Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Đồng sáng lập kiêm Tổng Giám Đốc Lãnh đạo và Văn hóa Công ty Newing. Ảnh: Tuyển Phan.

 
Kim Anh Thứ Năm | 21/09/2023 11:26

Điều gì tạo nên sự hạnh phúc của nhân viên?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người của chúng ta luôn có thể tự tạo động lực cho mình và tự hạnh phúc.

Kể từ sau Mở cửa và Đổi mới, doanh nghiệp Việt Nam đã có hơn 20 năm tăng trưởng theo nhiều nấc thang khác nhau. Sau giai đoạn theo đuổi tăng trưởng nóng, nền kinh tế cũng như doanh nghiệp đang hướng tới các mô hình tăng trưởng bền vững hơn. Bởi vì, nghịch lý: càng dư thừa hàng hóa, vật chất dường như lại càng khiến con người khó hạnh phúc hơn, xã hội nhiều bất ổn hơn... Và lúc này, những khái niệm “quốc gia hạnh phúc”, “doanh nghiệp hạnh phúc”… được nhắc đến nhiều hơn.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Hạnh phúc đo lường tăng trưởng” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức ngày 16/9, các chuyên gia đã có những chia sẻ xoay quanh chủ đề hạnh phúc trong môi trường làm việc. 

Bà Nguyễn Thị Minh Giang, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Lãnh đạo và Văn hóa Công ty Newing trích dẫn nghiên cứu của Harvard cho thấy, điều làm những người đi làm cảm thấy hạnh phúc là những mối quan hệ chất lượng. Hạnh phúc bắt đầu từ việc chúng ta có được những mối quan hệ chất lượng giữa người với người với nhau. Đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp, sự hạnh phúc là khi chúng ta có mối quan hệ chất lượng với sếp, với đồng nghiệp, và ở một công ty mà chúng ta thấy rằng mình có được sự tin tưởng, sự an toàn và sự kết nối.

 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người của chúng ta luôn có thể tự tạo động lực cho mình và tự hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc trong môi trường làm việc sẽ đến từ 2 yếu tố, bao gồm bên trong và bên ngoài. Đầu tiên là lương thưởng, thăng tiến hay được công nhận, đó là những trải nghiệm hạnh phúc, những động lực đến từ bên ngoài. Thứ 2 là nguồn động lực đến từ bên trong, từ trải nghiệm của mỗi chúng ta trong môi trường làm việc. 

Xét về các loại trải nghiệm, đầu tiên là trải nghiệm tự chủ. “Các anh chị nhận được lương cao nhưng anh chị đi làm mỗi ngày mà không có được trải nghiệm tin cậy. Một con ốc vít cũng phải trình lên sếp và không dám ra những quyết định, thì bản thân chúng ta đã không có được trải nghiệm tự chủ”, bà Giang chia sẻ. 

Thứ 2, nếu như mình đi làm ở công ty đó cho dù lương thưởng rất cao nhưng nếu như chúng ta không có kết nối đội nhóm của mình, mình thấy rằng bản thân đi làm công việc này mà giống như không tạo ra tác động theo giá trị gì đó lớn hơn thì bản thân chúng ta cũng đang mất đi động lực của hạnh phúc. 

 

Và thứ 3, đó là trải nghiệm về sự tiến bộ mà hiện nay các doanh nghiệp đang rất tập chung. Tại sao người ta phải xây dựng văn hóa thích nghi và thích ứng. Đó chính là trải nghiệm về sự tiến bộ, tiến triển. Nếu mỗi ngày đến công ty, chúng ta chỉ làm đi làm lại những công việc mà không có thêm điều mới hoặc thử thách, thì bản thân chúng ta đang mất đi động lực để hạnh phúc. 

Bà Giang cho biết mình đang có cơ hội làm việc với các công ty SME và công ty startup và bà hay nói đùa rằng nếu như động lực bên ngoài của các bạn đang rất ít giống như là tiền mặt ít, thì phải cố gắng đẩy những động lực từ bên trong lên. Chứ không thể để doanh nghiệp của bạn chưa có những động lực từ bên ngoài như lương thưởng bởi nền kinh tế khó khăn, mà còn để nhân viên rơi vào trạng thái stress hay căng thẳng được. Và theo những nghiên cứu, khi bộ não của chúng ta bị stress, bị đe dọa thì nó lập tức trở nên kém thông minh và kém hiệu suất hơn. 

Theo bà Giang, nhiều người cứ nghĩ rằng để hạnh phúc thì phải cần có động lực là tiền. Nhưng nếu chúng ta làm tốt 3 loại trải nghiệm trên thì cũng có thể tạo được trải nghiệm hạnh phúc mỗi ngày khi đi làm rồi. Đương nhiên là chúng ta vẫn cần cả 2, cần sự cân bằng giữa động lực bên trong và bên ngoài.

Có thể bạn quan tâm 

Lễ Vinh danh “Top 50 Công ty Kinh doanh Hiệu quả nhất Việt Nam 2023”