“Thay đổi” luôn là một nhu cầu bức thiết và đòi hỏi này càng quan trọng hơn bao giờ hết trong 2 năm đầy sóng gió do đại dịch.

 
Đặng Hoàng Trung (*) Thứ Bảy | 29/01/2022 13:30

Thay đổi bền vững theo “Thuyết U”

“Đi về Nguồn” để “thay đổi từ Nguồn” may ra có thể giải quyết vấn đề từ gốc và đạt được sự thay đổi thành công và bền vững.

“Thay đổi” luôn là một nhu cầu bức thiết và đòi hỏi này càng quan trọng hơn bao giờ hết trong 2 năm đầy sóng gió do đại dịch. Tuy nhiên, làm sao để thay đổi thành công và bền vững luôn là bài toán không dễ có lời giải. Trong hành trình tìm kiếm lời giải cho bản thân, người viết tình cờ bắt gặp câu nói của Bill O’Brien, vị CEO huyền thoại của tập đoàn bảo hiểm Hanover được thành lập từ năm 1852 tại Massachusetts, Mỹ, đúc kết bí quyết tạo ra thay đổi bền vững như sau: “Thành công của biện pháp can thiệp tùy thuộc vào điều kiện bên trong của người can thiệp”. Nói cách khác, để một thay đổi được thành công bền vững, điều kiện tiên quyết là sự thay đổi về niềm tin, nhận thức, hành vi ứng xử của người tham gia vào tiến trình thay đổi đó, bằng không, sự thay đổi chỉ mang tính hình thức.

Lý thuyết U của Otto Scharmer

Otto Scharmer là Tiến sĩ Kinh tế học, giảng viên cao cấp của Trường Quản trị Sloan thuộc MIT và đồng sáng lập Presencing Institute. Năm 2007, ông xuất bản cuốn Theory U: Leading From The Emerging Future (tạm dịch: Lý thuyết U: Lãnh đạo từ một tương lai liên tục tiến triển). Năm 2015, ông sáng tạo MITx u.lab, một nền tảng học tập đại chúng mở (MOOC) để quảng bá lý thuyết U và từ đó đến nay đã kết nối được hơn 140.000 người học trên khắp thế giới để cùng tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.

 

Theo Otto Scharmer, thảm cảnh của thế giới hiện tại xuất phát từ 3 sự mất kết nối. Đầu tiên và nghiêm trọng nhất là con người đang mất kết nối với chính bản thân mình, không rõ về nhân dạng của bản thân, không thấy ý nghĩa của sự sống, sự hiện diện của bản thân và mất khả năng hóa giải những cảm xúc lo lắng, bất an. 

Tiếp theo là sự mất kết nối của con người với nhau khi mà phần lớn thời gian của con người hiện đại được dùng để làm việc, làm việc và làm việc. Chúng ta mất khả năng thấu cảm, yêu thương lẫn nhau và có phần vô cảm trước những bất bình đẳng xã hội hay rủi ro sinh tồn của cả nhân loại. Và hệ quả tất yếu là sự mất kết nối với môi trường sống. Chúng ta mất dần kết nối với thiên nhiên, cỏ cây, muông thú. Chúng ta thoải mái tiêu dùng mà không cần quan tâm đến sức chịu đựng của Trái đất. Để giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, chiến tranh, bạo loạn... hay sinh tồn của loài người không bao giờ là chuyện đơn giản. Tuy nhiên, trước hết, điều có thể làm được là hãy kết nối lại với bản thân, rồi xây dựng lại kết nối người giữa người với nhau và cùng nhau, kết nối trở lại với Mẹ Thiên Nhiên để một lần nữa được sống trong sự an bình, chở che của Mẹ.

Áp dụng “Lý thuyết U”

Trở lại với bí quyết “Thành công của biện pháp can thiệp tùy thuộc vào điều kiện bên trong của người can thiệp” của Bill O’Brien và Lý thuyết U của Otto Scharmer, đâu là những điều ta có thể đúc kết để thực hiện sự thay đổi thành công và bền vững trong một tổ chức?

