Nhà máy của Tôn Hoa Sen.

 
Vũ Hoài Thứ Tư | 18/11/2020 08:00

Tôn Hoa Sen qua cơn bĩ cực

Sau giai đoạn khó khăn, Tôn Hoa Sen (HSG) đang cho thấy những tín hiệu rất tích cực.

Có thể nói giai đoạn 2016-2017 được xem là thời kỳ hoàng kim đối Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Tôn Hoa Sen, mã HSG). Vào thời điểm đó, lợi nhuận của Công ty tăng trưởng mạnh mẽ lên con số hàng ngàn tỉ đồng. Cụ thể, năm 2016, Công ty báo lãi sau thuế hơn 1.500 tỉ đồng, tăng 129% so với năm 2016. Đến năm 2017, lãi sau thuế có phần giảm nhẹ so với năm trước nhưng vẫn đạt hơn 1.332 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến năm 2018, hoạt động kinh doanh của Công ty trở nên khó khăn khi tốc độ tăng trưởng doanh thu không theo kịp chi phí đã khiến lợi nhuận của Tôn Hoa Sen lao dốc. Kết thúc năm tài chính 2018, lợi nhuận sau thuế của Công ty chỉ còn hơn 409 tỉ đồng, giảm hơn 69,2% so với năm 2017.

Đáng chú ý, bắt đầu từ năm 2017, nợ phải trả của Tôn Hoa Sen đã tăng cao lên mức hàng chục ngàn tỉ đồng. Tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu năm 2017 và 2018 lần lượt là 314,7% và 312,6%, trong khi năm 2016 chỉ ở mức 198%.

Cuối năm tài chính 2018, tổng nợ phải trả của Tôn Hoa Sen lên tới hơn 16.103 tỉ đồng, trong đó hơn 14.341 tỉ đồng là các khoản vay và nợ thuê tài chính. Thời điểm năm 2018, Tôn Hoa Sen là “con nợ” của 14 ngân hàng lớn nhỏ, trong đó có các ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, BIDV. Chi phí lãi vay của Công ty cũng lên mức cao kỷ lục 812 tỉ đồng năm 2018.

Tình hình kinh doanh khó khăn do sự biến động giá nguyên liệu đầu vào cùng với gánh nặng nợ vay đã khiến cổ phiếu HSG trên thị trường lao dốc không phanh. Sau khi tạo đỉnh hồi tháng 6.2017 quanh giá 25.220 đồng/cổ phiếu, HSG đã trên đà giảm mạnh. Mức giá thấp nhất của HSG trong năm 2018 chỉ ở mức 5.160 đồng/cổ phiếu, bằng khoảng 1/5 mức giá hồi tháng 6.2017.

 

Sau khi lợi nhuận của Công ty chạm đáy vào quý IV/2018 với khoản lỗ 103 tỉ đồng, sau giai đoạn mở rộng lớn về cả công suất mới lẫn mạng lưới bán lẻ, Tôn Hoa Sen tập trung vào cắt giảm chi phí vận hành, đơn giản hóa quy trình sản xuất và giảm hàng tồn kho.

Kết quả kinh doanh của Tôn Hoa Sen trong năm tài chính 2019 và 2020 cho thấy động thái này đã giúp khôi phục khả năng sinh lời của Công ty thông qua cải thiện biên lợi nhuận gộp, dù tăng trưởng doanh thu chững lại và giá thép cuộn cán nóng (HRC) biến động.

Thể hiện rõ nhất là năm 2020 khi Công ty thu về hơn 17.762 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 3% so với năm 2019. Đặc biệt là biên lợi nhuận gộp của Tôn Hoa Sen đã đạt 16,8% trong năm tài chính 2020, cải thiện đáng kể so với mức 11,4-11,5% của năm 2018 và 2019.

Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30.9.2020, dù COVID-19 tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, Tôn Hoa Sen vẫn ghi nhận khoản lãi khủng. Công ty báo lãi sau thuế hơn 1.151 tỉ đồng, gia nhập câu lạc bộ lãi ngàn tỉ sau 2 năm ngụp lặn dưới mức 500 tỉ đồng lợi nhuận.

 

Trong năm 2020, Tôn Hoa Sen ghi nhận tổng sản lượng bán đạt 1,6 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2019 chủ yếu nhờ xuất khẩu. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), kết quả kinh doanh tích cực của Công ty còn được dẫn dắt bởi biên lợi nhuận gộp gia tăng nhờ giá HRC phục hồi mạnh mẽ, tăng khoảng 30% từ mức thấp nhất trong 4 năm qua vào tháng 5 và nỗ lực tinh giản quy trình sản xuất. Chi phí lãi vay của Tôn Hoa Sen đã giảm từ năm tài chính 2019 khi Công ty thanh toán dần khoản nợ dài hạn, tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận năm tài chính 2020.

Đi cùng với sự bứt phá mạnh về kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu HSG trên thị trường cũng trở lại đường đua. Sau khoảng 17 tháng giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) và chạm đáy 4.150 đồng/cổ phiếu vào tháng 3.2020, cổ phiếu HSG đã chính thức vượt mốc 10.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 5.2020. Kể từ đó đến nay, giá cổ phiếu HSG liên tục có những diễn biến tích cực và hiện được giao dịch quanh mức 17.800 đồng/cổ phiếu, tăng gần 329% kể từ vùng giá thấp nhất của năm 2020.

Nhận định chung về ngành thép, ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 gây khó khăn lớn cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép, khiến nhiều doanh nghiệp trong nước không đạt được mức tăng trưởng như những năm trước, nhưng cũng có một số tín hiệu đáng mừng cho ngành trong giai đoạn này. 

Một trong số đó được ông Nguyên nhắc đến là “có rất nhiều nhà máy thép carbon liên hợp do Trung Quốc đầu tư ở ASEAN và Việt Nam trong khi tiềm năng tiêu thụ thép ở các nước này sẽ tăng lên đến 7% trong khu vực vào năm 2021”.