Coach Lương Ngọc Tiên và Tư duy kiến tạo hạnh phúc
Đối với Lương Ngọc Tiên, dấn bước vào lĩnh vực thiền ứng dụng và sáng lập One Life Connection là cách chị đã vượt qua khủng hoảng, tìm thấy mục đích cuộc đời và theo đuổi lý tưởng của mình. Hành trình ấy sẽ còn tiếp tục để Lương Ngọc Tiên trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày và góp phần giúp các cá nhân, tổ chức tìm ra ý nghĩa cũng như con đường hạnh phúc cho riêng mình.
Nhịp Cầu Đầu Tư đã có cuộc trao đổi với chị Lương Ngọc Tiên, người đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận là Giảng viên Search Inside Yourself (Tìm trong chính mình hay Lãnh đạo tỉnh thức), một chương trình nổi tiếng toàn cầu xuất phát từ Tập đoàn Google.
Chị tốt nghiệp Thạc sĩ kinh doanh và đã có 10 năm làm việc cho các Tập đoàn tại Trung Quốc, Hà Lan, Việt Nam. Cơ duyên nào khiến chị rẽ hướng ngoạn mục như vậy?
Background của tôi đúng là về kinh doanh. Tuy nhiên thời điểm 2010-2011 khi mới về nước, tôi liên tục gặp khó khăn về công việc, định hướng, rồi khủng hoảng tuổi 30. Cuộc đời trở nên quá trúc trắc so với tất cả những gì tôi biết trước đó. Tôi phải tìm cách thoát ra tình trạng đó của mình.
Tôi bắt đầu thực hành thiền vào khoảng thời gian đó, chỉ với một ý định là được ngồi yên để hiểu rõ mình. Thực hành đến năm thứ 3 thứ 4 trở đi, tôi bắt đầu có được sự kết nối với mình bên trong, nhưng bên ngoài thì vẫn chưa thoát ra khỏi câu hỏi sẽ làm gì với cuộc đời mình. Phải đến năm 2015-2016, trong một chuyến đi Bhutan tham gia khoá học với GS.TS Hà Vĩnh Thọ - tác giả quyển sách “Hạnh phúc là con đường”, tôi mới biết rõ mình nên làm gì để có thể sống đúng với con người và sứ mệnh của mình.
Thầy Hà Vĩnh Thọ đã giúp tôi hiểu rằng, hạnh phúc đích thực mới là chân giá trị sau cùng. Những cái ta dành thời gian và công sức để đi tìm như thành công, tình yêu, danh vọng… thực ra cuối cùng cũng là để được hạnh phúc.
Hạnh phúc cần phải được hiểu và hành thế nào mới đúng?
Hạnh phúc không phải là sự ích kỷ cho riêng mình. Mỗi người không thể thực sự hạnh phúc khi những người xung quanh còn chịu nhiều đau khổ. Hạnh phúc là tổng hòa giữa chăm sóc bản thân và chăm sóc, kết nối với người khác. Khi mình muốn đi con đường hạnh phúc, mình không thể nào sống mà không đồng cảm, không chia sẻ, không hòa hợp với người khác.
Và chúng ta cũng cần ý thức bảo vệ, kết nối với thiên nhiên, với môi trường sống. Nếu thiên nhiên bị hủy hoại, môi trường bị ô nhiễm, đường xá chật chội, giao thông hỗn loạn… thì dù chúng ta giàu có kinh tế cũng không thể nào sống vui khỏe, hạnh phúc được.
Khi nhìn cuộc sống trong sự tương hỗ này, chúng ta sẽ thấy mình còn thiếu sót khi chưa dành tiền cho môi sinh. Không ai tính chi phí đó vào chi phí cuộc sống cả. Các doanh nghiệp đã bắt đầu có ý thức hơn khi quan tâm tới CSR (Trách nhiệm xã hội). Nhưng CSR hiện chỉ là một phần rất nhỏ trong các trách nhiệm của doanh nghiệp.
Chị đã giải quyết vấn đề này ra sao?
