Năm 2020 đánh dấu sự xuất hiện của nhóm sản phẩm Thiên Long thế hệ mới - Eco Friendly.

 
Ngọc Thuỷ Thứ Tư | 29/09/2021 13:22

Top 50 2021- Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long vẽ biểu đồ tăng trưởng mới

Nửa đầu năm, Bút bi Thiên Long lãi sau thuế 176 tỉ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ và hoàn thành khoảng 63% kế hoạch.

Trải qua chặng đường 40 năm, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (mã TLG) vẫn giữ được vị thế của một thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực văn phòng phẩm tại Việt Nam và hàng đầu khu vực, cũng như là 1 trong 17 đối tác kinh doanh tốt nhất trên thị trường văn phòng phẩm thế giới.

ĐI LÊN TỪ BÚT VIẾT

Thiên Long đang sản xuất và kinh doanh thương mại trên 550 loại sản phẩm thuộc 4 nhóm: bút viết (nhãn hàng Thiên Long, Bizner), văn phòng phẩm), dụng cụ học sinh, dụng cụ mỹ thuật. Theo báo cáo thường niên, nhóm bút viết và các sản phẩm văn phòng đóng vai trò chủ lực kể từ khi thành lập, hiện vẫn dẫn đầu thị trường nội địa với khoảng 60% thị phần, theo Nielsen.

Năm 2020 đánh dấu sự xuất hiện của nhóm sản phẩm Thiên Long thế hệ mới - Eco Friendly. Nổi bật là sản phẩm máy phun gel rửa tay, xà phòng tiện lợi, gôm kháng khuẩn. Ở sản phẩm cao cấp (nhãn hàng Bizner), Thiên Long đẩy mạnh bút lông bi Free-ink System BIZ 168 và bút lông bảng BIZ-WB02. Công ty cũng tung ra thị trường bút đa năng Multipen, bút kim loại.
 

Ở nhóm dụng cụ văn phòng (nhãn hàng FlexOffice), Thiên Long đã đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ, với mức đóng góp hơn 30% doanh thu Tập đoàn. Năm 2020, Công ty ra mắt sản phẩm mới trong nhóm này là máy tính khoa học Flexio Fx680VN với phần mềm bản quyền của Thiên Long và được cho phép mang vào các kỳ thi quốc gia.

Nhóm dụng cụ học sinh (nhãn hàng Điểm 10) và dụng cụ mỹ thuật (nhãn hàng Colokit) đóng góp khá khiêm tốn, dưới 10% doanh thu. Nhưng trong mảng này, Thiên Long cũng phân phối các sản phẩm mà Tập đoàn không sản xuất như ba lô học sinh, máy tính cầm tay, máy in... Đà tăng trưởng trở nên mạnh mẽ khi Thiên Long phân phối các sản phẩm của cả nhà đầu tư chiến lược Newell Brands như bút máy, keo dán, bút lông dầu, bút gel...

Thiên Long đã là nhà cung cấp cho các thương hiệu lớn ở Mỹ, Nhật và Đông Nam Á là thị trường chủ yếu. Cụ thể, Thiên Long đã mang nhãn hiệu FlexOffice và Colokit tới Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Myanmar, Indonesia... và ghi nhận doanh thu xuất khẩu tăng trưởng 19,4% giai đoạn năm 2015-2019. Trong đó, sản phẩm xuất khẩu dưới thương hiệu Thiên Long chiếm 70%, còn lại là gia công.

Tuy nhiên, theo quan sát của Công ty Chứng khoán FPTS, đà tăng trưởng của Thiên Long đã có phần chậm lại do sức ép cạnh tranh và xu hướng số hóa làm giảm nhu cầu đối với văn phòng phẩm.

MỤC TIÊU VẠN TỈ ĐỒNG

Nội địa vẫn là thị trường tiêu thụ chính của Thiên Long, đóng góp 84-86% doanh thu. Sản phẩm bán qua 110 nhà phân phối và hơn 65.000 điểm bán văn phòng phẩm. Tập đoàn còn phân phối trực tiếp qua hệ thống siêu thị, nhà sách, trường học và các trang thương mại điện tử như trang web của Thiên Long (https://flexoffice.com), Lazada, Shopee... 

Hiện Thiên Long có 2 nhà máy sản xuất, đặt tại Khu Công nghiệp Tân Tạo (Bình Tân, TP.HCM) và nhà máy ở Khu Công nghiệp Long Thành. Tổng công suất thiết kế của 2 nhà máy là 850 triệu sản phẩm/năm. Các nhà máy đang chạy khoảng 85-90% tổng công suất thiết kế. Năm ngoái, Thiên Long dự kiến mở rộng nhà máy tại Khu Công nghiệp Long Thành để sản xuất keo khô và lên kế hoạch năm nay nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất thương mại.

Năm 2020, do bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19, Thiên Long chỉ đạt doanh thu thuần 2.684,6 tỉ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 239,8 tỉ đồng, giảm 31,3%. Dù vậy, trong năm qua, Công ty vẫn duy trì được biên lợi nhuận 38,4%, cao hơn cả mức trung bình giai đoạn năm 2016-2019.

Ảnh: Quý Hoà
Ảnh: Quý Hoà

Đại diện Thiên Long cho biết, kết quả này đạt được nhờ việc thay đổi cơ cấu phân phối hàng. Cũng trong năm 2020, các chi phí trong kỳ của Thiên Long đều đồng loạt giảm nhờ dành nhiều ngân sách hỗ trợ bán hàng, truyền thông, song song với cải tổ bộ máy hoạt động hiệu quả và tinh gọn hơn. Trong bán hàng, Thiên Long chuyển dần từ offline sang online. Công ty chú ý nghiên cứu sản phẩm mới theo hướng chăm sóc sức khỏe, tiết kiệm và thân thiện môi trường. Thiên Long cũng tự thiết kế, sản xuất theo khuôn mẫu, máy lắp ráp tự động và nhất là đẩy nhanh tốc độ tự động hóa, với tỉ lệ tự động hóa là 78,2%. Thiên Long còn sản xuất vật liệu phục vụ sản xuất như mực, đầu bút và giảm phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu của đối tác nước ngoài.

Năm 2021, Thiên Long vẫn chưa hết khó khăn khi dịch tiếp tục tái bùng phát, buộc học sinh, sinh viên nghỉ học, tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh. Tuy nhiên, Việt Nam đã có kinh nghiệm chống dịch nên thời gian đóng cửa trường học ở các đợt dịch sau đã ngắn hơn. Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, năm 2021 doanh số bán hàng tất cả các sản phẩm của Thiên Long sẽ phục hồi.

Năm 2021 đánh dấu 40 năm của Thiên Long, mở ra kỷ nguyên mới cho Tập đoàn - “kỷ nguyên mới của sức mạnh tri thức”. Từ đây, Thiên Long dự kiến sẽ đạt cột mốc doanh thu vạn tỉ đồng vào năm 2025.