Công nghệ giúp nâng cao hiệu suất chuỗi cung ứng nông nghiệp hệ thống Giao Hàng Nhanh lên 1,000-2,000 tấn hàng/ngày. Ảnh: Koina
Founder Koina: tìm đồng đội 1 tháng, mua nông sản bị lừa và cột mốc 1.000 tấn hàng/tháng
Thành lập tháng 11/2021, chỉ trong 6 tháng Koina Investment Group (KIG – gọi tắt là Koina) công bố nhận đầu tư từ Glife Technology, một công ty thuộc danh mục đầu tư của Quỹ Heliconia Capital - đơn vị chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết trực thuộc Temasek của chính phủ Singapore.
Khởi đầu ấn tượng cho Koina đến từ việc tập hợp đúng những mảnh ghép cần thiết cho cỗ xe tăng tốc.
Những mảnh ghép hoàn hảo
Sau giai đoạn TP.HCM bị phong toả hàng tháng trời vì dịch covid vào năm 2021, mạng lưới chợ truyền thống bị đóng cửa khiến hệ thống siêu thị ở TP.HCM rơi vào tình trạng quá tải trong thời gian ngắn. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, kết quả là thực phẩm, rau củ quả đầu nguồn thì không thu hoạch được, người cần lại không có để tiêu thụ, các khâu giao vận hàng hoá phần lớn đều bị đóng băng.
Đây là lúc Nguyễn Trần Thi cảm thấy mình cần phải làm gì đó để thay đổi hệ thống phân phối nông sản và cải thiện chuỗi cung ứng nông nghiệp truyền thống. Anh bắt đầu tìm hiểu về nông nghiệp, hệ thống phân phối hiện tại và phát hiện có rất nhiều lỗ hổng nên được cải thiện. Đồng thời anh cũng nhận ra giao nhận công nghệ chỉ là một phần trong việc nâng cao chuỗi cung ứng nông nghiệp, dù đã có kinh nghiệm xây dựng hệ thống Giao Hàng Nhanh – nơi giao nhận xử lý 1,000-2,000 tấn hàng/ngày.
“Khi nhìn bức tranh rộng hơn từ nông sản đến tay người tiêu dùng. Giao nhận chỉ đóng một phần trong đó mà thôi”, anh nói.
Nông sản, trái cây ùn ứ không thể lưu thông, xuất khẩu vì ảnh hưởng covid kéo dài. Ảnh: Internet |
Không nản, Thi tìm đến Võ Duy Phú, đồng nghiệp cũ thuyết phục tham gia. Khác với Thi, Phú đã đau đáu bài toán chuỗi cung ứng nông nghiệp 7 năm qua, từ thời đồng sáng lập chuỗi cà phê The Coffee House. Anh hiểu rõ các tác động ở đầu cuối chuỗi cung ứng, nhà bán lẻ, người tiêu dùng khó có thể thay đổi được toàn bộ chuỗi. Chỉ riêng cà phê đã khó, nay với nông sản vốn đa dạng mặt hàng hơn sẽ càng phức tạp hơn nhiều, nhưng ý tưởng về một mô hình kinh doanh tiếp cận được toàn bộ chuỗi cung ứng là điều lôi kéo Phú tham gia.
Người thứ ba lên thuyền Koina là Lưu Hoàng Khoa. Theo anh Thi, bản chất chuỗi cung ứng là tập hợp nhiều bên tham gia, việc có thể cân bằng quyền lợi và hiệu quả kinh doanh không ai phù hợp hơn Khoa, khi anh đã có kinh nghiệm vận hành các ứng dụng có hàng chục triệu người sử dụng khi đảm nhiệm vị trí nhân sự cao cấp ở VinID và Grab Việt Nam.
Cuối cùng, với kinh nghiệm khởi nghiệm của chính mình, Thi hiểu rằng để một công ty startup phát triển nhanh và bền vững cần một nền tảng vững chắc về công nghệ và con người. Chính vì thế ông Nguyễn Anh Nguyên, người từng giữ vị trí Giám đốc - cố vấn cao cấp ở các tập đoàn đa quốc gia là nhân tố không thể thiếu trong toàn bộ mắt xích của Koina.
Đây cũng là người Thi khó “chiêu mộ” nhất nhưng cuối cùng anh cũng thành công vì truyền tải được nhiệt huyết và lý tưởng của mình. Ông Nguyên là người hiểu rõ công nghệ và khả năng ứng dụng nó vào nông nghiệp, ông cũng luôn tìm kiếm một đội ngũ đủ nhiệt huyết và tầm nhìn để có thể đeo đuổi.
