Ảnh: Shutterstocks
Hướng nghiệp 4.0
Nhà xuất bản Kim Đồng đã ra mắt bộ sách rất thời sự mang tên Hướng Nghiệp 4.0, trong đó hướng dẫn nhiều nghề nghiệp mới cho thanh niên gắn với sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường lao động trong bối cảnh bùng nổ công nghệ. Chẳng hạn, những nghề nghiệp mới xuất hiện như Travel Blogger, Freelance Writer, Fashion Stylist, Podcaster, Animation Artist, YouTuber, Food Stylist, Big Data Analyst, Content Creator, Wedding Planner, Stage Designer...
Thậm chí, nhiều trong số này hiện không có tên tiếng Việt tương đương để giải thích rõ ràng. Chẳng hạn, Food Stylist chỉ người chuyên tạo hình, trang trí, bày biện, sắp đặt các loại thực phẩm, món ăn, thức uống trước ống kính nhằm tạo ra sức hấp dẫn cho từng bức ảnh, thước phim về thực phẩm. Hay Big Data Analyst là từ để chỉ người phụ trách việc thu thập, xử lý, phân tích, đánh giá và báo cáo về dữ liệu lớn của một tổ chức hoặc doanh nghiệp... Tương tự, cuốn sách Travel Blogger cho thấy toàn cảnh bức tranh nghề Travel Blogger - những người có thể kiếm tiền từ việc đi du lịch khắp thế giới, check in trong những nhà hàng 5 sao.
Đằng sau bộ sách này là sự dịch chuyển không chỉ nghề nghiệp mà còn là xu hướng sống của giới trẻ Việt Nam. Cách đây 2 thập kỷ, thị trường lao động chứng kiến làn sóng lao động trẻ rời nông thôn lên thành phố, tìm việc làm trong các khu công nghiệp, nhà máy dệt may, da giày... tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Họ tạo thành lợi thế công xưởng sản xuất giá rẻ giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút FDI trong nhiều lĩnh vực sản xuất.
Còn bây giờ, làn sóng công nghệ số giúp một bạn trẻ ở bất kỳ đâu, chỉ cần một máy tính hay thậm chí một smartphone kết nối internet là có thể khởi nghiệp. Đơn giản là bán hàng qua mạng hay phức tạp hơn là có thể trở thành Freelancer (người làm việc tự do) hay mở khóa học trực tuyến. Cùng sự đồng hành của công nghệ, những người trẻ có thể bay bổng với ước mơ của mình, thậm chí còn vượt ra khỏi phạm vi quốc gia để đến với nhiều thị trường trên thế giới.
Trong làn sóng này, những nghề nghiệp mới xuất hiện như trong bộ sách Hướng Nghiệp 4.0. Ở đó, Lê Xuân Chiến, 25 tuổi, bỏ ngang việc sửa chữa điện tử, điện lạnh ở thủ đô trở về Thanh Hóa mở kênh Vlog “Bếp quê choa”, giới thiệu các món ăn, trò chơi ở quê. Các kênh mạng xã hội cá nhân của Chiến có hàng trăm ngàn lượt người theo dõi. Để có thêm thu nhập, Chiến còn bán đặc sản quê hương như mắm tép, nước mắm mực, cá thu, cá ngừ... Thu nhập từ bán hàng qua mạng xã hội giúp Chiến thực hiện ước mơ “làm sống dậy kỷ niệm tuổi thơ”, tự chủ về tài chính, thời gian và được sống gần nhà.
Hay dù tốt nghiệp Thạc sĩ ngành quy hoạch vùng và đô thị, Đại học Kiến trúc TP.HCM, Nguyễn Thành Hưng, 29 tuổi, lại gắn với công việc Travel Blogger. Anh trở thành một nhà sáng tạo nội dung về du lịch bằng tài khoản “Bi Mê Đi” với các clip giới thiệu những điểm đến tại hơn 20 địa phương trên cả nước. Những Travel Blogger như Hưng có thể kiếm tiền trực tiếp từ YouTube, TikTok hay từ đơn vị mời hợp tác, tiếp theo là đến từ tiếp thị liên kết.
Có thể thấy, chúng ta đã bước vào kỷ nguyên của toàn cầu hóa hay còn gọi là thời đại trí tuệ, của công nghệ. Những người trẻ muốn trở thành Vlog hay Travel Blogger không chỉ hiểu biết trong lĩnh vực của mình mà còn phải giỏi các kỹ năng quay phim, chụp hình, chỉnh sửa video, digital marketing... Vì vậy, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và nâng cao năng lực số cho người trẻ là nhiệm vụ quan trọng của giáo dục.
Đây không chỉ là vấn đề tại Việt Nam mà theo Harvard Business Review (HBR), những gián đoạn trong thị trường lao động sắp tới có vẻ nghiêm trọng mà nếu chỉ nâng cao tay nghề thôi chưa đủ. “Hàng triệu người cần phải được đào tạo lại toàn bộ kỹ năng. Các thách thức đòi hỏi người lao động không chỉ tiếp thu kỹ năng mới mà còn phải sử dụng chúng để thay đổi nghề nghiệp”, HBR dẫn lại.
Trên hết, giới trẻ 4.0 Việt Nam phải có 4 nhóm kỹ năng chính theo Tổ chức Đánh giá và Giảng dạy Các kỹ năng của Thế kỷ 21, gọi tắt là AT21CS (Assessment and Teaching of 21 Century Skills) tại Đại học Melbourne (Úc):
1. Nhóm kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) như năng lực giải quyết vấn đề dựa trên máy tính và các công cụ công nghệ.
2. Nhóm kỹ năng tư duy như sức sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định và khả năng tự học suốt đời.
3. Nhóm kỹ năng làm việc như khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm.
4. Kỹ năng sống (thích nghi) trong xã hội toàn cầu như vấn đề ý thức công dân, cuộc sống và sự nghiệp, trách nhiệm cá nhân và xã hội, bao gồm cả vấn đề hiểu biết tính đa dạng văn hóa