Các diễn giả tham gia chương trình. Từ trái sang: bà Võ Thị Ngọc Hường, ông Kiều Anh Vũ và bà Đinh Thị Quỳnh Như. Ảnh: HAWEE

 
Minh Lan Thứ Tư | 30/08/2023 11:19

Hùn mà không… hạp

“Hùn hạp làm ăn” là việc rất phổ biến trong hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, không phải lúc nào “hùn” cũng “hạp”, dẫn đến nhiều mâu thuẫn.

Việc hùn hạp trong làm ăn mang đến nhiều lợi thế, giúp hoàn thiện ý tưởng, mở rộng nguồn vốn, tăng quy mô sản xuất hoặc giảm bớt công việc. Có 2 hình thức hùn gồm: hùn tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Có trường hợp hùn rồi mới hạp; nhưng cũng có những trường hợp hạp rồi mới hùn. Tuy vậy, việc hợp tác đôi khi không tránh khỏi những mâu thuẫn, tranh chấp, thậm chí nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.

Tình trạng hùn mà không hạp không chỉ xảy ra ở các công ty quy mô nhỏ hay startup mà còn diễn ra ở các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Để hạn chế các rủi ro từ việc hùn mà không hạp, ngày 25/8 vừa qua, Hội Nữ Doanh nhân TP.HCM (HAWEE) đã tổ chức buổi tọa đàm, chia sẻ xoay quanh chủ đề này. Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ của chuỗi chương trình HAWEE Connect do bà Võ Thị Ngọc Hường, Chủ tịch Saigon Co.op điều phối với sự tham dự của 2 diễn giả, gồm: Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như và trọng tài viên Kiều Anh Vũ, chuyên đảm nhận vị trí trọng tài viên, hòa giải viên tại MCAC, STAC, AIAC…

Từ kinh nghiệm làm trọng tài viên, hòa giải viên của hơn 100 vụ, theo ông Kiều Anh Vũ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hùn mà không hạp. Có thể do thay đổi người điều hành, mục tiêu kinh doanh thay đổi so với dự định ban đầu… Nhưng, yếu tố cốt lõi chính là mâu thuẫn vì lợi ích. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự rõ ràng, minh bạch về tài chính cũng như sự trao đổi thông tin thường xuyên để thấu hiểu nhau.

Theo luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, để hạn chế việc hùn mà không hạp, trước khi bắt đầu, các bên cần xác định rõ ưu và nhược điểm của việc hùn. Nếu là hạp rồi mới hùn thì cái hạp đó dựa trên những yếu tố nào? Hạp trong làm ăn kinh doanh dựa trên tiêu chí hùn, mục tiêu kinh doanh… chứ không phải hạp vì sở thích hay tính cách. 

Bên cạnh đó, cần phân chia cụ thể công việc, quyền quyết định, quyền điều hành và lợi ích rõ ràng cho cả 2 bên. Ai có thế mạnh nào thì nên phụ trách mảng đó. Khi doanh nghiệp gặp vấn đề rủi ro, ai sẽ là người chịu trách nhiệm… Tất cả các điều khoản cần thể hiện rõ bằng hợp đồng.

Theo cả 2 diễn giả, không có bất kỳ công thức nào để đảm bảo việc hùn hạp diễn ra thuận lợi, suôn sẻ hoàn toàn. Do đó, nếu chẳng may rơi vào tình trạng hùn mà không hạp, doanh nghiệp cần bình tĩnh trao đổi để đạt được thỏa thuận hợp tình, hợp lý.