Tiền thân của Vietcombank là Sở Quản lý Ngoại hối thuộc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập ngày 20.1.1955.

 
Vũ Thiện Thứ Tư | 22/09/2021 10:42

Top 50 2021 - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam hướng tới 2 tỉ USD lợi nhuận

Vietcombank vẫn chắc chắn ở ngôi quán quân về lợi nhuận và tiếp tục tiến tới mục tiêu lớn hơn.

Thập kỷ qua chứng kiến nhiều thăng trầm của ngành ngân hàng, nhưng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB) hết lần này tới lần khác vẫn luôn giữ ngôi vị số 1.

CHUYỂN MÌNH HỘI NHẬP

Tiền thân của Vietcombank là Sở Quản lý Ngoại hối thuộc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập ngày 20.1.1955, sau đó được đổi tên thành Vietcombank và trở thành ngân hàng đối ngoại duy nhất của Việt Nam thực hiện độc quyền ngoại hối trên 3 phương diện: độc quyền ngoại tệ, độc quyền thanh toán giao dịch quốc tế, độc quyền cung ứng tín dụng xuất nhập khẩu. Năm 2011 Ngân hàng Mizuho, thuộc tập đoàn tài chính Nhật Mizuho quyết định mua 15% cổ phần, đồng thời trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank. Đây là thương vụ M&A lớn nhất khu vực trong năm.

Sau 3 năm kể từ lễ khởi động triển khai Hiệp ước vốn Basel II năm 2015, Vietcombank chính thức được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đáp ứng các chuẩn mực an toàn theo Basel II, được áp dụng Thông tư 41 sớm 1 năm so với yêu cầu.

Tiếp nối thành công, Vietcombank thực hiện tham vọng ra quốc tế bằng việc khai trương ngân hàng con tại Lào năm 2018. Sau đó chính thức khai trương văn phòng đại diện tại New York theo sự phê chuẩn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên vượt qua được những điều kiện khắt khe để hiện diện tại thị trường tài chính sôi động nhất thế giới. Cũng trong thời gian này, Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, tham gia Ban Điều hành Vietcombank với tư cách thành viên Hội đồng Quản trị, đánh dấu nhiều kỳ vọng hợp tác phát triển về mặt công nghệ cho Ngân hàng.

Năm 2019, Vietcombank đã ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm có giá trị lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam với FWD, tập đoàn có ưu thế nổi bật trong ứng dụng kỹ thuật số vào tất cả các quy trình của hoạt động bảo hiểm, hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình liên kết ngân hàng - bảo hiểm dẫn đầu tại khu vực.

Tính tới cuối năm 2020, Ngân hàng có 116 chi nhánh và 474 phòng giao dịch trên cả nước. Ngoài hoạt động cốt lõi là ngân hàng thương mại, Vietcombank còn sở hữu nhiều công ty con hoạt động trên nhiều ngành nghề khác, bao gồm cả tài chính và phi tài chính. Trong đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thuộc Top 10 thị phần môi giới cổ phiếu và Top 5 thị phần môi giới trái phiếu và Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) đang quản lý tổng tài sản hơn 124,8 triệu USD tính đến ngày 31.3.2021. Tháng 7.2020 VCBF được Tạp chí Finance Derivative bình chọn là công ty quản lý quỹ đầu tư tốt nhất tại Việt Nam.

TẦM NHÌN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Khách hàng mục tiêu của Vietcombank bao gồm 3 phân khúc chính: doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và khách hàng cá nhân. Trong đó, nhóm doanh nghiệp lớn chiếm tỉ trọng cao nhất, với lợi thế an toàn về cho vay, nhưng phân khúc này có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây, nhường chỗ cho nhóm SME và khách hàng cá nhân.

Xuất thân từ ngân hàng quốc doanh và sở hữu nguồn ngoại tệ lớn, Vietcombank có lợi thế lớn về vốn giá rẻ từ Ngân hàng Nhà nước. Điển hình là việc Vietcombank đứng ra mua đối ứng 5 tỉ USD từ Thaibev trong thương vụ Nhà nước thoái vốn khỏi Sabeco năm 2017.

Đáng chú ý, giai đoạn 10 năm qua chưa có năm nào lợi nhuận Vietcombank sụt giảm hơn mức 2%. Đó là nhờ Ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, tỉ lệ nợ xấu thấp, tỉ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) thường cao hơn 100%. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng bên cạnh tỉ lệ LLR luôn cao nhất hệ thống, mức xóa nợ của Vietcombank cũng luôn đạt mức tương đương lượng dự phòng hằng năm, cho thấy tính thận trọng của Ngân hàng đối với các tài sản có vấn đề. Có lẽ vì vậy, giới đầu tư luôn có cái nhìn thiện cảm đối với Vietcombank. Trong suốt nhiều năm, P/B của Vietcombank luôn gấp 2-3 lần ngân hàng khác.

Năm 2020, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng Vietcombank đã trích lập trước dự phòng đầy đủ các tài sản có khả năng suy giảm chất lượng do COVID-19 trong năm 2020, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận trong các năm tới. Qua đó, KIS dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Vietcombank sẽ đạt 27.766 tỉ đồng, tăng 20,5% so với năm trước.

Giữ được nền tảng vững chắc trong nhiều năm, Ban lãnh đạo Vietcombank đã tự tin đặt ra mục tiêu lợi nhuận 2 tỉ USD vào năm 2025. Động lực chính của tăng trưởng sẽ là bán lẻ và ngân hàng số. Trong đó bán lẻ sẽ chiếm một nửa lợi nhuận. Về ngân hàng số, Vietcombank định hướng giữ vị trí số 1 trên thị trường. Nếu đạt được mục tiêu này, Vietcombank sẽ vươn xa trong khu vực và thế giới, chứ không chỉ giới hạn ở Việt Nam.