Viết Nguyên Thứ Tư | 16/11/2022 14:00

Ghìm cương Gen Z

Những người không hiểu nổi Gen Z ít nhiều cảm thấy lo lắng khi biết rằng 3 năm nữa, Gen Z sẽ chiếm 30% lực lượng lao động Việt Nam.

“Gen Z là thế hệ nổi loạn”, “Một thế hệ không giống ai”... Những cụm từ này không chỉ được thốt lên đầy cảm thán từ những người có tuổi mà còn xuất hiện trong nhiều báo cáo của phòng nhân sự nhiều công ty.

Thế hệ nhiều xung đột 
”Sao phải trung thành với công ty đó chi vậy?”, một người bạn đã thắc mắc khi biết Trần Minh Thành (22 tuổi) muốn gắn bó với nơi làm của mình 2 năm. Bởi trong quan niệm của đa số Gen Z (những người sinh ra trong giai đoạn 1997-2012, theo định nghĩa của Pew Research Center), tuổi trẻ là phải nhảy việc.

 

Theo khảo sát từ Anphabe, 62% Gen Z nhảy việc ngay trong năm đầu tiên. Cá biệt, có người còn nhảy 2-3 việc trong 1 năm. Lý do được các bạn trẻ Gen Z đưa ra rất nhiều nhưng “cả thèm chóng chán và ghét sự gò bó, ràng buộc” là tâm lý thường thấy, theo nghiên cứu từ Anne Loehr. 

Bên cạnh đó, Gen Z đặt ra những tiêu chuẩn cao về môi trường làm việc. Chẳng hạn, một nghiên cứu từ TopCV Việt Nam cho thấy Gen Z mong muốn tìm một công việc giúp bản thân phát triển, có lương thưởng tương xứng năng lực, sớm thăng tiến, chính sách quy trình công ty minh bạch rõ ràng, văn hóa công ty phù hợp, thời gian làm việc linh hoạt, giúp mở rộng mối quan hệ, tạo trải nghiệm thú vị, đa dạng, giúp cân bằng công việc - cuộc sống... 

Vì thế, khi không được như kỳ vọng, Gen Z với nhiều cơ hội việc làm hơn (từ sáng tạo nội dung số, giới thiệu món ăn/điểm du lịch...) cũng như chưa gặp áp lực tài chính, gia đình đã ra quyết định nhanh và không ngần ngại nhảy việc.

Theo Anphabe, Gen Z đang đánh giá bản thân cao hơn mức đánh giá từ các doanh nghiệp. Gen Z cũng là thế hệ bị than phiền với “cái tôi cao quá”. Nguyễn Thu Hiền, nhân viên marketing một công ty sự kiện ở TP.HCM, đã cảm thấy choáng với cách cư xử “tự tin thái quá” của một nhân viên mới thuộc Gen Z. Dù chưa từng học hay bước chân vào ngành sự kiện nhưng anh chàng 23 tuổi này lại thường phản bác ý kiến của người có kinh nghiệm hơn để giành phần thắng, thậm chí cãi tay đôi với sếp. Kết quả, không đồng nghiệp nào muốn hợp tác và anh chàng đã rời công ty sau vài tháng làm việc.

Ông Nguyễn Đức, CEO của một công ty phân phối máy móc nhập khẩu tại TP.HCM, chia sẻ: “Thường bực mình vì Gen Z làm việc hời hợt, thiếu mục tiêu lý tưởng khi làm và dường như điều gì vất vả hơn, cần công sức hơn là Gen Z lại so đo”. Trong một chuyến đi khảo sát ở tỉnh xa, trong khi vị sếp đội nắng đội gió đi xem xét các nơi thì anh chàng nhân viên mới thuộc Gen Z tìm chỗ mát ngồi tránh nắng, miệng không ngừng than vãn. Sau lần đó, ông sa thải người nhân viên này. Ông cũng tuyển thêm vài Gen Z nhưng thái độ làm việc của họ đều làm ông chán nản. Cuối cùng, ông mới tuyển được vài nhân viên Gen Z đời đầu và ở tỉnh vì họ chịu khó học hỏi hơn.

Hòa bình với Gen Z

Ông Hiếu Trần, sáng lập & CEO của TopCV Việt Nam, cho rằng, khi nhìn về Gen Z, cần chia nhỏ thêm Gen Z ở các giai đoạn 1995-1997, 1998-2000, 2001-2003... Mỗi giai đoạn sẽ có những đặc điểm riêng. Gen Z đời đầu giờ đã ở tuổi 27-28 và đi làm được một thời gian, có kinh nghiệm, có trải nghiệm nên hiểu chuyện hơn. Đây là thế hệ đang đóng góp tích cực cho sự phát triển ở nhiều doanh nghiệp.

