Bà Tiêu Yến Trinh chia sẻ giá trị bền vững nhất của doanh nghiệp là sự hài lòng của khách và hạnh phúc của nhân viên.

 
Quyên Nhi Thứ Sáu | 18/10/2024 16:42

Chuyển đổi doanh nghiệp tại Việt Nam: Mới bắt đầu nhưng đầy tiềm năng

Chuyển đổi doanh nghiệp tại Việt Nam tuy mới bắt đầu nhưng đang mang lại nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển.

Lần đầu tiên, những con số thống kê, cơ sở nền tảng của chuyển đổi doanh nghiệp được Talentnet công bố trong báo cáo Thực trạng chuyển đổi doanh nghiệp tại Việt Nam tại sự kiện The Makeover 2024 diễn ra vào ngày 15/10. Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn nhân sự Talentnet chia sẻ: “Việt Nam là ngôi sao đang lên trong cuộc đua chuyển đổi”.

Tối ưu hóa quy trình vận hành là ưu tiên hàng đầu khi chuyển đổi

Theo Báo cáo Chuyển đổi doanh nghiệp Việt được Talentnet thực hiện, có 41% doanh nghiệp Việt bắt đầu chuyển đổi trong 3 năm trở lại đây, thấp hơn 25% so với mức độ chuyển đổi của doanh nghiệp nước ngoài (66%). Theo đó, mục tiêu chiến lược và định hướng phát triển riêng của nội bộ chính là yếu tố thúc đẩy chuyển đổi hàng đầu của doanh nghiệp, chiếm đến 40% so với các tác động ngoại lực khác như sự phát triển của nền kinh tế chung, nhu cầu khách hàng hay chuyển biến thị trường. Cũng theo báo cáo, 3 lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt tập trung vào chuyển đổi, gồm: tối ưu hóa quy trình vận hành (62,5%), cơ cấu tổ chức và lực lượng lao động (50%), cũng như nâng cao trải nghiệm khách hàng – CX (47,9%). Đây là những yếu tố then chốt giúp họ vượt qua các thách thức và đạt được kết quả tích cực.

Một điểm đáng chú ý là tuy nhập cuộc trễ, nhưng 46% doanh nghiệp Việt Nam đang cảm thấy hài lòng với kết quả và chất lượng chuyển đổi của mình, cao hơn nhiều so với con số 25% của doanh nghiệp toàn cầu. Điều này cho thấy sự tự tin và lạc quan  của các lãnh đạo tại Việt Nam trong việc dẫn dắt doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi. 

Tuy vậy, so với doanh nghiệp thế giới, doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến công cụ và hạ tầng công nghệ cũng như kỹ năng của nguồn lực nhân sự để chuyển mình. 

Quản lý cấp trung là “mắt xích” quan trọng trong chuyển đổi

Một điểm đáng chú ý của báo cáo đã chỉ ra tầm quan trọng của việc đầu tư vào nguồn nhân lực, đặc biệt là nhóm quản lý cấp trung, với 55,6% doanh nghiệp đang “săn đuổi” nhân tài lớp quản lý này. Theo đó, lớp quản lý cấp trung được đánh giá có vai trò then chốt trong việc dẫn dắt doanh nghiệp qua các giai đoạn chuyển đổi. Họ không chỉ cần có tầm nhìn chiến lược, hiểu được bối cảnh doanh nghiệp mà còn có thể dẫn dắt đội ngũ thừa hành bên dưới một cách hiệu quả.  

Đồng thời, xu hướng thuê lực lượng lao động thời vụ (GIG workforce) cũng đang gia tăng. Theo báo cáo, 40% doanh nghiệp lựa chọn thuê cố vấn quản lý liên-ban (interim management advisor) để thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi giữa các đội nhóm. Đặc thù của nhóm cố vấn này là những người cần có kinh nghiệm trong việc quản lý các dự án chuyển đổi, vừa nắm bắt được đặc thù văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự linh hoạt mà còn là một nước đi chiến lược để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi một cách nhanh chóng và hiệu quả. 

Nhiều doanh nghiệp Việt cho rằng sự thành công khi vận hành phụ thuộc vào nhóm quản lý cấp trung.
Nhiều doanh nghiệp Việt cho rằng sự thành công khi vận hành phụ thuộc vào nhóm quản lý cấp trung.

Trong quá trình chuyển đổi doanh nghiệp, vai trò của HRBP (Human Resource Business Partner) đang được các lãnh đạo đánh giá lại với một góc nhìn mới. Không còn đơn thuần là bộ phận hỗ trợ quản lý nhân sự, HRBP giờ đây đóng vai trò chiến lược hơn, góp phần quan trọng vào sự thành công của quá trình chuyển đổi.  Nếu lãnh đạo là người cầm lái, thì HRBP là người giữ bản đồ với đích đến là mục tiêu chung. Việc tìm hiểu sâu vào cách vận hành của doanh nghiệp, thị trường của ngành hàng, những thách thức trong phát triển... giúp HRBP hiểu được vấn đề để đưa ra các giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp. 

Dù hiện tại gần một nửa doanh nghiệp Việt hài lòng với quá trình chuyển đổi, nhưng tương lai vẫn còn nhiều nan đề tồn đọng. Theo báo cáo, với nhóm chưa thực hiện chuyển đổi, có tới 50% doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng cho các sáng kiến chuyển đổi. 

Bên cạnh những những chỉ báo tương lai, bà Bà Tiêu Yến Trinh cũng đưa ra một số gợi ý hữu ích cho doanh nghiệp Việt trong quá trình chuyển đổi bền vững.
Bên cạnh những những chỉ báo tương lai, bà Tiêu Yến Trinh cũng đưa ra một số gợi ý hữu ích cho doanh nghiệp Việt trong quá trình chuyển đổi bền vững.

Bà Tiêu Yến Trinh cũng đề xuất một số khuyến nghị và nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình chuyển đổi trong bối cảnh hiện tại: “Một chiến lược chuyển đổi hiệu quả phải xuất phát từ mục đích, nhu cầu doanh nghiệp. Nhưng ở mỗi doanh nghiệp, đây lại là một biến số khác nhau. Vì vậy tôi nghĩ bí quyết là duy trì sự nhất quán trong mục đích, nhưng linh hoạt trong cách tiếp cận”. Bà Yến Trinh bổ sung, khi đã xác định rõ mục đích, doanh nghiệp có thể áp dụng quy tắc 3C - Communicate, Collaborate, Commit: Giao tiếp để thống nhất tầm nhìn nội bộ về mục tiêu chuyển đổi, hình thành quan hệ cộng tác trong và ngoài công ty để thúc đẩy chuyển đổi và luôn cam kết với mục tiêu đã đề ra”. 

Chuyển đổi doanh nghiệp không còn là một câu chuyện của tương lai, mà đã trở thành yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Với sự tự tin và tầm nhìn chiến lược, các doanh nghiệp Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình, hứa hẹn tạo nên những dấu ấn nổi bật trên thị trường quốc tế.