Nửa đêm ngày 21.10, nhiều nhân Vietjet tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) vẫn hối hả với việc kiểm đếm, đóng gói, vận chuyển hàng cứu trợ lên tàu bay. Ảnh: Vietjet Air
Hàng không góp sức cùng miền Trung vượt lũ
Căng mình tiếp nhận hàng
Nửa đêm ngày 21.10, nhiều nhân Vietjet tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) vẫn hối hả với việc kiểm đếm, đóng gói, vận chuyển hàng cứu trợ lên tàu bay. Trời về đêm se lạnh nhưng lưng áo ai cũng đẫm mồ hôi.
Anh Vũ Quang Xuyên, phụ trách tiếp nhận hàng hoá và vận chuyển, cho biết những ngày này, anh cùng các đồng nghiệp tập trung tối đa vào việc chuyển hàng cứu trợ đến với đồng bào miền Trung. Anh Xuyên kể thông thường, hàng hóa thương mại sẽ được các đại lý tiếp nhận rồi chuyển đến sân bay nhưng với hàng cứu trợ, Vietjet trực tiếp tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân, trực tiếp xử lý các thủ tục liên quan cho chuyến bay.
“Khối lượng công việc nặng hơn bình thường rất nhiều. Chúng tôi phải căng mình làm để kịp chuyển tình cảm của đồng bào cả nước đến với người dân đang bị ảnh hưởng do mưa lũ”, anh Xuyên chia sẻ.
Cũng theo anh Xuyên, do hàng cứu trợ có số lượng lớn là lương thực, thực phẩm nên quy cách đóng gói phải thay đổi so với hàng hóa thông thường. Đồng thời, việc sắp xếp các kiện hàng lên tàu bay được phải tính toán hợp lý để không ảnh hưởng đến chất lượng.
Đến hết ngày 21.10, gần 200 tấn hàng cứu trợ đã được Vietjet chuyển đến với đồng bào vùng mưa lũ. Ảnh: Vietjet Air |
Đến hết ngày 21.10, gần 200 tấn hàng cứu trợ đã được Vietjet chuyển đến với đồng bào vùng mưa lũ. Ông Đặng Huỳnh Bá Thành, Phó Trưởng Ban Quản lý Vietjet Cargo, cho biết ngay từ khi bắt đầu chiến dịch này, nhân viên Vietjet tại các kho bãi và sân đỗ đã làm việc hết công suất, bất kể ngày đêm. Tất cả các chuyến bay của Vietjet đều căng tải. Kho hàng tại các sân bay đi đều kín chỗ.
Trong khi các đầu sân bay tất bật xử lý hàng hóa từ các nơi gửi về thì email huongvemientrung@vietjetair.com và đường dây nóng 0888671133 của Vietjet Cargo cũng nhận được rất nhiều yêu cầu vận chuyển hàng vào miền Trung. Một nhân viên trực đường dây nóng kể: “Nhiều đơn chuyển hàng nên chúng tôi phân công nhau trực liên tục để tiếp nhận các cuộc gọi. Có những buổi trưa, chúng tôi mua cơm về văn phòng, vừa ăn vừa nghe điện tiếp nhận thông tin của các tổ chức, cá nhân”.
Ưu tiên cho những chuyến hàng đến miền Trung
Ông Trần Quang Hòa, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty Vietjet Cargo, cho biết: “Tất cả các đơn hàng cứu trợ đều được ưu tiên vận chuyển đến với đồng bào miền Trung nhanh nhất có thể. Vietjet cũng hỗ trợ một số đoàn đưa tình nguyện viên đi theo để phân phối hàng hóa, thuốc men và trực tiếp giúp đỡ người dân”.
Là một trong số những phi công thực hiện chuyến bay vận chuyển hàng cứu trợ đầu tiên của Vietjet đến Huế, anh Phạm Đăng Phòng kể nhìn cảnh miền Trung tang thương, không ai có thể cầm lòng được. Anh Phòng, chia sẻ: “Tôi mong muốn cống hiến một chút sức lực để ủng hộ tinh thần và giúp đỡ cho người dân mình bằng những điều tôi có thể làm”.
Tất cả các chuyến bay của Vietjet đều căng tải. Kho hàng tại các sân bay đi đều kín chỗ. Ảnh: Vietjet Air |
Trong khi đó, ngoài nhiệm vụ bay vận chuyển hàng hóa được các tổ chức, cá nhân tin tưởng, gửi gắm cho Vietjet, phi công Lê Như Vũ Tuấn cũng vận động đồng nghiệp, bạn bè và người thân cùng tham gia vào chương trình quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lụt. “Hy vọng người dân cả nước chung tay góp sức cùng bà con miền Trung vượt qua thiên tai như truyền thống tốt đẹp lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam”, anh Tuấn bày tỏ.
Nói về chiến dịch vận chuyển hàng cứu trợ của Vietjet, sau khi bàn giao hơn 240kg bánh tét, nhu yếu phẩm và nhiều loại thuốc để Vietjet vận chuyển đến bà con Thừa Thiên – Huế, anh Phạm Mai Đức Tuấn, đại diện Hội Liên hiệp Thanh niên Quận 3 (TP.HCM) cho rằng Vietjet đã thực hiện một hoạt động hết sức ý nghĩa và cần thiết vì nhờ các chuyến bay vận chuyển hàng hóa miễn phí mà tấm lòng, tình cảm của người dân cả nước nhanh chóng đến với bà con vùng lũ.
Ông Đỗ Xuân Quang, Phó tổng giám đốc Vietjet, khẳng định: “Diễn biến thời tiết bất thường tại miền Trung đã ảnh hưởng tới hoạt động khai thác hàng không nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ hoàn thành sứ mệnh chuyên chở hàng hóa cứu trợ. Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị, tổ chức để vận chuyển hàng tới tận tay bà con vùng bão lũ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chủ động lên các phương án khai thác phù hợp với các đường bay tới các địa phương ảnh hưởng bão lũ để đáp ứng nhu cầu phục hồi kinh tế, nhu cầu đi lại của người dân”. |