Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản "bắt tay" cùng doanh nghiệp Việt Nam phát triển các dự án bất động sản. Ảnh: Đại Việt.
Doanh nghiệp Nhật tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam
Ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, cho biết đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam hậu COVID-19 vẫn có xu hướng tăng lên. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của hai nước đang cùng nhau phát triển nhiều dự án lớn. Điều này thể hiện mối quan hệ tốt đẹp, bền chặt của hai quốc gia để hướng đến dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2021.
Theo ông Watanabe Nobuhiro, Nhật Bản và Việt Nam đang có nhiều cơ hội gắn kết hơn trong các hoạt động kinh tế, điển hình như lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Bất động sản là một trong các lĩnh vực mà nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm khi vào thị trường Việt Nam. Ảnh: M.H. |
Mới đây, Tập đoàn Tokyu, đơn vị phát triển đô thị hàng đầu của Nhật Bản đã “bắt tay” với Tập đoàn Danh Khôi để phát triển dự án căn hộ cao cấp nghỉ dưỡng The Meraki tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Tokyu cũng chính là đơn vị tham gia quy hoạch, xây dựng Dự án Thành Phố Mới tỉnh Bình Dương trong suốt 10 năm qua.
Trước đó, Panasonic cũng đã tham gia xây dựng dự án nhà xưởng trị giá 25,5 triệu USD tại KCN Thăng Long 2 (Hưng Yên). Tập đoàn Takashimaya cũng hợp tác với Tập đoàn Trung Thủy đầu tư Dự án tổ hợp căn hộ, văn phòng và thương mại tại Hà Nội.
Ngoài ra, Tập đoàn Kajima đang cùng Indochina Capital phát triển mạng lưới hơn 20 khách sạn và khu phức hợp du lịch tại TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Nomura Real Estate cũng hợp tác với với Tập đoàn Ecopark để phát triển Khu đô thị Ecopark Hưng Yên.
Những minh chứng nói trên thể hiện sự tin tưởng của doanh nghiệp hai nước khi cùng nhau phát triển các dự án. Sự kết hợp giữa các tập đoàn hứa hẹn sẽ mang lại những nguồn lực chất lượng và năng lực tài chính vững mạnh.
Ông Oh Dong Kun, Tổng Giám đốc đại diện Tokyu Corporation tại Việt Nam, chia sẻ ông rất tin tưởng vào sự phát triển ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Trước khi lựa chọn đối tác, đơn vị này sẽ đưa ra nhiều tiêu chí khắt khe để lựa chọn như uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm, năng lực thực hiện các thủ tục pháp lý, tiềm lực tài chính và khả năng triển khai dự án đúng tiến độ.
Nói về thách thức trong việc thực hiện dự án tại Việt Nam, ông Oh Dong Kun cho rằng, các thủ tục pháp lý và thủ tục hành chính phức tạp là rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là một điểm trừ đáng tiếc khi nói đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông tin rằng, với sự lắng nghe, cầu thị của các cơ quan quản lý Nhà nước thì môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng cải thiện và thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn.
Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), trong cuộc khảo sát 4.600 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại thị trường Châu Á thì có đến 55% số doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1 – 2 năm tới. Trong khi tỉ lệ này ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan là từ 40 – 45%.
Cũng theo JETRO, lý do khiến doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam là vì tiềm năng phát triển cao, khả năng tăng doanh thu ở thị trường nội địa và xuất khẩu lớn, tình hình chính trị - xã hội ổn định và chất lượng nhân viên cao.
Còn theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 6/2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt hơn 14,03 tỉ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số 84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm thì Nhật Bản là một trong 5 quốc gia có tổng vốn đầu tư lớn nhất, đứng sau Singapore, Hàn Quốc, Đan Mạch và Trung Quốc.