7 năm qua, thông qua Gelex Electric, Gelex đã liên tục mua vào và hiện nắm giữ hơn 96% vốn điều lệ tại Cadivi. Ảnh: Lê Toàn.

 
Viết Nguyên Thứ Tư | 13/09/2023 08:27

Cadivi trong tay Gelex

Tương lai Cadivi sẽ ra sao khi công ty mẹ Gelex chuyển hướng lên tập đoàn tư nhân đa ngành?

Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex, mã GEX), cổ đông sáng lập cũng là công ty mẹ của Cadivi, đã không còn là tập đoàn nhà nước từ cuối năm 2015, khi Bộ Công Thương bán toàn bộ cổ phần Gelex và rút khỏi cuộc chơi. Cũng từ đây, Gelex liên tục M&A và dấn bước vào nhiều ngành nghề như logistics, bất động sản, năng lượng, vật liệu xây dựng, đầu tư...

Gelex hiện đã thiết lập hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan đến Gelex như Viglacera, Công ty Chứng khoán VIX, Tổng Công ty Idico, Marina Holdings, Công ty Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric), Công ty Đầu tư Nước sạch Sông Đà, Công ty Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn... Sự thay đổi của Gelex ít nhiều ảnh hưởng đến các công ty con, trong đó có Cadivi.

Thay đổi ở Cadivi

7 năm qua, thông qua Gelex Electric, Gelex đã liên tục mua vào và hiện nắm giữ hơn 96% vốn điều lệ tại Cadivi. Với tỉ lệ sở hữu này, cổ phiếu CAV của Cadivi gần như mất tính thanh khoản. Có những phiên như ngày 18/8/2023, cổ phiếu CAV không có giao dịch nào.

Câu chuyện hủy niêm yết ở Cadivi từng được đặt ra. “Nếu hủy niêm yết, Cadivi sẽ tiện đường bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược hơn”, chuyên gia chứng khoán Lê Đức Khánh nhận định. “Nhưng hủy niêm yết cũng làm cho lợi ích của cổ đông dễ bị tổn thương và tính minh bạch sẽ bị giảm sút đáng kể”, ông Vicente Nguyễn, CIO của AFC Vietnam Fund, lưu ý.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cadivi kiêm Tổng Giám đốc Gelex, từng giải thích, dù hủy niêm yết, Cadivi cũng sẽ chuyển sang sàn UPCoM và vẫn minh bạch thông tin. “Lãnh đạo Công ty luôn nỗ lực để gia tăng giá trị, mỗi năm trả cổ tức 30-35%”, ông Tuấn nói thêm.

Thực tế, Cadivi chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ ngày càng cao. Nếu từ 2012-2016, cổ tức ở Cadivi là 30% vốn điều lệ thì đến năm 2017 là 35%, 2018-2021 là 50% và năm 2022, 2023 là 100%. Tính đến tháng 7/2023, Cadivi đã trả được 3 đợt cổ tức năm 2022 là 80% bằng tiền. Nếu trả hết cổ tức năm 2022, Cadivi phải chi tổng cộng hơn 570 tỉ đồng, một số tiền lớn hơn cả lãi ròng mỗi năm của Cadivi.

Thay đổi đáng chú ý khác là Công ty mở rộng hoạt động. Từ năm 2016, Cadivi đã ghi nhận thêm các khoản thu tài chính từ đầu tư trái phiếu, cổ phiếu dù nguồn thu này chiếm tỉ lệ không đáng kể và khá trồi sụt. Chẳng hạn, năm 2022, doanh thu tài chính của Cadivi là 11,4 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức 32,3 tỉ đồng của năm trước đó.

 

Cadivi cũng đầu tư vào bất động sản như việc triển khai dự án Cadivi Tower. Năm 2022, Cadivi bắt đầu ghi nhận doanh thu từ cho thuê văn phòng. Công ty cũng triển khai hoạt động thương mại nguyên liệu (đồng, nhôm...). Hay trong giấy phép đăng ký kinh doanh, Cadivi có cả kinh doanh ngành vận tải hàng hóa đường bộ. Cổ đông từng lo lắng Cadivi sẽ đi lệch ngành cốt lõi là dây và cáp điện nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn đã trấn an rằng Cadivi có đội xe giao hàng và thêm chức năng kinh doanh dịch vụ vận tải để đội xe được gắn mác Cadivi. 

Giữ vững vị thế

Dù có những thay đổi nhưng mảng dây và cáp điện, lĩnh vực chủ lực của Cadivi, vẫn luôn ổn định. Theo khảo sát của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Cadivi vẫn dẫn đầu thị trường, chiếm 30% thị phần dây và cáp điện ở Việt Nam (2021-2023). Cadivi đã vượt qua hơn 200 doanh nghiệp cùng ngành như Cadisun, Cơ Điện Trần Phú, Taya Vietnam, Daphaco, Thịnh Phát... và cả các đối thủ nước ngoài như Bangkok Cable (Thái Lan), Leader Cable Industry Berhad (Malaysia), Olympic Cable (Malaysia), PT Supreme Cable (Indonesia)... để giữ vững vị thế này.

