Ông Emmanuel Pillai, Trưởng bộ phận đào tạo và cấp chứng chỉ AWS, ASEAN.
AWS giải bài toán đào tạo nhân lực cho ngành tài chính
Vấn đề thiếu hụt nhân lực trong ngành tài chính đã được IDC cảnh báo hồi năm ngoái, khi cho biết có 40% tổ chức tài chính ở châu Á - Thái Bình Dương thiếu hụt nhân lực trong quá trình chuyển đổi số, cụ thể là ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để nâng cao hiệu suất làm việc, giảm chi phí và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Đặc biệt là các khu vực nông thôn, nơi khách hàng chưa được thụ hưởng các dịch vụ ngân hàng nhưng đồng thời đây cũng là động lực tăng trưởng mới khi thị phần trong khu vực thành thị ngày càng bị cạnh tranh.
Để giải quyết tình trạng này, nâng cao năng lực là yếu tố tiên quyết. Tuy nhiên đó cũng là nút thắt của các tổ chức tài chính. Tiến sĩ Jonathan chuyên gia nghiên cứu kinh tế tại Gallup, cho biết trong một nghiên cứu cùng AWS với nhân sự hoạt động trong ngành tài chính ở Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia cho rằng thiếu hoặc không có thời gian tham gia các khóa đào tạo (51% người tham gia phỏng vấn) là nguyên nhân chính khiến nhân lực trong ngành này không nâng cao được năng lực số.
“Dù rằng có đến 44% người được khảo sát cho biết năng suất lao động tăng cải thiện rõ rệt sau khi hoàn thành các khóa đào tạo về năng lực số,” ông Jonathan Rothwell nói.
Là nền tảng đám mây được ứng dụng phổ biến nhất thế giới, AWS luôn chú trọng vào đào tạo nhân lực kỹ thuật số để giúp các tổ chức, khách hàng xây dựng lực lượng lao động có tay nghề cao nhằm làm chủ các công nghệ đám mây trong hiện tại và tương lai. Tại khu vực ASEAN, AWS đã hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp để tùy chỉnh các chương trình đào tạo kỹ năng đám mây AWS Skill Builder, AWS Skills Guild, AWS re/Start nhằm cung cấp đào tạo kỹ năng đám mây cho nguồn nhân lực của họ. Trong ngành FSI, chúng tôi hợp tác với Techcombank, VPBank ở Việt Nam; Bank Islam ở Malaysia; DBS ở Singapore, Union Bank ở Philippines, Ngân hàng Quốc gia Úc (NAB)… để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của họ.
Mới đây, AWS cũng giới thiệu AWS Industry Quest for FSI, một chương trình đào tạo dành riêng cho ngành tài chính, một trải nghiệm học tập mới dựa trên hình thức tương tác thông qua game, giúp các cá nhân và tổ chức tìm hiểu về việc xây dựng các giải pháp điện toán đám mây thực tế cho ngành nghề của mình.
Lấy ví dụ, để học viên ngành FSI hiểu rõ nghiệp vụ từng phòng ban ở ngân hàng, họ sẽ đóng vai điều hành một công ty dịch vụ tài chính ảo, và phải làm đủ các bài tập phát triển ứng dụng đặc thù cho ngành. Học viên có thể thực hành trong môi trường bảng điều khiển của game, trước khi ứng dụng kiến thức trong công việc.
Ông Emmanuel Pillai, Trưởng bộ phận đào tạo và cấp chứng chỉ AWS, ASEAN cho biết đối với học viên trẻ, việc đào tạo kết hợp vừa học vừa chơi game có những kết quả tích cực hơn. Vì đối với nhóm này, phần lớn là Gen Z, game là một phần cuộc sống của họ.
“Chúng tôi liên tục đổi mới sáng tạo trong công nghệ đào tạo. Bởi vậy, AWS muốn đảm bảo không đơn thuần là tạo ra các nội dung đào tạo mà còn cung cấp chúng dưới một hình thức thú vị, cuốn hút hơn cho học viên”, ông Pillai chia sẻ.
Ông Ken Nguyễn, Giám đốc Học viện Công nghệ, NAB Innovation Centre Vietnam. |
Đồng quan điểm, ông Ken Nguyễn, Giám đốc Học viện Công nghệ NAB Innovation Centre Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những đối tác chiến lược của AWS trong tầm nhìn Cloud First, cho biết mọi người rất bận rộn nên game sẽ có sức hút hơn so với việc học. Chính vì thế việc kết hợp game vào bổ sung kiến thức là điều cần thiết.
“Khi học theo game, sự chú tâm của học viên sẽ tăng, giúp cải thiện mức độ tương tác và sự tập trung. Thứ đến, game là một trong những hình thức khích lệ, khi mà chúng ta thắng, đạt được một kết quả nào đó thì chúng ta thấy hứng thú hơn. Đó là lý do tại sao gọi là gamification, tức là hình thức học tập theo game, nó là hình thức học tập tốt nhất cho cả NAB và học viên”, ông Ken Nguyễn nói.
Được biết, NAB có bề dày 170 năm tại Úc và là một trong những ngân hàng lớn nhất tại quốc gia này. Năm 2019, NAB Innovation Centre Việt Nam được thành lập và đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo. Từ 10 nhân viên ban đầu hiện Công ty đã có gần 1.000 nhân sự chỉ sau 4 năm.
Các kỹ sư của NAB Innovation Centre Việt Nam làm việc trực tiếp với đội ngũ tại Úc để cung cấp các sản phẩm phục vụ khách hàng trên toàn cầu.
Không những thế, NAB Innovation Centre Việt Nam còn rất chú trọng đến bình đẳng giới thông qua chương trình She Builds. Chương trình này chúng tôi trao quyền cho các kỹ sư nữ, để họ phát triển các kỹ năng, kỹ thuật và điện toán đám mây. Sau một năm Công ty đã phát triển được 1.000 cán bộ kỹ thuật nữ trong khu vực.
“Hiện nay ở Việt Nam, tỉ lệ nữ tham gia vào ngành công nghệ thông tin là khoảng 7-8%, chúng tôi muốn đảm bảo đầu tư vào bình đẳng giới tại Việt Nam. Chúng tôi coi đây là cơ hội win – win khi đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi thu được nhiều lợi ích và muốn đóng góp cải thiện hệ sinh thái ở Việt Nam trong mọi khía cạnh”, ông Ken nhấn mạnh.
“Đến nay NAB là một trong những tổ chức đầu tiên xây dựng môi trường Cloud với AWS. NAB bắt đầu hành trình này từ năm 2017 để hợp tác và phát triển đội ngũ kỹ sư của mình cùng với AWS, và đang hướng tới mục tiêu 100% kỹ sư có chứng chỉ điện toán đám mây”, ông Ken khẳng định.