Trong hình trên là 3 phần What, How, Who của nhà lãnh đạo. Theo Otto Scharmer, chúng ta biết rất nhiều về phần What (Kết quả cần đạt được là gì) và How (Quy trình - cách thức thực hiện công việc) của công việc làm lãnh đạo. Tuy nhiên, ở phần Who (Nguồn - phần thế giới quan bên trong mà quyết định cách nghĩ, cách làm của nhà lãnh đạo) thì chúng ta chưa tiếp cận nhiều cũng như chưa có nhiều cách thức và công cụ hiệu quả. Trong khi đó, đây lại là phần quan trọng nhất và chứa đựng nhiều “điểm mù” có thể khiến nhà lãnh đạo thất bại mà không hiểu vì sao.

Để kết nối với Nguồn, bản thân mỗi người cần có 7 năng lực lãnh đạo tự thân như sau:

Năng lực thứ nhất là tạo không gian cho việc lắng nghe. Lắng nghe chính là lắng lòng lại để nghe, tiếp thu những góc nhìn khác biệt và đòi hỏi từ thực tế cuộc sống, từ vấn đề sống động trước mắt. Nhiều nhà lãnh đạo làm ngược lại, họ dùng kinh nghiệm quá khứ để bảo người khác làm theo mà quên mất rủi ro là công thức thành công của ngày hôm qua không thể đảm bảo cho thành công của ngày hôm nay hay của ngày mai được.

Năng lực thứ 2 là quan sát với tâm trí rộng mở và không phán xét, đánh giá, để thực sự quan sát thực tại chứ không phải là nhìn thấy những gì mình muốn thấy như một sự phóng chiếu kinh nghiệm, định kiến của bản thân.

Năng lực thứ 3 là cảm nhận, mở rộng con tim, mở rộng ý chí, vượt qua những tiếng nói chỉ trích hay nỗi sợ thất bại trước đó.

Dù ở phương pháp nào, “đi về Nguồn” để “thay đổi từ Nguồn” chính là điều tất yếu phải làm để may ra có thể giải quyết vấn đề từ gốc và đạt được sự thay đổi thành công và bền vững. Ảnh: shutterstock.com.
Dù ở phương pháp nào, “đi về Nguồn” để “thay đổi từ Nguồn” chính là điều tất yếu phải làm để may ra có thể giải quyết vấn đề từ gốc và đạt được sự thay đổi thành công và bền vững. Ảnh: shutterstock.com.

Năng lực thứ 4 là hiện cảm (presencing, kết hợp giữa presence - hiện diện và sensing - cảm nhận), là sự kết nối sâu sắc với nhân dạng của bản thân, với công việc hay sứ mệnh cuộc đời của chính mình. Sự kết nối sâu sắc này sẽ giúp bạn nghe được tiếng gọi của tương lai, đón nhận cái mới, hành động, lựa chọn với một tầm nhìn toàn thể về tương lai.

Năng lực thứ 5 là kết tinh sức mạnh của ý định mà bạn muốn tạo dựng một tương lai lý tưởng thành một tầm nhìn có khả năng thu hút người khác, nguồn lực mới và mở ra những cơ hội mới.

Năng lực thứ 6 là kết hợp suy nghĩ, cảm xúc và ý chí để hành động và tạo dựng được hình mẫu ban đầu của thành công.

Năng lực thứ 7 là thực hiện và lan tỏa để thành công không chỉ gói gọn trong phạm vi cá nhân mà chính cá nhân còn là hình mẫu để lan tỏa thành công này ra phạm vi rộng lớn hơn là tập thể và cả cộng đồng.

Cả 7 năng lực này hoàn toàn có thể áp dụng ở từng cá nhân, tập thể nhỏ, một tổ chức hay cộng đồng lớn.

Otto Scharmer cho biết lý thuyết U cố gắng tích hợp những gì tinh túy nhất của những phương pháp hiện đại mà mang lại sự chuyển hóa cho cá nhân và tổ chức như Design Thinking (tư duy thiết kế), Intrinsic Motivation (động lực nội sinh), Ethnography (tạm dịch: dân tộc ký) và Mindfulness-based Intervention (các biện pháp can thiệp, tạo ra sự chuyển hóa cá nhân dựa trên nền tảng thiền chánh niệm).

Dù ở phương pháp nào, “đi về Nguồn” để “thay đổi từ Nguồn” chính là điều tất yếu phải làm để may ra có thể giải quyết vấn đề từ gốc và đạt được sự thay đổi thành công và bền vững.

(*) Giám đốc Nhân sự
Tập đoàn Knauf Vietnam,
Giảng viên toàn cầu của Học viện Lãnh đạo Search Inside Yourself