Chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong phát triển bền vững giúp các doanh nghiệp có thể cùng nhau lớn mạnh.

 
Hoàng Kim Thứ Năm | 08/04/2021 08:00

Thực hành phát triển bền vững: Thực tế và hành động

Chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong phát triển bền vững giúp các doanh nghiệp có thể cùng nhau lớn mạnh và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.

Hướng tới phát triển bền vững mạnh mẽ hơn

Một trong những bài học lớn nhất của đại dịch COVID-19 là việc doanh nghiệp hướng mạnh mẽ hơn tới các khoản đầu tư bền vững. Khi ngày càng nhiều người tiêu dùng, nhà đầu tư và các công ty có tư duy chú trọng đến phát triển bền vững trong tương lai, thì việc các doanh nghiệp khác buộc phải tham gia chỉ là vấn đề thời gian.

Theo thống kê của NCĐT với 44 doanh nghiệp bền vững năm 2020 trong danh sách 100 doanh nghiệp bền vững của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 12.2020, doanh nghiệp đang mở rộng các hoạt động phát triển bền vững truyền thống sang 10 nội dung mới, trong đó có các nhóm hoạt động theo chiều sâu hơn gồm chuỗi cung ứng có trách nhiệm; tiêu dùng có trách nhiệm; trồng rừng; giảm rác thải nhựa; giảm CO2; CSR nội bộ; giáo dục và phát triển công nghệ địa phương.

Trong thời kỳ COVID-19, 45% doanh nghiệp tiên phong nghĩ rằng mô hình kinh doanh của họ sẽ mất khả năng cạnh tranh trong thời gian 5 năm nếu không nhanh chóng thích nghi với các điều kiện bình thường mới của thị trường”, bà Sandra Ng, Phó Chủ tịch Practice Group, IDC châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ. Khủng hoảng giữa con người với thiên nhiên đang buộc các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức hoạt động vì mục tiêu bền vững hơn.

Việc doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang hướng tới các mô hình canh tác tiết kiệm nước, giảm phá rừng, tránh xói mòn đất.
Doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang hướng tới các mô hình canh tác tiết kiệm nước, giảm phá rừng, tránh xói mòn đất.

Rõ ràng nhất là việc doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang hướng tới các mô hình canh tác tiết kiệm nước, giảm phá rừng, tránh xói mòn đất và duy trì độ phì nhiêu của đất là tất cả những điều quan trọng để tạo ra nền nông nghiệp bền vững. Nỗ lực của ngành công nghiệp thuốc lá đóng góp vào việc cải thiện môi trường cũng đáng ghi nhận. Ngoài chất thải trực tiếp do sản xuất, phân phối, vận chuyển, việc hút thuốc lá cũng tác động mạnh mẽ gây nên ô nhiễm không khí. Vì thế, trong chuỗi chiến lược phát triển bền vững, ngành thuốc lá cũng đã có nhiều ứng dụng và giải pháp để vừa giải quyết vấn đề giảm thiểu tác hại của sản phẩm đồng thời cải thiện quy trình sản xuất để giảm lượng khí thải phát ra môi trường.

Ông Ngô Tiến Thành, Giám đốc Nguyên liệu, Công ty liên doanh thuốc lá BAT-Vinataba tại Đồng Nai, cho biết: “Bảo tồn sự đa dạng sinh học, tiết kiệm nước tưới, cam kết không sử dụng củi rừng tự nhiên, cải thiện độ phì nhiêu của đất, giảm ô nhiễm nguồn nước là những hoạt động được quan tâm tại các vùng trồng thuốc lá của Công ty. Việc nâng cao nhận thức của người nông dân được bắt đầu tư những mô hình sản xuất tiên tiến cho đến huấn luyện và đào tạo trực quan phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như văn hóa vùng miền là rất quan trọng.”

Ngoài ra, BAT không ngừng áp dụng giống lai kháng bệnh, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật một cách tối thiểu và hợp lý hay đưa cơ giới hóa vào sản xuất thuốc lá đã góp phần tăng năng suất trên cùng diện tích canh tác. Tính đến năm 2020, việc sử dụng các giống lai mới tại các vùng trồng đã đạt 54% sau 10 năm thực hiện, trong khi việc triển khai cơ giới hóa đã giúp tiết kiệm hơn 20% chi phí và sức lao động cho người nông dân. Đa dạng hóa cây trồng cũng được công ty khuyến khích, nhằm tăng cường an ninh lương thực và bảo vệ đất đai. Đáng chú ý, Công ty áp dụng kỹ thuật Giám sát trang trại kỹ thuật số, tận dụng sức mạnh của công nghệ số để nâng cao kết nối với nông dân, hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng khi có vấn đề xảy ra.

Sau hơn 15 năm phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá tại Việt Nam, Công ty đã có những vùng trồng phát triển ổn định từ thu nhập luôn cao hơn 30% định mức đầu tư và trên 90% nông dân gắn bó với Công ty từ những ngày đầu thành lập.

