Nguyễn Việt Dũng Thứ Bảy | 09/03/2024 16:07

Học gì từ người Thái?

Về câu chuyện phát triển kinh tế gắn liền với đào tạo con người, Thái Lan có rất nhiều bài học đáng để tham khảo.

Khi nhận được lời chúc mừng về một cột mốc quan trọng về doanh thu, ông Đinh Bảo Anh, người có 17 năm gắn bó cùng SCG (một trong những tập đoàn lớn nhất của Thái Lan), nói: “Học từ người Thái nhiều lắm đấy!”.

Chuyện học ở SCG

SCG là doanh nghiệp niêm yết lớn thứ 2 Thái Lan và đứng thứ 620 trong danh sách Forbes 2000 (báo cáo năm 2011) và được xem là xương sống của chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại đất nước này. Thành lập năm 1913 theo sắc lệnh của Quốc vương Rama VI và là đơn vị thi công nhà máy xi-măng đầu tiên tại Thái Lan, SCG đã vươn mình trở thành tập đoàn đa ngành đa quốc gia bền vững.

Câu chuyện quốc tế hóa (về mặt kinh doanh) của SCG thật sự tăng tốc trong 10 năm gần đây, chủ yếu qua những cuộc mua bán - sáp nhập khôn ngoan: tại thời điểm tháng 6/2015, tổng tài sản của SCG tại Đông Nam Á (ngoài Thái Lan) là 2,841 tỉ USD (chiếm 19% tổng tài sản của Tập đoàn). Chỉ 8 năm sau, con số này tăng hơn 4 lần, đạt 11,7 tỉ USD (chiếm 46% tổng tài sản, số liệu năm 2023), trong đó riêng tại Việt Nam đã hơn 5 tỉ USD (số liệu năm 2021) với nhiều tên tuổi như Nhựa Duy Tân, nhà máy hóa dầu Long Sơn, Nhựa Bình Minh... và doanh thu mỗi quý vượt mốc nửa tỉ USD.

“Mang dáng dấp của những chaebol nhưng con đường phát triển của các tập đoàn hàng đầu Thái Lan mang đậm tính cách dân tộc: chậm rãi, bền vững và có phần kín tiếng. Hình mẫu và tiêu chuẩn mà người Thái học hỏi là người Nhật”, ông Bảo Anh cho biết. Điều này có thể thấy rõ trong việc hài hòa giữa nguồn lực và nhu cầu nội địa và quốc tế, đậm nét nhất trong chiến lược hoạch định và phát triển nhân sự.

Sau Đại học Bách Khoa TP.HCM, hầu hết những trải nghiệm học tập quan trọng của ông Bảo Anh đều liên quan tới SCG: bằng MBA tại Học viện Kỹ thuật châu Á (AIT - Thái Lan) và bằng Executive Education tại The Wharton School (Mỹ) danh giá. Nhìn vào thời điểm thụ hưởng chương trình này (giai đoạn đầu những năm 2000), không quá lời khi nói là “chỉ có thể thành hiện thực nhờ SCG” vì chi phí vượt quá xa khả năng chi trả cá nhân thời đó.

Theo thông tin từ nhiều nguồn, chiến lược phát triển nhân lực nòng cốt gắn liền với những đơn vị nghiên cứu hàng đầu đã được SCG triển khai nền móng từ năm 1973, rồi mở rộng trong đầu thập niên 1990. Với các đối tác đào tạo đồng hành, uy tín là điều kiện tiên quyết nhưng sự phù hợp và đồng hành mới là yếu tố quan trọng nhất.

