Khi COVID-19 xảy ra, rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới điêu đứng, chỉ có những công ty công nghệ vẫn phát triển tốt, cổ phiếu tăng đều…
Lãnh đạo xuyên khủng hoảng
“Nhiều rủi ro của doanh nghiệp đến từ sự thiếu ổn định, sự chậm trễ so với thực tiễn của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam. Hệ thống văn bản này vốn luôn có độ trễ so với hoạt động của doanh nghiệp. Trong thời gian xảy ra dịch cúm do COVID-19, đối với môi trường số (công nghệ) độ trễ này càng lớn hơn”. Đó là nhận định của bà Bùi Kim Thùy, Đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ ASEAN tại buổi tọa đàm Lãnh đạo xuyên khủng hoảng. Được Alpha Books phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức, buổi tọa đàm này nhằm giúp lãnh đạo các doanh nghiệp đánh giá về bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam thời kỳ hậu COVID-19.
Bà Bùi Kim Thùy chia sẻ thêm: “Không chỉ có COVID-19, doanh nghiệp Việt trong thời điểm hiện nay cũng như trong thời gian tới còn phải đối mặt với nhiều biến động ảnh hưởng từ chiến lược vành đai xâm lược của Trung Quốc, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi số. Và khi COVID-19 xảy ra, rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới điêu đứng, chỉ có những công ty công nghệ vẫn phát triển tốt, cổ phiếu tăng đều... Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết về chuyển đổi số đối với mọi doanh nghiệp nếu muốn vững vàng trước mọi khủng hoảng”.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nền kinh tế Việt Nam còn yếu cả về mảng công nghiệp phụ trợ và nguồn nhân lực, cụ thể là thiếu nhân lực cho kỹ thuật - công nghệ mới để thực hiện chuyển đổi số. Câu hỏi được các diễn giả đặt ra là đối mặt với khủng hoảng cũng như những thách thức đó, doanh nghiệp có thể làm gì để có thể tồn tại và phát triển được?
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nền kinh tế Việt Nam còn yếu cả về mảng công nghiệp phụ trợ và nguồn nhân lực. |
Ông Tô Chính Nghĩa, Nguyên Giám đốc Điều hành miền Bắc và miền Trung Samsung Việt Nam cho rằng các cuộc khủng hoảng ngày càng đa dạng, khủng hoảng có thể đến từ chính bản thân doanh nghiệp, từ chính trị, cho đến thiên tai, dịch bệnh. Tất cả những điều này khiến môi trường kinh doanh thay đổi rất nhiều, và doanh nghiệp muốn trụ vững nên thực hiện một số giải pháp như sau:
Đảm bảo an toàn vốn: Doanh nghiệp phải có một dòng tiền tối thiểu để duy trì hoạt động. Samsung đã áp dụng khi giải quyết các khủng hoảng của mình là: nếu không có lãi đóng cửa ngay lập tức, không có chuyện nuôi dự án và hy vọng sang năm dự án có thể sinh ra lãi.
Thay đổi tư duy: Ở Việt Nam, đợt COVID thứ 2 đã đẩy tiến trình online lên một tốc độ đáng kinh ngạc. Hiện nay hoạt động tiếp cận khách hàng hoàn toàn khác trước và online là một giải pháp rất rõ ràng.
Theo ông Nghĩa, ngoài những doanh nghiệp số, trong cuộc khủng hoảng này vẫn có những doanh nghiệp hoạt động tốt. Ví dụ, trước đây hệ thống Vinmart báo lỗ cả ngàn tỉ đồng một năm. Tuy nhiên sau khi khi mua lại hệ thống, lãnh đạo mới đã tiến hành hàng loạt giải pháp mạnh tay như cắt đi tất cả những cửa hàng kinh doanh lỗ, ký hợp đồng trực tiếp với các công ty cung cấp sản phẩm... và chỉ sau một năm thôi hệ thống đã báo lãi.
“Chuyển đổi số là vấn đề căn bản để doanh nghiệp Việt có thể tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Kim Hạnh nhấn mạnh. Các doanh nghiệp cũng không nên nghĩ chuyển đổi số với sự hạn hẹp về mặt kỹ thuật. “Chuyển đổi số là doanh nghiệp phải làm tiêu chuẩn quản lý bằng số như thế nào, ghi nhật ký, truy suất nguồn gốc, QR code làm sao... Khi đã đạt tiêu chuẩn rồi, thì doanh nghiệp phải làm các bước khác để người ta tiếp nhận mình trong môi trường của người ta. Tôi nghĩ chúng ta cần hiểu một cách thực tế về chuyển đổi số, số hóa; thực hiện nó để quản trị và thay đổi các điều kiện để thâm nhập được vào chuỗi cung ứng của thế giới”, bà Hạnh nói.
Trong khủng hoảng, có thể nói vai trò lãnh đạo của người chủ doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Ông Phạm Trí Nguyễn, nguyên Tổng Giám đốc Deutsche Bank Việt Nam cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp cần phải có cách nhìn nhận, cũng như sự chuẩn bị chu đáo cho con đường phía trước. “Giống như chạy marathon thì cần phải huấn luyện cho cơ bắp biết cách chạy như thế nào, khi nào nên chạy nhanh, khi nào nên chạy giữ sức... Làm tốt việc sắp xếp định hướng phát triển sẽ giúp doanh nghiệp dễ nhận được đầu tư từ nước ngoài, để tiếp tục phát triển hơn nữa dù có gặp khủng hoảng hay không”.
Trong khủng hoảng, có thể nói vai trò lãnh đạo của người chủ doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. |
Vấn đề giáo dục, đào tạo nhân lực để đáp ứng quá trình chuyển đổi số, tái cấu trúc, sẵn sàng đối phó với mọi khủng hoảng là vấn đề được tất cả các diễn giả đồng tình. Ở khía cạnh này, ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long cho rằng việc đào tạo lực lượng nhân sự nên chia theo những giai đoạn khác nhau, căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội.
Để góp phần cung cấp tri thức cho lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books cho biết hiện nay doanh nghiệp của ông đang làm 2 việc: Thứ nhất là mang những tri thức có chiều sâu từ thế giới về thông qua con đường xuất bản; Đó là những tinh hoa quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp từ những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới như Havard Business Review; sách triết học, nghệ thuật, âm nhạc ở tầm cao hơn. Thứ 2 là tri thức về những phát minh, sáng chế, đề tài khoa học... mới nhất để người Việt có thể thừa hưởng, kế tục một cách nhanh nhất những thành quả từ các các quốc gia tiên tiến và rút ngắn con đường đi đến thành công. “Chúng tôi hy vọng các bạn trẻ lứa tuổi 12-17 được tiếp cận dòng chảy này và sẽ sớm hình thành nên những ý tưởng, công nghệ, startup mới, hoà nhập vào dòng chảy thế giới”, ông Bình chia sẻ.