Tình hình kinh doanh của Cadivi cũng ngày càng khả quan. So với thời điểm mới cổ phần hóa (năm 2007), doanh thu năm 2022 của Cadivi đã tăng hơn 18 lần. Còn so với năm 2015 - thời điểm Gelex tái cấu trúc, doanh thu của Cadivi cũng tăng gần gấp đôi. Riêng lợi nhuận có thời điểm gần chạm mốc 500 tỉ đồng (năm 2019). Dù sau đó lãi ròng của Cadivi điều chỉnh giảm về khoảng 350-400 tỉ đồng/năm, đây vẫn là con số vượt trội so với các công ty cùng ngành. Lãi ròng của Cơ Điện Trần Phú năm 2021, chẳng hạn, chỉ khoảng 252,5 tỉ đồng.

Không phủ nhận những ưu đãi mà Cadivi nhận được từ khi công ty mẹ Gelex còn được Bộ Công Thương “bảo bọc”. Đơn cử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn là khách hàng lớn của Cadivi. Dù vậy, theo lãnh đạo Cadivi, để có những kết quả trên, Cavidi đã nỗ lực rất nhiều.Một trong số đó là việc đa dạng hóa sản phẩm.Ngoài các loại dây, cáp điện truyền thống, Cadivi còn tung ra thị trường những sản phẩm dây và cáp điện có hàm lượng công nghệ cao như cáp năng lượng mặt trời, cáp siêu nhiệt, cáp chống cháy, dây tráng men... 

Các sản phẩm của Cadivi cũng đạt tiêu chuẩn quốc tế như IEC/DIN/VDE của châu Âu, UL, ASTM của Mỹ, JIS của Nhật, SAA của Úc… Nhờ đó, Cadivi mở rộng phạm vi phục vụ (dân dụng, điện lực, sản xuất ô tô...), mở rộng thị trường cả 3 miền (miền Nam chiếm đến 65% tổng doanh thu của Cadivi năm 2022) và đẩy mạnh xuất khẩu. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Campuchia, Úc... là những thị trường lớn của Cadivi. Nhưng xuất khẩu chỉ góp khoảng 5% tổng doanh thu của công ty này. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 3-5% cũng là tỉ lệ xuất khẩu trung bình của các công ty dây cáp điện nội địa.

 

Sắp tới, khi cáp điện ngầm trở thành xu hướng và các quốc gia trên khắp thế giới như các nước châu Âu, Trung Quốc... thay đường dây phân phối trên không bằng hệ thống cáp ngầm, ưu tiên sử dụng hệ thống cáp ngầm cho các dự án mới thì cuộc sàng lọc sẽ càng gắt gao hơn. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi dự tính đến năm 2025 sẽ tiến hành thay thế cáp điện trên cao thành cáp ngầm dưới lòng đất, nhất là ở TP.HCM và Hà Nội. Không chỉ tuyến đường lớn mà các tuyến nội đô cũng sẽ thay thế, càng thúc đẩy thị trường cáp ngầm hạ thế. 

Từ 10 năm trước, Cadivi đã dự đoán được xu hướng này khi đầu tư nhà xưởng ở Khu Công nghiệp Tân Phú Trung để sản xuất cáp ngầm hạ thế, trung thế. Đây cũng là cách để Công ty giảm phụ thuộc vào một số khách hàng lớn.

Trong quá khứ, vì phụ thuộc quá lớn vào VNPT mà Cáp Sài Gòn, Sacom phải dừng bước. Với Cadivi, để giảm sự phụ thuộc vào EVN, Công ty đã phát triển kênh phân phối với hơn 200 đại lý cấp 1 và khoảng 2.000 đại lý cấp 2 trên cả nước. Cadivi còn tham gia vào nhiều dự án lớn như Metro Bến Thành - Suối Tiên, Nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải - Ninh Thuận, dự án điện gió Đông Hải 1 - Trà Vinh, Nhà Quốc Hội Lào, Nhà máy thủy điện Xekaman (Lào)... Đặc biệt, với việc mua lại Cáp Sài Gòn, Cadivi đã có thể sản xuất dây cáp dùng làm đường dẫn trong cao ốc, ô tô. Ông Nguyễn Lộc, cựu Tổng Giám đốc Cadivi (đã nghỉ hưu), từng nhấn mạnh: “Cáp điện công nghiệp chứ không phải cáp điện lực mới chính là những sản phẩm quyết định đến sự phát triển của ngành”.

Cadivi đặt kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tương lai từ 15-20%/năm. Nhưng tăng trưởng ở Cadivi thường phụ thuộc vào giá nguyên vật liệu đầu vào như nhôm, đồng, nhựa... do chiếm 90% giá thành và phải nhập khẩu. Ngoài ra, mối ưu tư nhất cho Cadivi vẫn ở Gelex. Khi nắm giữ gần như toàn bộ Cadivi, mỗi một thay đổi ở Gelex đều sẽ tác động đến doanh nghiệp này.

Ông Vicente Nguyễn, AFC Vietnam Fund, lại có cái nhìn tích cực khi cho rằng: “Sau khi Bộ Công Thương thoái vốn, Gelex vẫn tập trung nguồn lực cho Cadivi, giúp Cadivi tăng mạnh doanh thu từ gần 6.000 tỉ đồng lên hơn 11,000 tỉ đồng. Lợi nhuận của Công ty cũng tăng mạnh. Đây là dấu hiệu tích cực để thị trường vẫn lạc quan về tương lai của Cadivi”.