 

Còn với nhân sự mới ra trường gần đây, ông Hiếu nhìn nhận, nhiều người trong số này chưa trưởng thành. Dù vậy, đây là đặc tính của tuổi trẻ, còn nông nổi nên dễ tạo bất đồng, xung đột với các thế hệ trước. Cũng cần đề cập những khác biệt có tính thế hệ, khi Gen Z sinh ra lớn lên trong môi trường internet phổ biến, sớm tiếp cận nhiều thông tin, tư tưởng. Vì thế, Gen Z nhìn nhận vấn đề theo chiều rộng là chính và phản ứng với cuộc sống rất khác với các thế hệ đi trước.

Gen Z gia nhập thị trường lao động giữa lúc dịch bệnh bùng phát và dư âm còn đến hiện tại. Chưa kể các biến động về địa chính trị và suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ. Trong một thị trường như thế, theo ông Hiếu Trần, nhân sự biến động là tự nhiên. Trong 2 năm qua, không riêng Gen Z mà các thế hệ khác cũng thay đổi công việc lẫn tính chất công việc.

Một khảo sát của Anphabe chỉ ra, 80% người được hỏi cho biết, họ chấp nhận giảm thu nhập để được làm việc kết hợp ở nhà (hybrSd working). Số người gắn bó lâu năm với công ty ở mức thấp kỷ lục từ trước đến nay, chỉ còn 46%, theo Anphabe. Riêng ở Mỹ, người ta nghỉ việc hàng loạt vì nhận ra, cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn việc dành 8 tiếng tại văn phòng (theo Financial Review 2022).

Càng phân tích sâu hơn và có sự cảm thông, ông Hiếu Trần nhận thấy ở Gen Z cũng có nhiều ưu điểm. Chẳng hạn, việc tiếp nhận nhiều thông tin, tư tưởng giúp Gen Z sớm nhận thức về bản thân hơn và mạnh dạn bày tỏ. Sự cởi mở này thường đem đến cho các doanh nghiệp những làn gió mới, là nhân  tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thay đổi trong doanh nghiệp.

Vì thế, dù xác nhận Gen Z thiếu ổn định và tuyển dụng Gen Z có nhiều rủi ro nhưng Nhung Nguyễn, Founder & CEO của Cready Creative, vẫn thích làm việc với Gen Z. “Ở Gen Z có sự hồn nhiên, tự tin và thẳng thắn, chân thật. Họ cũng rất sáng tạo. Cready Creative cần đội ngũ thích phá cách, làm khác và không e dè như thế. Hiện tại, gần như 100% nhân sự ở Cready Creative là Gen Z”, chị cho biết.

Vấn đề quan trọng cho các doanh nghiệp là làm sao khai thác thế mạnh của Gen Z và thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ nhân viên trong công ty? “Quan trọng là phải hiểu Gen Z và có cách tiếp cận kết nối phù hợp”, ông  Hiếu Trần nói.

Để kết nối Gen Z với các thế hệ khác, cách của TopCV là giao việc, giao quyền dựa trên đặc điểm thế hệ, tính cách và mong muốn của Gen Z. TopCV cũng cho phép Gen Z tự do tìm phương thức thực hiện công việc. Còn Gen Y, Gen X, với kinh nghiệm lâu năm cùng sự trưởng thành trong nhận thức có thể đảm trách vài trò mentor (hướng dẫn, tư vấn), truyền cảm hứng.

Ngoài ra, theo ông Hiếu Trần, các công ty cần nắm các xu hướng giao tiếp của Gen Z để có cách đào tạo, truyền đạt thông tin hiệu quả. Muốn thế, theo bà Lưu Thanh Huyền, Giám đốc Phát triển năng lực và tổ chức của L’Oreal Việt Nam, lãnh đạo công ty phải tự trẻ hóa mình. Còn theo Deloitte Việt Nam, các doanh nghiệp cần sớm xây dựng không gian làm việc số (digital workplace).

Trên hết, để giữ chân người tài, không riêng gì Gen Z mà nhân sự thế hệ nào cũng cần môi trường tạo trải nghiệm hạnh phúc. “Đó là sự ghi nhận đóng góp của nhân viên, tạo mục đích, động lực, tổ chức các hoạt động cộng đồng, vui chơi cùng nhau, giúp nhân viên có những giây phút cân bằng, sống đời ý nghĩa”, ông Hiếu Trần chia sẻ.