Chủ đề Lãnh Đạo Thích Ứng của HAWEE Leader's Forum 2023 nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM. Ảnh: HAWEE
Lãnh đạo thích ứng: Như thế nào là phù hợp?
“Biến động” có lẽ là từ khóa được dùng nhiều nhất để mô tả về tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu hiện nay. Điều này đặt ra bài toán cho các nhà lãnh đạo, chủ doanh nghiệp phải làm sao để thích ứng và tạo ra đột phá trong bối cảnh biến động, thay đổi liên tục.
Đây cũng là chủ đề chính của HAWEE Leader’s Forum 2023 vừa được tổ chức vào ngày 12/5 vừa qua. Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) mong muốn cùng các nhà lãnh đạo thiết lập tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức trong bối cảnh dự đoán kinh tế khó khăn toàn cầu, từ đó quyết định chiến lược thích ứng nào cho mô hình và thế mạnh của doanh nghiệp, đón đầu những thách thức và cơ hội lớn của thời đại.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HAWEE chia sẻ tại HAWEE Leader’s Forum 2023. |
Với dàn diễn giả là các lãnh đạo đến từ Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Talentnet Corporation, Công ty Cổ phần Sữa quốc tế IDP, Chợ Tốt, Faslink,… HAWEE Leader’s Forum 2023 thu hút hơn 400 người tham gia.
2 nhóm thích ứng
Nói về “lãnh đạo thích ứng”, các diễn giả phân chia thành 2 nhóm: Lãnh đạo tự thích ứng và lãnh đạo phải thích ứng. Trong đó, lãnh đạo tự thích ứng thường chủ động thay đổi, thích ứng để tạo ra đột phá cho doanh nghiệp. Nhóm còn lại là thích ứng một cách bị động để tồn tại.
Ông Lê Trí Thông, CEO PNJ lấy ví dụ một trận bóng tennis. Trong đó, “lãnh đạo tự thích ứng” là người chơi giữ sự chủ động, trả bóng khiến cho đối phương - “lãnh đạo phải thích ứng”, phải đỡ bóng và đuổi theo.
“Nếu 2 người lãnh đạo trong cùng ngành, hoặc những người cạnh tranh với nhau, thì cũng giống như chúng ta chơi một ván tennis. Người đi trước một nhịp tự thích ứng và người đi sau một nhịp phải thích ứng, kết quả đem lại thường sẽ không giống nhau. 2 người chỉ cách nhau một nhịp mà thôi. Theo góc nhìn của tôi, doanh nghiệp mà “phải thích ứng” thường là thích ứng để tồn tại, còn người “tự thích ứng”, dĩ nhiên họ cũng cần thích ứng để tồn tại nhưng họ sẽ bước một nhịp để tác động vào sự thay đổi của môi trường, từ đó sẽ có được lợi thế hoặc bứt phá. Một bên là thích ứng để tồn tại, một bên là thích ứng để bứt phá, vươn lên.
Nói về trình tự thời gian, có người xuất phát trước, có người xuất phát sau. Đó là câu chuyện của tầm nhìn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp 2 người cùng tầm nhìn nhưng sự do dự hay quyết đoán cũng tạo ra một người tự thích ứng và một người phải thích ứng”, ông Thông nói.
Ông Lê Trí Thông, CEO PNJ và bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet chia sẻ về 2 nhóm lãnh đạo thích ứng. |
Phân tích sâu hơn về sự thích ứng, ông Thông quả quyết, ở người lãnh đạo, sự thích ứng đồng nghĩa “phải thích ứng” và “tự thích ứng”. Tùy chọn lựa của mỗi người nhưng sự khác nhau chính là “phải thích ứng” là để tồn tại, còn “tự thích ứng” không chỉ để tồn tại mà còn tác động vào sự thay đổi của môi trường, hoàn cảnh, tìm những điều kiện mới để tạo lợi thế bứt phá.
Như vậy, người lãnh đạo tự thích ứng sẽ đi trước một nhịp trong quá trình phát triển. Cho nên, đôi khi lãnh đạo phải biết quên đi những thành công để khởi động lại, thích ứng với những tác động khách quan bên ngoài. Và theo ông, sẽ là một lợi thế khi cả lãnh đạo và tập thể cùng đồng điệu thích ứng. Ông Thông cho rằng: “Nhà lãnh đạo phải khai phóng được năng lượng của cộng sự, nhân viên và dám trao quyền”.
Thảo luận cùng ông Lê Trí Thông, bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet cho rằng người lãnh đạo chủ động thích ứng luôn luôn có tầm nhìn tạo ra giá trị. Trong bối cảnh mọi thứ có thể đến một cách bất ngờ, người lãnh đạo cần có năng lực giải quyết, nhanh nhạy ứng biến, sáng tạo và đột phá.
