Các doanh nghiệp sản xuất trang sức, mỹ nghệ bằng vàng cũng đang phải xoay sở từng ngày vì thiếu nguyên liệu vàng.

 
Hoàng Kim Thứ Hai | 18/11/2024 18:25

“Cởi trói” doanh nghiệp vàng để bình ổn thị trường

Thị trường vàng liên tục biến động khó lường với mức giá tăng phi mã, có thời điểm lên tới hơn 90 triệu đồng/lượng.

“Cơn sốt” vàng thời gian qua khiến người dân không mua được vàng, doanh nghiệp thiếu nguồn cung nguyên liệu sản xuất nữ trang, trang sức mỹ nghệ... Có lẽ các biện pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 đã không còn phù hợp và đến lúc cơ quan quản lý cần cân nhắc việc cho phép doanh nghiệp nhập vàng.

Người dân, doanh nghiệp gặp khó đủ đường vì khan vàng

Thị trường vàng liên tục biến động khó lường với mức giá tăng phi mã, có thời điểm lên tới hơn 90 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, vàng chưa bao giờ khó mua đến vậy khi mỗi ngày đều có rất đông người dân xếp hàng dài chờ đợi tại các cửa hàng vàng, hay tại các chi nhánh ngân hàng được phép bán vàng. Tuy nhiên, chỉ rất ít người cầm được vàng trở ra vì các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều giới hạn số lượng vàng bán ra.

Không chỉ người dân gặp khó, mà doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất trang sức, mỹ nghệ bằng vàng cũng đang phải xoay sở từng ngày vì thiếu nguyên liệu vàng. Đại diện một công ty trang sức lớn cho biết, bởi thiếu nguyên liệu đầu vào, việc công ty có thể dừng sản xuất 1 - 2 ngày là chuyện bình thường.

Hay ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Công ty TNHH Trang sức Em và Tôi chia sẻ: “Khan hiếm nguồn cung khiến các doanh nghiệp trang sức, mỹ nghệ rất khó tiếp cận nguồn nguyên liệu để sản xuất. Vì vậy, dù đang trong mùa cưới, chúng tôi lại hạn chế nhập khẩu vàng nguyên liệu để chế tác”.

Đã đến lúc gỡ “nút thắt” nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp

Trước thực trạng trên, Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất rằng Chính phủ có thể sử dụng các công cụ thuế, trong đó có thuế hải quan, thuế nội địa để quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu vàng. Ngân hàng Nhà nước có thể giám sát xem xuất nhập khẩu rồi mua bán vàng trên thị trường có minh bạch không.

Sau nhiều lần kiến nghị, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGAT) đã tiếp tục gửi văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trong phạm vi có kiểm soát để chế tác vàng nữ trang cho 3 doanh nghiệp, bao gồm DOJI, SJC và PNJ. Tổng lượng nhập là 1,5 tấn vàng/năm. Các doanh nghiệp sẽ không nhập cùng lúc mà sẽ chia làm nhiều lần, tùy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Theo VGTA, 1,5 tấn không phải là một con số không lớn, nó phù hợp với thị trường và cũng không gây áp lực lên tỷ giá.

Đại diện VGAT cho biết, nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường phong phú hơn. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ giảm, chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế được rút ngắn lại, người dân được hưởng lợi và thị trường vàng sẽ bình ổn. Đặc biệt, với nguồn cung nguyên liệu dồi dào, các doanh nghiệp có thể tập trung sản phẩm trang sức và vàng mỹ nghệ, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh doanh đặc biệt này cũng như toàn nền kinh tế.