SCG
SCG là doanh nghiệp niêm yết lớn thứ 2 tại Thái Lan. Ảnh: Nikkei Asia

Theo website công bố, đến nay, SCG đã tài trợ đào tạo cho gần 300 lãnh đạo cấp cao tại nhiều trường hàng đầu thế giới, trong đó, có thể kể thêm: INSEAD (Pháp), London Business School (Anh), IMD (Thụy Sĩ), UniPenn, Harvard, Stanford, Wharton, Columbia, Chicago và Northwestern (Mỹ). Nội dung và cách thức triển khai chương trình cũng được “đo ni đóng giày” và điều hướng cụ thể: Đơn cử, các nhân sự tại SCG sẽ được tham gia lộ trình đầo tạo gồm các khóa học #ABC dành cho cấp nhân viên và #BCD dành cho cấp quản lý. Ngoài ra, những nhân sự tiêu biểu có nhu cầu phát triển bản thân toàn diện sẽ đạt được những suất học bổng MBA, được SCG tài trợ 100% kinh phí khi tham gia đào tạo tại Việt Nam và Thái Lan.

Ngay sau quá trình học tập trung là một loạt thử thách đa văn hóa, đa chuyên môn để nhân sự ứng dụng và thẩm thấu những điều đã học được. Không chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện học tập, Tập đoàn còn có nhiều cam kết quan trọng: xem chi phí đào tạo nhân sự cũng như chi phí của sai sót đến từ việc tin tưởng và bổ nhiệm nhân sự mới như một chi phí vận hành kinh doanh thường nhật và nền tảng, chứ không phải là “khi có lời thì mới có ngân sách đi học”.

Học bằng cách hợp tác

Để học hiệu quả từ người Thái, cần có cái nhìn chính xác và công bằng với các doanh nghiệp Thái Lan. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sản phẩm sang nước ngoài (làm thương mại) chứ chưa có sự hiện diện về sản xuất và vận hành tại các quốc gia khác, một dấu mốc quan trọng để trở thành một tập đoàn đa quốc gia ở cấp độ khu vực.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Thái như SCG, CP, Central Group hay ThaiBev đã thật sự là các tập đoàn đa quốc gia khi có tài sản và cơ sở vật chất tại nhiều nước với lực lượng lao động lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn người đa quốc tịch. Điều này chứng tỏ mức độ thâm nhập và kết nối sâu của các tập đoàn này với thị trường quốc tế, qua đó cũng tạo điều kiện để họ tận dụng ưu điểm tại từng quốc gia cũng như thu hút và đào luyện nhân tài đa dạng.

 

Một lối tắt khôn ngoan để học hỏi là hợp tác và liên doanh với họ theo cách chủ động, bền vững và tử tế. Đối tượng nhắm đến không hẳn là những tập đoàn dẫn đầu như SCG, CP, Central vì họ sẽ ưu tiên nắm quyền chi phối, hãy tìm kiếm những doanh nghiệp nhóm sau đang tìm kiếm thêm vị thế quốc tế. Xét về văn hóa sinh hoạt và làm việc, Việt Nam và Thái Lan có nhiều điểm tương đồng về địa lý và văn hóa so với các thị trường lớn khác, chưa kể giao điểm mang tên Nhật (dù câu chuyện “học hỏi có chọn lọc” và giữ được uy tín trong hợp tác với Nhật thì Việt Nam cần học hỏi nhiều từ Thái Lan).

Nền tảng về tư duy kinh doanh lẫn đạo đức kinh doanh được tiếp thu, thực hành và chứng nhận qua các tiêu chuẩn quốc tế (học tập và kiểm định) là rất quan trọng để hợp tác thành công. Không gói gọn ở doanh nghiệp mà bài học đồng hành tạo hệ sinh thái (giữa kinh doanh và nghiên cứu đào tạo như SCG với AIT và Sasin School of Management) với mục tiêu cùng thắng cũng rất hữu ích cho nhóm đào tạo và cả quốc gia. Chỉ riêng sự trao đổi chủ động về dữ liệu và bài học kinh doanh để tăng tính thực tiễn và hiệu quả cho đầu ra đào tạo đại học và nghề nghiệp của Thái Lan đã là “mong ước sớm thành hiện thực tại Việt Nam”, ông Bảo Anh chia sẻ.

(*): Sáng lập WeCreate, Giảng viên thỉnh giảng, Đại học Kinh tế Quốc Dân (Hà Nội)