Châu Âu “xanh hóa” vốn FDI vào Việt Nam
Lượng trái phiếu xanh được phát hành trên toàn cầu trong năm 2022 đạt khoảng 1.350 tỉ USD, một con số cao kỷ lục. Theo báo cáo ESG Solutions của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, chỉ cách đây 5 năm, con số này không vượt quá 200 tỉ USD.
Giới kinh doanh trên toàn cầu đang dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển bền vững. Châu Âu là nơi phát hành trái phiếu xanh nhiều nhất. Trong năm 2021, trái phiếu của các doanh nghiệp ở đây chiếm đến 56% trên tổng giá trị trái phiếu được phát hành trên toàn cầu.
Làn sóng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh không chỉ dừng lại ở châu Âu. Châu Á cũng đang đầu tư mạnh cho tăng trưởng xanh, khi lượng trái phiếu xanh ở khu vực này chiếm 22% tổng lượng phát hành toàn cầu vào năm 2021.
Cơ hội từ cam kết Net Zero của Việt Nam
Cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Glasgow đã tạo tiền đề cho hàng loạt sáng kiến chính sách sâu rộng về phát triển bền vững và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ giới đầu tư châu Âu.
Sau những cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt với các mục tiêu như giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, chính sách công về tăng trưởng xanh không đủ để giải quyết các thách thức bền vững lâu dài một cách tổng thể. Việc thiết lập và duy trì cơ sở hạ tầng năng lượng phức tạp đòi hỏi sự huy động vốn, công nghệ và nguồn nhân lực.
"EuroCham và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu muốn tham gia và đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của chính phủ Việt Nam", ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), người đã chứng kiến cam kết COP26 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Glasgow, cho biết.
Sau khi Chính phủ đưa ra cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đã có nhiều dự án FDI mới chất lượng cao, đầu tư theo hướng bền vững lựa chọn Việt Nam làm điểm đến hứa hẹn tạo ra một "làn sóng" đầu tư mới thay đổi nền kinh tế. Theo các nhà đầu tư nước ngoài, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nên dòng vốn FDI mới theo hướng "xanh", phục vụ phát triển bền vững hướng mạnh vào Việt Nam.
Mới đây, Tập đoàn LEGO chính thức khởi công xây dựng nhà máy theo mô hình trung hoà carbon trị giá hơn 1 tỉ USD tại Bình Dương. Sự kiện này là một sự khẳng định về xu hướng “xanh hóa” dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây không phải là dự án duy nhất góp phần vào xu hướng “xanh hóa” dòng vốn FDI tại đây. Trước đó, một công ty khác của Đan Mạch là Pandora quyết định đầu tư dự án 100 triệu USD tại Việt Nam. Pandora dự kiến sử dụng 100% năng lượng tái tạo, tạo ra hơn 6.000 việc làm.
Nhiều tập đoàn từ Áo, Đan Mạch và Na Uy cũng đang có những động thái tương tự. Vào tháng 5, Equinor, công ty năng lượng lớn nhất của Na Uy, đã mở văn phòng tại Hà Nội với mong đợi những cơ hội đầy hứa hẹn từ việc chuyển đổi năng lượng tại đây.
“Với chính sách khuyến khích tăng trưởng bền vững, Việt Nam có thể đi trước nhiều quốc gia khác trong khu vực”, ông Alain Cany, cho biết. EuroCham đang triển khai chương trình xúc tiến đầu tư, đưa khoảng 300 doanh nghiệp châu Âu trong các lĩnh vực kinh tế xanh đến Việt Nam để tìm hiểu đầu tư. Với chính sách khuyến khích tăng trưởng bền vững.
Kinh nghiệm từ châu Âu
Tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam, đại diện cho hơn 1.200 doanh nghiệp có chuyên môn sâu trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, EuroCham sẽ tổ chức hội nghị và triển lãm kéo dài 3 ngày từ 28 đến 30/11 tại TP.HCM.
Theo EuroCham, Hội nghị và Triển lãm Kinh tế xanh 2022 (GEFE 2022) tại THISO SkyHall, thành phố Thủ Đức, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển bền vững bằng cách chuyển giao công nghệ, vốn và kiến thức từ châu Âu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Động thái này phản ánh mạnh mẽ và củng cố xu hướng đầu tư của EU vào Việt Nam và tầm nhìn của EuroCham về phát triển bền vững. Mục tiêu chính của GEFE 2022 là hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết COP26 và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
"Mặc dù chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp châu Âu có mặt tại đây để huy động vốn và cung cấp công nghệ xanh", ông Alain Cany, nhận định. "Doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách châu Âu có chuyên môn sâu trong các ngành công nghiệp xanh, bền vững và phát triển năng lượng tái tạo. Việc tạo mối quan hệ hợp tác giữa họ với chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam là một điều thật lý tưởng".
Việt Nam có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nhiều công ty châu Âu có chuyên môn và công nghệ phù hợp có thể khai phá tiềm năng này. Và Việt Nam có thể hưởng lợi rất nhiều từ chuyên môn và công nghệ tiên tiến mà các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã xây dựng trong nhiều thập kỷ.
Theo EuroCham, GEFE 2022 sẽ có ba hội nghị về năng lượng và tài chính xanh vào ngày 28/11, lãng phí và bền vững vào ngày 29/11, và đổi mới và khởi nghiệp vào ngày 30/11. Hơn 20 chủ đề xanh sẽ được thảo luận, bao gồm nhưng không giới hạn ở nền kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, thành phố thông minh, du lịch xanh, nông nghiệp bền vững và xử lý nước.
Ngoài ra, một triển lãm kéo dài ba ngày nhằm giới thiệu các công nghệ xanh tiên tiến và các sáng kiến bền vững từ châu Âu. Hơn 150 nhà triển lãm, bao gồm các công ty liên quan đến năng lượng tái tạo, ngân hàng, hàng tiêu dùng nhanh và các tổ chức phi chính phủ, dự kiến sẽ tham dự sự kiện này. Sự kiện quy mô GEFE 2022 cho thấy trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu như hiện nay, Việt Nam có tiềm năng nhưng cũng rất cần đẩy mạnh những ưu thế của mình để thu hút những khoản đầu tư bền vững.