Tương tự, Nestlé cũng đã hái được những quả ngọt về phát triển bền vững được công ty gieo mầm từ năm 2011, với dự án Nestlé Plan gắn kết nông dân phát triển cà phê bền vững. Đến nay, chương trình đã phân phối 46 triệu cây giống kháng bệnh năng suất cao tới người nông dân và cải tạo 46.000 ha diện tích cà phê già cỗi tại khu vực Tây Nguyên thông qua hoạt động tái canh. Chương trình Nestlé Plan còn góp phần tiết kiệm 40% lượng nước tưới; giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu và tăng trên 30% thu nhập cho người nông dân.

Nhà máy liên doanh thuốc lá BAT-Vinataba tại Biên Hòa, T. Đồng Nai cũng triển khai một loạt các sáng kiến khác nhau ngay trong hoạt động sản xuất tại nhà máy.
Nhà máy liên doanh thuốc lá BAT-Vinataba tại Biên Hòa, T. Đồng Nai cũng triển khai một loạt các sáng kiến khác nhau ngay trong hoạt động sản xuất tại nhà máy.​

Những mô hình của tương lai

Bên cạnh các hoạt động phát triển vùng trồng bền vững, nhà máy liên doanh thuốc lá BAT-Vinataba tại Biên Hòa, T. Đồng Nai cũng triển khai một loạt các sáng kiến khác nhau ngay trong hoạt động sản xuất tại nhà máy, qua đó đóng góp vào Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Cụ thể như mô hình tiết giảm sử dụng nước (mỗi năm 2%), thu nước mưa sử dụng thay cho nước nguồn, nước thải ra môi trường đạt chuẩn A và tái sử dụng  cho hệ thống khử mùi; chất thải từ nhà bếp, lá cây, bụi thuốc lá, bùn thải được thu gom và chuyển giao cho công ty sản xuất phân bón.

“Định hướng tương lai của chúng tôi là tiếp tục tìm kiếm các giải pháp mới nhằm quản lý nước và chất thải hiệu quả, tiết kiệm năng lượng; tăng cường sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch cũng như áp dụng mộ hình kinh tế tuần hoàn trong việc vận hành nhà máy,” ông Lê Hoàng Phúc, Trưởng Bộ phận kỹ thuật và An toàn-sức khỏe-môi trường của công ty cho biết.

 

Đáng chú ý, giảm thải carbon đang trở thành nhiệm vụ bức thiết của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như thế giới. Hơn 100 quốc gia và 400 thành phố (bao gồm cả Berlin) cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc trước đó. Để đạt được những mục tiêu này, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp sẽ phải chọn từ một loạt các chính sách, từ xây dựng các nhà máy điện gió đến tăng cường sử dụng nhiên liệu phát thải lượng  carbon thấp. 

Ông Phúc cho biết thêm: “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi hướng đến giảm phát tải khí carbon. Chúng tôi sử dụng các đánh giá hiệu quả năng lượng để xác định các cơ hội giảm phát thải, chẳng hạn như bằng cách lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, chuyển đổi lò hơi sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang nguyên liệu sinh khối, chuyển đổi 100% đèn LED, sử dụng hệ thống điều hòa thông minh... Chúng tôi đã có một danh mục quy mô về các giải pháp ít phát thải carbon và chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển nó.” 

Một số sáng kiến ​​chính của BAT trên toàn cầu bao gồm cải thiện hiệu suất của xe và tiết kiệm nhiên liệu. Mỗi phương tiện đều có một hệ thống từ xa giám sát hành vi của người lái xe và cảnh báo cho cả người lái xe và ban quản lý về bất kỳ kiểu lái xe nào tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu (và cũng có thể rủi ro). Công ty này vừa giới thiệu xe hybrid hoặc “xe xanh” tại một số thị trường, bao gồm xe chạy hoàn toàn bằng điện ở Colombia và xe hybrid ở Mexico và Malaysia... Những ứng dụng hiệu quả về phát triển bền vững giúp BAT trên quy mô toàn cầu 19 năm liên tiếp được công nhận trên bảng chỉ số phát triển bền vững Dow Jones, 2 năm liên tiếp được Financial Times công nhận là Diversity Leader.

Các doanh nghiệp như BAT và Nestlé đang góp phần vào con số doanh nghiệp ưu tiên các hoạt động tiêu dùng có trách nhiệm vào văn hóa của doanh nghiệp và chuyển đổi quy trình vận hành sản xuất theo hướng ít tiêu thụ nguyên liệu nguy hại đến môi trường và tạo dựng các nền tảng giáo dục hiện đại cho thế hệ tương lai. 

“Doanh nghiệp không thể bàng quan đứng nhìn mọi thứ diễn ra. Doanh nghiệp không thể mong chờ ai đó mang đến cho chúng ta một môi trường trong sạch, nguồn tài nguyên vô tận để phát triển mãi mãi. Chúng ta cần có trách nhiệm tái tạo lại những điều đó vì tương lai của chính mình”, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc của Nestlé Việt Nam, đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI), chia sẻ.

Mục tiêu của các doanh nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững là truyền cảm hứng và giúp cộng đồng doanh nghiệp nhận thức được và thực thi vai trò một doanh nghiệp có mục tiêu phát triển bền vững. Sự chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn giúp các doanh nghiệp có thể cùng nhau phát triển và lớn mạnh hơn.