Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Khó khăn bài toán “chọn - bỏ”
Những động thái gần đây cho thấy Bộ Công Thương đang xem xét các phương án quản lý cho hai loại thuốc lá thế hệ mới phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, từ đó có biện pháp quản lý hiệu quả trong tương lai.
Cụ thể, Bộ Công Thương đang chuẩn bị trình Chính phủ đề xuất sửa đổi khung pháp lý để mở đường cho thuốc lá thế hệ mới được phép kinh doanh tại Việt Nam song song với hướng tiệm cận nhất với đề xuất cấm thuốc lá thế hệ mới của Bộ Y tế.
Theo đó, có thể hiểu rằng, Bộ sẽ “mở” hoặc “cấm” cùng lúc cho hai loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới phổ biến nhất hiện nay là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, hoặc “cấm” với loại này và “mở” với loại kia, hoặc chỉ “mở” đối với một số sản phẩm của hai loại này và còn lại là “cấm”.
Các chuyên gia cho rằng bước đi xem xét này cần phải xét dựa trên thực trạng để tránh những bất cập, hệ lụy có thể nhìn thấy trước, đặc biệt với phương án quản lý thuốc lá làm nóng trước còn thuốc lá điện tử vẫn ở trong trạng thái “chờ”, đồng nghĩa với “cấm”.
Vì sao sẽ bất cập?
Trước tiên là tính pháp lý trong quản lý thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử. Theo khoản 1, Điều 2, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, thuốc lá được định nghĩa như sau: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”. “Nguyên liệu thuốc lá” theo Điều 2.3 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được định nghĩa là “lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá”.
Như vậy, chiếu theo hai quy định này, thuốc lá thế hệ mới dù là thuốc lá làm nóng hay thuốc lá điện tử có chứa nicotin đều là sản phẩm thuốc lá thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và nên được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá. Vì vậy, chưa có cơ sở đủ thuyết phục để chỉ mở cửa cho thuốc lá làm nóng được kinh doanh trước theo Nghị định thay thế trong khi lại cấm thuốc lá điện tử.
Thị trường thuốc lá điện tử nhập lậu ngày càng phức tạp trong khi vẫn thiếu chính sách quản lý. |
Theo một khảo sát điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh thành vào năm 2020 của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng tới 18 lần và hầu hết các vụ bắt giữ thuốc lá mới bất hợp pháp đều là thuốc lá điện tử. Điều này có nghĩa, xét về thị trường, nếu chỉ chọn thuốc lá làm nóng quản lý trước thì sẽ làm tình hình thuốc lá thế hệ mới bất hợp pháp với chất lượng không được kiểm soát càng phức tạp hơn, từ đó gây thất thu ngân sách và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Còn nhìn ra thế giới, theo báo cáo của WHO tháng 7/2023 về việc Bảo vệ con người khỏi khói thuốc, đã có 87 quốc gia ban hành khung pháp lý để cho phép lưu thông và kiểm soát thuốc lá điện tử; trong khi đó, theo thống kê của trang Global Tobacco Control, tính đến nay, có 43 quốc gia đã quản lý thuốc lá làm nóng theo các phân nhóm khác nhau. Như vậy có thể thấy, số lượng các quốc gia trên thế giới cho phép lưu thông thuốc lá điện tử nhiều hơn so với thuốc lá làm nóng.
Quản lý đồng bộ có là giải pháp?
Như vậy, việc chỉ cho phép lưu thông trước thuốc lá làm nóng, nếu có, sẽ làm khung chính sách thiếu toàn diện, gây bất bình đẳng trong chính sách quản lý, không giải quyết được vấn đề thực trạng thị trường thuốc lá thế hệ mới hiện nay, làm cho mặt trận chống thuốc lá lậu diễn biến phức tạp do thiếu vắng thuốc lá điện tử hợp pháp, trong khi đây mới là nhu cầu chính của người tiêu dùng tại Việt Nam.
Nhiều hội thảo bàn về giải pháp quản lý thị trường thuốc lá thế hệ mới đã được tổ chức để đề xuất các giải pháp hiệu quả cho thị trường. |
Thuốc lá điện tử có hai loại: hệ thống đóng và hệ thống mở. Thuốc lá điện tử hệ thống đóng có chứa nicotin được sản xuất theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của nhà sản xuất phù hợp với quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn quốc gia với đầu chứa dung dịch được đóng kín, nhà bán lẻ, hay người dùng không thể thêm bớt, hay điều chỉnh được dung dịch. Điều này khác với thuốc lá điện tử hệ thống mở, các chất khác có thể được thêm vào bởi chính người tiêu dùng hay nhà phân phối, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng là loại đang được nhập lậu nhiều vào Việt Nam và cần có sự kiểm soát chặt chẽ từ các lực lượng chức năng.
Do đó, ở thời điểm hiện tại chỉ nên cho phép lưu thông thuốc lá điện tử hệ thống đóng có chứa nicotin, bên cạnh thuốc lá làm nóng, để người dùng có thể được tiếp cận với các sản phẩm được kiểm soát nghiêm ngặt hơn trong việc đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, giảm thiểu các rủi ro dùng loại sản phẩm có thể bị bổ sung thêm các chất có hại, gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.