“Có thể anh Nguyên nhìn thấy điều đó ở chúng tôi”, anh Thi nói.
Vườn cà chua canh tác theo công nghệ của Koina Agritech đảm bảo 3 Không: không thuốc trừ sâu, không chất tăng tưởng, không hoá chất. Ảnh: Koina |
Tăng trưởng thần tốc
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ hế thống Koina đang xử lý khoảng 1,000 tấn nông sản/tháng. Khá thú vị khi mới vài tháng trước, bộ ba Thi-Phú-Khoa vẫn đang miệt mài ở các chợ đầu mối để mua hàng. Khoa cho biết anh từng mua lô hàng 100 kg cam nhưng có đến một nửa số đó là cam loại 2 mà vẫn bị tính tiền với giá loại 1.
“Cách nhanh nhất để đồng hành cùng người mua là hiểu được các nỗi đau mà hàng ngày họ phải đối mặt”, Khoa cười và nói.
Sự lẫn lộn hàng hoá đến từ việc hàng hoá nông sản thông qua quá nhiều lớp trung gian. Ở các nước phát triển hàng hoá được phân phối đến thẳng siêu thị thông qua một vài đơn vị thu mua lớn. Còn ở Việt Nam, do chợ truyền thống vẫn là kênh bán hàng chủ lực nên thông qua rất nhiều lớp trung gian vận chuyển, các ước tính sơ bộ của Koina cho thấy từ nông dân đến người bán lẻ phải qua ít nhất là 10 lớp trung gian. Hàng hoá từ vườn đến tay người tiêu dùng đã bị đội giá lên rất nhiều lần và thông tin về chất lượng, nguồn gốc cũng không còn chính xác nữa.
“Koina không có tham vọng thay đổi các mô hình truyền thống”: Khoa nói, mà chủ yếu sử dụng công nghệ để việc kết nối dễ dàng hơn, từ đó giảm các chi phí cơ hội không đáng có. Giả sử trước đây một người nông dân khi trồng trọt họ phải tìm đơn vị cung cấp phân bón, giống cây trồng rồi khi tới mùa thu hoạch thì họ phải tìm các đối tác thu mua.
“Có quá nhiều công đoạn để họ xử lý, chúng tôi trước mắt sẽ giảm bớt các công đoạn không cần thiết”, anh Khoa nói.
Nhưng vấn đề đặt ra là để kết nối với những người như nông dân, đơn vị cung cấp giống, phân bón…không dễ vì họ vốn rất ít sử dụng công nghệ. Đây là lúc vai trò của Phú phát huy. Với kinh nghiệm phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ toàn quốc, Phú hiểu rõ nhu cầu của từng nhóm khách hàng của Koina cách tiếp cận và dẫn dắt họ đến công nghệ với chi phí tốt nhất. Lấy ví dụ như nhóm tiểu thương, nhu cầu thực sự của họ là hàng hoá đúng cam kết, giao hàng tận nơi và giá cả hợp lý.
Ảnh: Koina |
“Bạn sẽ chẳng thể thuyết phục ai sử dụng công nghệ khi chưa hiểu điều họ cần hằng ngày là gì,” Phú nói.
Tính đến thời điểm hiện tại Koina đã thu hút được hơn 80 hộ nông dân hợp tác theo hình thức độc quyền, với tổng quy mô canh tác hơn 50 ha và vẫn còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Công ty cũng là đơn vị tiên phong đưa ra dịch vụ giao hàng tận nơi, chính sách đổi trả cho hơn 1,000 khách hàng hàng tại 9 tỉnh thành bao gồm Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyên, thách thức trong chuỗi nông nghiệp nhiều, ai cũng thấy và nhắc rất nhiều trong hơn 10 năm qua nhưng chưa ai có thể giải quyết triệt để, đó là cơ hội của Koina. Ai cũng bảo trái cây là phải xuất khẩu, nhưng họ bỏ qua thị trường nội địa hơn 90 triệu người.
“Đương nhiên Koina sẽ không dừng ở thu mua và kinh doanh trái cây. Đó là một khởi đầu đủ khó, đủ hấp dẫn nhưng chỉ là một khởi đầu trong hành trình sở hữu quyền được phụng sự người tiêu dùng Việt Nam, quyền được đóng góp vào sự thịnh vượng của mỗi và tất cả thành viên trong hệ sinh thái nông nghiệp”, ông Nguyên nói.