Việc chuyển dịch từ đào tạo online sang đào tạo offline là việc thiết yếu trong thời điểm hiện nay. Ảnh: TL.
Virtual Learning dễ hay khó?
Dịch COVID-19 đã làm thay đổi rất nhiều đến kinh tế, văn hóa, giáo dục... Mô hình đào tạo truyền thống “bó tay” trước đại dịch. Do đó, việc chuyển dịch từ đào tạo online sang đào tạo offline là việc thiết yếu trong thời điểm hiện nay.
Thật ra trước đây ở các trường đại học lớn của Anh, Mỹ triển khai nhiều các chương trình học và các lớp học online dành cho các học viên không có thời gian để học offline. Và hiện nay, vì dịch COVID không chỉ riêng với các nước Châu Âu, ngay cả Việt Nam cũng đã triển khai các chương trình đào tạo từ xa bằng cách học online.
Trong thời điểm chuyển dịch đào tạo từ offline sang online thì các doanh nghiệp cũng đã nhanh chóng ứng dụng vào việc đào tạo đội ngũ nhân sự nội bộ. Đào tạo nội bộ bằng hình thức này đang ngày càng chiếm nhiều ưu thế hơn. Đào tạo trực tuyến còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí mà vẫn đạt hiệu quả kinh doanh như mong đợi.
Để quá trình học tập có hiệu quả đòi hỏi nỗ lực của cả người học, người dạy và cả ở khâu tổ chức.Ảnh: TL. |
Vậy đào tạo online dễ hay khó?
Với đào tạo online, vấn đề không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, dữ liệu. Mà hình thức đào tạo trực tuyến luôn hướng đến việc đưa ra giải pháp và cách giải quyết vấn đề sao cho hiệu quả nhất.
Ngoài ra, bản chất của hoạt động đào tạo trực tuyến là đặt người học vào hoàn cảnh tự học, chủ động học. Người học được kích thích phát triển tư duy sáng tạo, kích thích sự nghiên cứu tìm tòi nhằm đáp ứng nhu cầu học hỏi của bản thân. Chính những điểm khác biệt này mà việc áp dụng hình thức đào tạo sẽ mang lại hiệu quả đào tạo nhân sự khác nhau cho doanh nghiệp.
Và để quá trình học tập có hiệu quả đòi hỏi nỗ lực của cả người học, người dạy và cả ở khâu tổ chức.
Đầu tiên phải kể đến sự truyền tải kiến thức của giảng viên: Giảng viên phải có khả năng truyền đạt với lòng say mê nhiệt huyết đến học viên làm sao để học viên có thể thấy được giá trị thực tiễn của kiến thức. Thực sự đây là vấn đề của cả lớp học trực tiếp lẫn trực tuyến. Môi trường trực tuyến dường như khiến các ví dụ minh hoạ ít được thực hiện, hay những câu chuyện kể về ví dụ thường gặp cũng ít hơn. Học viên sẽ chỉ cảm thấy lớp học có giá trị khi họ nhìn thấy kiến thức hay kỹ năng đang học được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Với đào tạo online, vấn đề không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, dữ liệu. Mà hình thức đào tạo trực tuyến luôn hướng đến việc đưa ra giải pháp và cách giải quyết vấn đề sao cho hiệu quả nhất. Ảnh: TL. |
Thứ hai là vì đào tạo online không thể tương tác trực tiếp nên đòi hỏi giảng viên phải tạo ra môi trường học kích thích được sự chủ động và sáng tạo của học viên, có thể tạo động lực để học viên có thể tham gia và tương tác trong chương trình học. Sau một thời gian học, học viên thường quên mất lý do mà mình tham gia lớp học, tinh thần học tập uể oải. Lúc này giảng viên có vai trò hết sức quan trọng khi vừa truyền đạt kiến thức vừa truyền lửa cho học viên. Ngay cả những chủ đề khô khan hoặc nhàm chán cũng có khả năng trở nên thú vị. Vấn đề vẫn quay về nhu cầu người học. Học viên chỉ cảm thấy hứng thú khi họ thấy khóa học vui vẻ và bổ ích.
Thứ ba là việc quản lý và kiểm soát thời gian của lớp học. Quản lý thời gian luôn là một nhiệm vụ khó khăn với hầu hết mọi người. Việc quản lý thời gian là cực kỳ khó khăn khi không có giảng viên đốc thúc và giám sát như trên lớp học thông thường. Giảng viên trên lớp học trực tuyến cần gửi tin nhắn nhắc nhở, cũng có thể thương tác thường xuyên hơn với học viên và luôn nhắc nhở học viên về thời gian lớp học.
Thứ tư là khâu tổ chức lớp học. Đối với một số học viên, các công cụ trực tuyến dường như quá rối rắm. Họ không sao có thể quen với các thao tác trên máy tính. Trở ngại này làm cho họ mất hứng với các khóa học trực tuyến. Vì vậy cần có một nhóm trợ giảng hỗ trợ cho chương trình trước và trong khi tổ chức, bảo đảm được các học viên có thể tham dự lớp học đúng giờ, hỗ trợ giảng viên giải đáp thắc mắc về các thao tác trong phần mềm hay hỗ trợ nhận và chuyển câu hỏi thắc mắc đến giảng viên khi giảng viên giảng dạy hoặc điều phối lớp học.
Dưới đây là một số giải pháp đơn giản trong việc xây dựng và triển khai đào tạo online được hiệu quả hơn:
1. Giảng viên có phương pháp truyền tải đến học viên sao cho học viên vẫn nhận thấy được sự nhiệt huyết, lòng say mê truyền tải kiến thức của giảng viên.
2. Xây dựng nội dung đào tạo phù hợp tránh truyền quá nhiều kiến thức, có nội dung thực tế và có tính ứng dụng cao với cuộc sống của người học.
3. Tạo ra môi trường học có thể kích thích được sự chủ động và sáng tạo của học viên như “game hóa” bài giảng.
4. Đa dạng hóa phương pháp giảng dạy giúp trải nghiệm học trực tuyến “mang hơi thở” của lớp học trực tiếp.
5. Có cách quản lý được thời gian của lớp học tránh lãng phí thời gian do hoạt động đào tạo kéo dài.
6. Có hướng dẫn cụ thể và chi tiết về nền tảng đào tạo cho người học.
(*): Tiến Sĩ Ngô Công Trường, Sáng lập và Giám đốc chuyên môn Công ty Cổ phần Tư vấn và Giáo dục John&Partners
Trương Trần Hoàng Diễm, Account Executive Công ty Cổ phần Tư vấn và Giáo dục John&Partners