Các doanh nghiệp xây dựng nhiều mức giá cho hàng hóa, dịch vụ mà mình cung ứng, trong đó có những mức giá thấp, tặng, cho và 0 đồng theo từng đợt khuyến mãi, giảm giá của hãng. Ảnh: Ngô Trần Hải An.

 
Hoàng Kim Thứ Sáu | 29/10/2021 15:00

Giá vé tối thiểu hàng không: Cần hay không?

Ở Việt Nam, một số ngành, lĩnh vực đã áp dụng hiệu quả công cụ quản lý về giá khi thị trường có những vấn đề bất thường.

Giải pháp áp giá tối thiểu để bình ổn giá và duy trì sức khỏe tài chính lành mạnh cho các doanh nghiệp đã trở nên quen thuộc trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Công cụ này cũng đang được nhiều quốc gia sử dụng trong ngành hàng không, tuy nhiên tại Việt Nam, việc áp giá vé máy bay tối thiểu vẫn còn là vấn đề bị “bỏ ngỏ” và đáng được quan tâm trước bối cảnh các hãng bay đang “vật lộn” trong cuộc cạnh tranh về giá như hiện nay.

Vì sao cần có giá tối thiểu?

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong, sự cạnh tranh thị trường lành mạnh về giá phải tuân thủ nguyên tắc hạch toán kinh tế cơ bản là: Giá bán tối thiểu phải không thấp hơn giá thành sản xuất trung bình hợp lý, bảo đảm bù đắp được chi phí sản xuất và hao phí lao động trung bình xã hội để sản xuất ra một đơn vị hàng hóa dịch vụ.

Trong điều kiện kinh doanh bình thường, mọi hành vi bán hàng hóa và dịch vụ dưới giá thành sản xuất, chấp nhận lỗ ban đầu, đều bị coi là bán phá giá không lành mạnh và bị cấm. Bởi lẽ, việc bán phá giá kéo dài sẽ khiến các đối thủ có tiềm lực tài chính hạn chế sẽ bị lỗ và phá sản. Người bán phá giá, có khả năng tài chính mạnh hơn, chấp nhận lỗ ban đầu, khi đó có thể thâu tóm và lũng đoạn thị trường, nâng giá và thu lợi nhuận độc quyền cao, thủ tiêu cạnh tranh thị trường.  

Để đảm bảo vai trò điều tiết của nhà nước và môi trường kinh doanh lành mạnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Theo đó, phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó. Nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên sẽ bị xử phạt từ 1,6 tỉ đồng đến 2 tỉ đồng.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Phong cũng lưu ý, cần phân biệt bán phá giá cạnh tranh không lành mạnh với hoạt động khuyến mại cần thiết và bán giảm lỗ trong bối cảnh bất thường, như khi quốc gia có khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh…

Thông thường, các doanh nghiệp xây dựng nhiều mức giá cho hàng hóa, dịch vụ mà mình cung ứng, trong đó có những mức giá thấp, tặng, cho và thậm chí 0 đồng (chưa bao gồm thuế và các khoản thu hộ) theo từng đợt khuyến mại, giảm giá của hãng. Lợi nhuận sẽ được tính chung trên tổng doanh thu, chi phí và các nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Tuy nhiên, dù có lúc giá rẻ như cho không, nhưng doanh nghiệp vẫn luôn theo đuổi mục tiêu lợi nhuận để có thể tồn tại và phát triển, chứ không thể cứ bán phá giá kéo dài mãi, thu không đủ bù chi, tất yếu dẫn tới phá sản, triệt hạ lẫn nhau.

Ngành hàng không đang áp giá vé trần nhưng không có giá tối thiểu (Ảnh: Ngô Trần Hải An)
Ngành hàng không đang áp giá vé trần nhưng không có giá tối thiểu. Ảnh: Ngô Trần Hải An.

