Hội thảo thu hút gần 200 khách tham dự là những lãnh đạo doanh nghiệp và quản lý nhân sự tại các doanh nghiệp Đà Nẵng và miền Trung.

 
Lam Nhi Thứ Tư | 15/03/2023 10:54

Doanh nghiệp Đà Nẵng gặp khó trong việc thu hút và giữ chân nhân tài

Theo một khảo sát nhanh của Talentnet Corporation trên 120 doanh nghiệp Đà Nẵng, một nửa cho rằng có 2 thách thức lớn nhất họ đang đối mặt.

Ngày 14/3 vừa qua, tại hội thảo “Nguồn Nhân Lực Đà Nẵng – Bức Tranh Mới Cho Chiến Lược Mới” do Talentnet Corporation và AmCham Đà Nẵng tổ chức, các nhà quản trị nhân sự và quản trị doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã có dịp chia sẻ, thảo luận về những thách thức nguồn nhân lực mà Đà Nẵng đang đối mặt.

Đây là hội thảo tiên phong về quản trị nguồn nhân lực tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung, nơi các lãnh đạo doanh nghiệp và quản lý nhân sự nhìn lại tình hình kinh tế xã hội năm 2022, cập nhật các xu hướng quản trị nhân sự tại Việt Nam và khu vực, từ đó “vẽ” nên bức tranh mới cho chiến lược nhân sự của doanh nghiệp tại Đà Nẵng.

Theo một khảo sát nhanh của Talentnet Corporation trên 120 doanh nghiệp Đà Nẵng, một nửa cho rằng 02 thách thức lớn nhất họ đang đối mặt là thiếu hụt nhân tài (50%) và giữ chân nhân tài (48%), nhất là ở nhóm chuyên gia và trưởng phòng.

Tại hội thảo, ông Lê Hoàng Phúc, Phó Giám đốc, Ban xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho biết: “Vị trí địa chính trị tốt, là cửa ngõ hành lang kinh tế Đông - Tây, cùng sự đồng thuận của các cấp chính quyền và khí chất dám nghĩ dám làm của người miền Trung chính là những yếu tố cạnh tranh của thị trường lao động Đà Nẵng với những thị trường sôi động khác như TP.HCM hay Hà Nội”.

Ông Chris Vanloon – Chủ tịch AmCham Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo

Ông Chris Vanloon, Chủ tịch AmCham Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo.

Theo nhận định ông Chris Vanloon, Chủ tịch AmCham Đà Nẵng, xu hướng nhân khẩu học của Đà Nẵng đang khá tích cực, thu hút được nguồn lao động trẻ. Đây là cơ hội cho Đà Nẵng phát triển. Tuy nhiên, thành phố cần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng tốt, bởi nhiều doanh nghiệp FDI phải tổ chức tái đào tạo cho người lao động mới có thể đáp ứng được công việc chuyên nghiệp.

Khảo sát nhanh của Talentnet trên 120 doanh nghiệp tại Đà Nẵng, chủ yếu thuộc ngành Công nghệ cao, Sản xuất và Dịch vụ cho thấy Chuyên gia kỹ thuật và Chuyên viên kinh doanh là 2 vị trí mà doanh nghiệp Đà Nẵng gặp thách thức nhất trong việc chiêu mộ nhân tài, chiếm 41% và 38%. Đây là xu hướng dễ thấy khi thế mạnh của Đà Nẵng là những nhóm ngành công nghệ cao và hoạt động phát triển du lịch. 

Khảo sát cũng cho thấy, gần 80% đều đồng ý "môi trường làm việc" và "khả năng lãnh đạo" là 2 lợi thế cạnh tranh quan trọng trong cuộc đua nhân tài của các doanh nghiệp Đà Nẵng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Đà Nẵng đang chú trọng áp dụng công nghệ trong quản trị nhân sự (51%) và xây dựng thương hiệu tuyển dụng (51%) để sẵn sàng cho tương lai.

Bà Tiêu Yến Trinh – CEO Talentnet chia sẻ tại sự kiện
Bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet chia sẻ tại sự kiện.

Bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet cho rằng 3 xu hướng nhân sự trọng tâm trong năm nay sẽ là ứng dụng công nghệ vào quản trị; chính sách làm việc linh hoạt và sự gắn kết nhân viên thông qua văn hóa doanh nghiệp. “Việc xây dựng một chiến lược nguồn nhân lực dựa trên công nghệ - sự linh hoạt - văn hóa sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng thu hút và giữ chân nhân tài. Đã đến lúc doanh nghiệp Đà Nẵng cần quy chiếu chính sách nhân lực của mình với các thị trường phát triển để từ đó có thể “tăng tốc” thay đổi, tái định vị chiến lược nhân sự của mình, tái xây dựng một văn hóa doanh nghiệp bền vững, thấu cảm, tạo được giá trị cho người lao động, cho tổ chức và xã hội”, CEO Talentnet cho biết.