Thay đổi liên tục để hòa hợp
Bà Nguyễn Hữu Phượng Vân, CEO Fujikura Fiber Optics Vietnam nhớ lại thử thách từng đối mặt khi Công ty có định hướng tốt, đơn hàng tốt, lợi nhuận tốt, tất cả mọi thứ đều tốt nhưng “nhiều kỹ sư chọn rời bỏ Công ty”. “Tôi nhận ra, một khu vực sản xuất truyền thống thì hằng ngày các bạn nhân viên rất bận rộn nhưng những công việc đó cứ lặp đi lặp lại. Các bạn cảm thấy công việc không thử thách, quá bận rộn nhưng lại không phát triển được bản thân. Cách của tôi là làm sao để các bạn không phải làm công việc bàn giấy nhiều như vậy”.
Bà Nguyễn Hữu Phượng Vân, CEO Fujikura Fiber Optics Vietnam, bà Trần Hoàng Phú Xuân, CEO Faslink và ông Nguyễn Trọng Tấn, CEO Chợ Tốt chia sẻ kinh nghiệm thích ứng thực tiễn dưới sự điều phối của bà Nguyễn Phụng Trân, nguyên Tổng Giám đốc Constantia Việt Nam, TV BTV HAWEE. |
Với doanh nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng như Fujikura Fiber Optics Vietnam, có hơn 10.000 tài liệu cần nhân sự xử lý. Để thay đổi, bà Phượng Vân xây dựng hệ thống số hóa tài liệu, tạo cơ sở dữ liệu để giảm bớt những đầu việc nhàm chán cho nhân viên. Dẫu vậy, khó khăn vẫn chưa dừng lại khi nhân viên mắc một lỗi nhỏ trong nhập liệu có thể dẫn đến hệ luỵ nghiêm trọng. Không chịu từ bỏ, Bà Vân xây dựng thêm một nền tảng nhập liệu dành cho khách hàng, đồng thời thuyết phục đối tác, khách hàng của mình sử dụng, nhằm đảm bảo dữ liệu, yêu cầu của khách hàng chính xác ngay từ đầu vào. “Chúng tôi thuyết phục khách hàng cùng thích ứng, thay đổi với mình”, bà Vân bày tỏ.
Bà Vân khẳng định: “Thích ứng là phải thay đổi liên tục để hòa hợp. Tôi trao quyền cho nhân viên và bản thân phải tự thay đổi để tìm được tiếng nói chung với nhân viên”.
Bà Đặng Phạm Minh Loan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa quốc tế (IDP) cho biết, từ kinh nghiệm thực tiễn khi vực dậy IDP bên bờ vực phá sản, người lãnh đạo nên bắt đầu thay đổi bằng những việc rất nhỏ như xem lại hàng tồn kho, xốc lại tinh thần cho đội ngũ nhân viên. Cùng với việc xác định rõ những nguyên ngân khiến cho công ty gặp khó khăn và thay đổi, sau gần 3 năm chuyển từ một nhà đầu tư sang người điều hành trực tiếp, bà Loan đã đưa IDP phát triển.
Nói về việc thích ứng trước những thay đổi, bà Minh Loan nhấn mạnh, để thích ứng thì phải xác định rõ đâu là phạm trù cần phải thích ứng. Bên cạnh đó, vẫn phải xác định rõ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp để những giá trị cốt lõi này trở nên mạnh hơn, tạo được những giá trị vượt trội hơn cho người lao động, người tiêu dùng và cả cộng đồng. Từ đó sẽ mang lại doanh thu, lợi nhuận, kết quả kinh doanh vượt trội.
Chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Tấn, CEO Chợ Tốt được nhiều doanh nghiệp đồng cảm. |
Ở góc nhìn của một doanh nghiệp bán lẻ, Nguyễn Trọng Tấn, CEO Chợ Tốt, nhấn mạnh giá trị cốt lõi “User Focus” (tập trung vào người dùng). Câu chuyện thích ứng nằm ở việc lãnh đạo dám đi ra ngoài và nói chuyện, lắng nghe và thấu hiểu người dùng cuối để xây dựng những giải pháp thực sự giúp ích cho họ.
Cùng thông điệp với CEO Chợ Tốt, bà Trần Hoàng Phú Xuân, CEO Faslink, cho biết, dù hoạt động theo mô hình B2B nhưng bà luôn quan tâm đến khách hàng, người dùng cuối. Công ty chủ động tìm hiểu, thu thập dữ liệu, insight của khách hàng để thiết kế các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của họ.