Đối với ngành hàng không, trong một số thời điểm, đặc biệt giai đoạn bất thường hoặc để bảo đảm một số mục tiêu nhất định như chống bán phá giá, khai thác bay an toàn, việc quy định giá tối đa sẽ bảo vệ người tiêu dùng trước sự tăng giá vé của các hãng hàng không trong khi mức giá tối thiểu sẽ giúp các hãng tránh cạnh tranh về giá, bảo đảm cho các hãng hàng không thu được đủ chi phí duy trì khai thác bay an toàn và tránh bị phá sản. 

Ví dụ như Indonesia đã áp dụng giá tối đa và tối thiểu, trong khi Thái Lan lại chỉ áp dụng giá tối đa. Ấn Độ áp dụng giá tối đa, tối thiểu theo 7 nhóm đường bay trong giai đoạn từ tháng 5/2020 đến tháng 3/2021 nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong nước trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Còn Trung Quốc áp dụng giá tối đa và tối thiểu theo mức giá tham khảo và tới năm 2013 bỏ giá tối thiểu, chuyển sang điều tiết về cung ứng và slot hạ cất cánh tại các sân bay trong nước.

“Một mũi tên trúng nhiều đích”

TS. Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, hiện nay, ngành hàng không đang áp giá vé trần nhưng không có giá tối thiểu. Như vậy, dù muốn hay không, trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và lâu dài sẽ chỉ thúc đẩy cạnh tranh về giá, coi nhẹ hoặc hạn chế việc cạnh tranh bằng nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích cho khách hàng, thậm chí tạo áp lực và động lực cho doanh nghiệp lựa chọn giảm chất lượng dịch vụ để giảm chi phí khai thác… 

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, một số ngành, lĩnh vực đã áp dụng hiệu quả công cụ quản lý về giá khi thị trường có những vấn đề bất thường về cung ứng, giúp mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho cả doanh nghiệp và khách hàng cũng như ổn định, phát triển bền vững nền kinh tế.

Đơn cử như với ngành hàng hải, xuất phát từ việc mất cân đối cung cấp tại khu vực cảng biển Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), dẫn đến các doanh nghiệp hạ giá cước xếp dỡ container quá thấp làm thiệt hại đến lợi ích doanh nghiệp, lợi ích nhà nước, mất ổn định khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Năm 2013, Chính phủ thực hiện thí điểm biện pháp bình ổn giá dịch vụ bốc dỡ container tại khu vực này bằng giá tối thiểu. Sau 2 năm triển khai thí điểm, biện pháp này đã mang lại tác động tích cực tới các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực Cái Mép-Thị Vải, mang lại hiệu quả kinh tế XH và khẳng định vai trò điều tiết của Nhà nước. Sau đó, năm 2018, Bộ GTVT ban hành Thông tư 54/2018/TT-BGTVT quy định khung giá tối thiểu - tối đa đối với dịch vụ bốc dỡ container. Giải pháp này giúp tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh không những được giải quyết mà các doanh nghiệp còn có thêm nguồn thu tái đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng nguồn vốn tích lũy. 

Đối với ngành viễn thông, Bộ TT&TT đã có quy định về mức giá cước cụ thể một số dịch vụ như giá cước kết nối giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Cụ thể, tại Thông tư 48/2017/TT-BTTTT quy định, tổng giá trị khuyến mại cho một chương trình cho thuê bao trả trước không được vượt 20% tổng giá trị dịch vụ thông tin di động và không được vượt 50% đối với trả sau. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ can thiệp nếu thấy có những biểu hiện bất hợp lý, việc quản lý giá thành của các doanh nghiệp được xác định không chỉ là công cụ để quản lý, điều tiết của nhà nước mà còn là một trong những hệ quản trị quan trọng đối với nội bộ của từng doanh nghiệp viễn thông.

Trong bối cảnh nhiều ngành nghề chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, đặc biệt là các ngành dịch vụ như hàng không, du lịch..., vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước càng trở nên cấp thiết nhằm rà soát lại toàn bộ các quy định trong quản lý ngành, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, khuyến khích và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh không phải bằng cách phá giá, mà cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, sản phẩm ưu việt để mang đến cho khách hàng những lợi ích cao nhất.