tư khoảng 6.800 tỉ đồng) tại một dự án hỗn hợp chung cư, nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng. Tập đoàn cũng đang nghiên cứu, tìm hiểu Úc, New Zealand, các nước Đông Âu, Tây Âu. Theo phân tích của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lê Viết Hải, Úc, Mỹ, châu Âu... mới là những thị trường hiệu quả cao.

Năm 2021 Hòa Bình dự định tăng vốn hơn 100 triệu USD và dành tiền cho những khoản đầu tư lớn. Đầu tiên là đầu tư ra nước ngoài. Thứ 2 là đầu tư vào năng lượng sạch, cụ thể là điện gió. Tiếp theo là đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, công nghệ kỹ thuật cao, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo. Cuối cùng là đầu tư M&A hoặc liên kết với một số công ty chuyên ngành để tạo nên lợi thế cạnh tranh mạnh hơn cho Tập đoàn.

Năm nay Hòa Bình cũng bắt đầu tái cấu trúc, sắp xếp, hệ thống lại nguồn lực để chuẩn bị cho giai đoạn mới với mục tiêu đầu tư ra nước ngoài. Đầu tháng 1.2021, Tập đoàn quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình (HBIC), đặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Sau 33 năm hoạt động, năm 2020 Hòa Bình có CEO mới là ông Lê Viết Hiếu. “Ở trong nước, coi như tôi đã hoàn thành sứ mệnh của mình là đưa Hòa Bình thành công ty hàng đầu rồi. Bây giờ sứ mệnh của CEO mới là đưa Hòa Bình thành một công ty có tên tuổi trên thế giới”, ông Hải nói về sứ mệnh mới của người con trai.