Để ứng phó với xu hướng tiêu dùng mới, những năm qua, Vinasun tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp. Ảnh: TL.
Top 50 2021 - Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam: Khúc cua đổi mới
Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã VNS) đã công bố khoản lỗ lần đầu tiên trong lịch sử, gần 1.400 nhân viên mất việc. Liệu Vinasun có tiếp tục trụ được và vượt qua như những lần trước?
Thời hoàng kim
Sự thành công của Vinasun gắn liền với nỗ lực không biết mệt mỏi của ông Đặng Phước Thành, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty này, một người đàn ông biết giúp mẹ làm kinh tế từ năm 12 tuổi. Tốt nghiệp cử nhân sinh hóa, nhưng ông lại rẽ sang con đường kinh doanh. Ông Đặng Phước Thành khởi nghiệp bằng việc gầy dựng 2 nhà hàng Trầu Cau và Hai Lúa. Năm 2002, Trầu Cau đổi tên thành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Dịch vụ Lữ hành Tư vấn Đầu tư Ánh Dương Việt Nam và mở rộng kinh doanh sang hoạt động tổ chức tour du lịch trong ngoài nước, tư vấn du học và bán vé máy bay.
Tháng 7.2003, để đáp ứng việc mở rộng thị trường kinh doanh, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Dịch vụ Lữ hành Tư vấn Đầu tư Ánh Dương Việt Nam chính thức chuyển thành Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - Vinasun Corp với vốn điều lệ 8 tỉ đồng. Dịch vụ taxi cũng chính thức được đưa vào hoạt động với thương hiệu Vinasun Taxi.
Tháng 2.2007, Vinasun phát hành thêm 84 tỉ đồng mệnh giá, tăng vốn điều lệ lên 100 tỉ đồng, tái cơ cấu nợ vay và đầu tư thêm xe. Năm 2008, Vinasun mở thêm địa điểm hoạt động tại Đồng Nai và chính thức phát hành cổ phiếu với mã VNS và trở thành một trong những hãng taxi sở hữu số đầu xe lớn nhất Việt Nam.
Năm 2009, Công ty phát hành thêm 3 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 200 tỉ đồng. Số lượng đầu xe lên tới gần 3.000 cùng 6.000 tài xế, doanh thu vượt mốc 1.000 tỉ đồng, lãi sau thuế đạt hơn 100 tỉ đồng. Năm 2010, Vinasun tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 300 tỉ đồng, mở thêm thị trường ở Vũng Tàu và Đà Nẵng, thâu tóm hãng taxi Green tại đây.
Để chiến thắng các đối thủ lớn, Vinasun chọn chiến lược phát triển tập trung khai thác tối đa những đô thị lớn phía Nam có nhu cầu sử dụng taxi cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu. Với chiến lược này, những năm 2012-2013, Vinasun chiếm hơn 45% thị phần tại TP.HCM, 60% tại Bình Dương và trên 60% tại Đồng Nai.
Vốn điều lệ cũng nâng lên hơn 434 tỉ đồng, với gần 5.000 xe taxi, đạt doanh thu hơn 3.200 tỉ đồng, lợi nhuận 224 tỉ đồng. Giai đoạn tiếp theo (2013-2015) thực sự là những năm hoàng kim của Vinasun.
Chặng đường rủi ro
Khó khăn bắt đầu khi taxi công nghệ phá vỡ hoàn toàn thói quen truyền thống. Trước sự cạnh tranh gay gắt của các hãng gọi xe công nghệ, kết quả kinh doanh của Vinasun có dấu hiệu sụt giảm.
Hàng loạt quỹ đầu tư đã “ôm hận” với khoản đầu tư vào Vinasun do tin tưởng rằng Grab, Uber chưa thể chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Sau vài năm đầu tư vào Vinasun, quỹ đầu tư đến từ Singapore là Government of Singapore (nắm giữ 5,4 triệu cổ phiếu), Tael Two Partners Ltd. (hơn 12,4 triệu cổ phiếu), Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch MêKông (7,5 triệu cổ phiếu) đã lỗ vài chục phần trăm.
Nhưng Vinasun không chấp nhận số phận. Kể cả trước đây khi thế giới lao đao với taxi công nghệ, Vinasun vẫn đạt doanh thu cao và có lãi. Công ty cũng nhanh chóng áp dụng công nghệ vào kinh doanh, sử dụng phần mềm gọi xe và các công nghệ hiện đại khác, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thậm chí, hãng taxi này còn lao vào cuộc chiến pháp lý để bảo vệ taxi truyền thống và đã thắng kiện, buộc Grab bồi thường. Công ty đã gây áp lực để biến các hãng xe công nghệ trở thành một hãng xe vận tải chứ không phải xe công nghệ, áp dụng các điều kiện pháp lý như một hãng taxi vận tải.
Tuy nhiên, năm 2020 Vinasun nhận thêm cú giáng mang tên COVID-19. Hãng này gần như bị hạ gục với khoản lỗ đầu tiên. Tổng cộng cả năm 2020, Vinasun lỗ 207 tỉ đồng, doanh thu chỉ hơn 1.000 tỉ đồng, cắt giảm gần 1.400 nhân viên. Tính đến ngày 31.12.2020, tổng tài sản của Vinasun chỉ còn 2.058,3 tỉ đồng, giảm 22% so với đầu năm, số lượng nhân viên còn 4.398 người. Giá cổ phiếu VNS chỉ còn 10.600 đồng, chưa đến 1/4 so với thời điểm giá cao nhất. Trong quý III/2021, Vinasun, tiếp tục báo lỗ ròng hơn 90 tỉ đồng, đánh dấu quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp. Liệu lần này Vinasun có thể trở mình trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt?
Để ứng phó với xu hướng tiêu dùng mới, những năm qua, Vinasun tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp như phát triển ứng dụng đặt xe, triển khai phát triển phương thức thanh toán online, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống quản lý và điều hành xe thông qua GPS kết hợp với khai thác thế mạnh của việc điều xe qua hệ thống tổng đài - điều mà các hãng công nghệ không có. Đồng thời, Công ty cũng đẩy mạnh các mảng hoạt động phụ trợ như quảng cáo trên taxi... Dù kết quả của các giải pháp dường như chưa đáp ứng được kỳ vọng, nhưng “tay đua cự phách” Vinasun chắc chắn không bỏ cuộc và chuyển đổi số sẽ là cuộc đua sống còn của hãng taxi này.