Giải mã bí quyết kích thích tư duy phát triển ở nhân viên
Công thức thay đổi văn hóa doanh nghiệp
Để nhân viên hoàn thành tốt công việc, cần có cả động lực (họ có thật sự muốn làm điều đó) và năng lực (họ có thể làm điều đó). Trong khi năng lực có thể tăng được thông qua huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm, các công cụ hỗ trợ... thì việc tăng động lực của cá nhân lại khó khăn hơn rất nhiều. Nhiều nhà lãnh đạo đành tiếc nuối “chào thua” những nhân tài IQ cao, bằng cấp tốt chì vì... thái độ của họ. Làm thế nào để nhân viên có thể chủ động tích cực không ngừng học hỏi và vươn lên, dũng cảm đứng dậy từ thất bại, sẵn lòng làm thêm việc, thêm giờ để đạt kết quả tốt hơn? Chúng tôi dùng thuật ngữ “tư duy phát triển” (growth mindset) để nói về tâm thế này.
Không những cần tạo ra tư duy phát triển cho cá nhân, mà cần nuôi dưỡng tư duy đó cho tất cả thành viên trong đội nhóm và tổ chức. Các tập đoàn lớn như Microsoft, P&G, Boeing... đã thành công trong việc đưa khoa học thần kinh vào lãnh đạo để khơi nguồn cho tư duy phát triển, tìm ra công thức để thay đổi văn hóa với quy mô lớn.
Mọi người bàn nhiều về Growth Mindset thời gian gần đây, các lãnh đạo cấp cao dù đã học nhiều chương trình vẫn sẵn lòng dành thời gian để học hỏi nghiên cứu thêm về nó. Thực tế, tư duy là một hệ thống suy nghĩ và niềm tin, định hướng cho cách chúng ta hiểu mình và thế giới.
Tư duy tác động lên cách chúng ta nghĩ, hành động và vì thế quyết định kết quả công việc của chúng ta. Nếu có tư duy phát triển, chúng ta tin rằng chúng ta sinh ra là để học, chúng ta có thể thay đổi, nỗ lực sẽ quyết định thành công, đặt mục tiêu cao là tốt và thành công của người khác là cơ hội cho mình học hỏi.
Có tư duy phát triển, chúng ta sẽ chủ động xin góp ý và đánh giá của người khác; có thể hồi phục sau thất bại, ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, luôn xung phong nhận nhiệm vụ và sẵn lòng thử những cái mới.
Chìa khóa giải mã
Thách thức ở đây là lãnh đạo doanh nghiệp thường nghĩ tư duy phát triển này quá tuyệt vời nhưng chỉ có ở đâu đó Top 10% nhân viên mà thôi. Vậy xây dựng văn hóa doanh nghiệp có tư duy phát triển có khả thi không, nếu 90% nhân viên chưa có nó? Rất may là chúng ta có chìa khóa giải mã vấn đề này.
Chúng tôi vừa hợp tác với tổ chức NeuroLeadership thực hiện chương trình “Lãnh đạo hiệu quả dựa trên khoa học thần kinh” để các lãnh đạo cao cấp của các doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận các mô hình được các công ty Fortune 100 của Mỹ sử dụng và thành công trong việc phát triển lãnh đạo và thay đổi văn hóa với quy mô lớn. Họ có nhiều mô hình hiệu quả giúp khơi nguồn cho tư duy phát triển trong các tổ chức dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học và thực nghiệm trong hơn một thập kỷ qua.
Một trong những mô hình đó là SCARF. Mô hình này của NeuroLeadership giúp đánh giá sự khác biệt về nhu cầu/động cơ xã hội của não bộ của mỗi người, theo 5 yếu tố chính: địa vị (status), cảm giác rõ ràng chắc chắn (certainty), tính tự chủ (autonomy), sự kết nối với mọi người (relatedness) và tính công bằng (fairness). Một cách vô thức hoặc có ý thức, mỗi người có một nhu cầu tương tác xã hội khác nhau.
Các cuộc hội thoại và hành vi hằng ngày của bạn với tư cách là nhà lãnh đạo có tác động động viên hay làm cụt hứng nhân viên của mình. Mô hình này không những giúp bạn tìm hiểu nhu cầu tương tác xã hội của mỗi thành viên, mà còn giúp bạn gia tăng hiệu suất làm việc và giúp hình thành tư duy phát triển của cá nhân và nhóm. Quan trọng hơn cả, nó giúp bạn cài đặt tư duy phát triển thành công cho chính bản thân bạn.
Trao đổi về mô hình SCARF với lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam. |
Mỗi hành vi, hoặc cuộc hội thoại hằng ngày, dù là đơn giản nhất, cũng tác động đến não bộ của chúng ta, theo 2 hướng: hoặc là khuyến khích tưởng thưởng hoặc là nguy cơ đe dọa. Với bản năng tăng cường bảo vệ cho cơ thể chúng ta, não thường có khuynh hướng chú trọng và nhấn mạnh nhiều hơn cho đe dọa, thậm chí những tín hiệu trung tính cũng bị não “phiên dịch” thành nguy cơ tiềm ẩn.
Khi ở trạng thái đe dọa, chúng ta sẽ không thể kích hoạt tư duy phát triển. Vì thế các lãnh đạo cần hiểu 5 nhu cầu này của nhân viên để có cách giao tiếp tốt hơn với mọi người, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội của mình và mọi người, gửi tín hiệu khuyến khích tưởng thưởng hằng ngày để xây dựng văn hóa tư duy phát triển.
Tóm lại, trong tất cả các tình huống, nếu lãnh đạo gửi tín hiệu khuyến khích tưởng thưởng SCARF, họ đang nhanh chóng xây dựng văn hóa tư duy phát triển, giúp nhân viên cảm thấy được đánh giá cao, thêm gắn kết, thêm nỗ lực bản thân dám xung phong nhận nhiệm vụ, cảm thấy an toàn khi thử những điều mới... để trở thành phiên bản tốt hơn của chính họ, và từ đó cải thiện hiệu quả toàn tổ chức. Nếu không phải là tín hiệu khuyến khích, não bộ sẽ “cảnh giác” “gắn mác” đe dọa, và tác động trên 5 yếu tố SCARF này hoàn toàn ngược lại.
Hãy thận trọng để ý những gì bạn nói và bạn làm mỗi ngày, dù là nhỏ, vì nó không hề đơn giản mà có tác động xây dựng một lối tư duy. Bạn chọn tư duy nào cho doanh nghiệp của mình?
(*): cựu Tổng Giám đốc Mekong Capital, chuyên gia phát triển lãnh đạo và xây dựng văn hóa doanh nghiệp