Tôi luôn muốn giải quyết vấn đề tận gốc cho mình. Mà như thế thì lại liên quan đến con người và hệ thống mà tôi không thể kiểm soát. Vậy nên tôi chọn cách bắt đầu từ mình. Tôi đã từng ngây thơ cho rằng, “ai đó” phải cho tôi các điều kiện tốt để sống và làm việc, ví dụ: tạo môi trường lý tưởng, công bằng, dân chủ, văn minh đến hỗ trợ nâng đỡ tôi phát triển... Nhưng thực ra không có “ai đó” nào như thế cả. Tôi muốn gì, tôi phải là người thay đổi và góp phần tạo ra thôi. Vậy nên tôi chọn sống như một nhà hoạt động xã hội, xem việc mình làm và việc cống hiến cho xã hội là cách để mình sống cuộc đời tốt đẹp theo cách tôi hiểu, tôi muốn.
Như khi tạo ra dự án “ Bạn ơi khỏe không?” trong thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi đã kết nối được 100 anh chị trong nhiều lĩnh vực (huấn luyện viên sức khỏe, khai vấn, tham vấn, yoga, thiền...). Dự án sau 4 tháng đã hỗ trợ cho hơn 12.000 người, livestream hơn 300 giờ Zoom để nâng dậy sức khoẻ tinh thần cộng đồng. Từ đây, nhiều người đã hiểu ra gốc rễ của stress là do nhận thức của mình và phản ứng của mình với stress. Họ cũng thấy giá trị của việc sống chậm lại, quan sát bản thân nhiều hơn, và lắng nghe người khác… Các tổ chức cũng nhận ra rằng nhân viên gắn bó với công ty vì họ cảm thấy công ty quan tâm đến sức khoẻ tinh thần của họ, và họ ngưỡng mộ lãnh đạo có sự chia sẻ, đồng cảm, và truyền sức mạnh niềm tin cho mình. Tôi thấy được ý nghĩa của việc một cá nhân, tổ chức nhỏ như tôi làm có thể tạo nên tác động cho xã hội như vậy.
Cách thức đào tạo của One Life Connection khác biệt gì so với những chương trình khác?
Tôi tin rằng mọi thay đổi trước hết phải từ cá nhân rồi mới đến tổ chức, phải từ nhận thức đến hành vi rồi mới tới kết quả. Vì thế trong các chương trình đào tạo, chúng tôi tập trung giúp cá nhân và tổ chức phương pháp hiệu quả để chuyển hoá tư duy và phát huy sức mạnh nội lực để có thể dẫn dắt thay đổi tạo tác động lâu dài.
Một số doanh nghiệp cần thấy ngay kết quả từ đào tạo thì sao?
Nếu lãnh đạo doanh nghiệp nóng vội, thiếu kiên nhẫn, chỉ quan tâm lợi ích trước mắt thì sẽ khó trụ vững trong thời đại VUCA - thời đại của biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ. Trong thời đại VUCA này, chính con người sẽ vượt qua nếu biết phát huy sức mạnh nội lực, các giá trị cốt lõi, nhận thức và thái độ đúng. Nhận thức đúng đó là sự kiên nhẫn, đồng cảm với những con người khác mình. Còn thái độ đúng trong kinh doanh là sản xuất để phục vụ, đem lại giá trị tốt đẹp hơn cho xã hội. Nhờ đó mà các tổ chức mới gắn kết thành hệ sinh thái, mới đồng bộ số hóa, kết nối bền vững với nhau để cùng phát triển. Muốn được như vậy thì họ phải có tầm nhìn để đào tạo con người theo hướng lâu dài như vậy.
Chị là nhà huấn luyện trong lĩnh vực thiền ứng dụng, mảng vẫn còn rất mới ở Việt Nam. Chị làm gì để các khách hàng chọn mình?
Tôi nghĩ khách hàng thường sẽ tiếp xúc và cảm nhận con người mình trước, xem mình có tỉnh thức thật không, có tinh thần và tố chất lãnh đạo, có sống đúng với điều mình nói, có truyền cảm hứng, có đáng tin cậy không? Còn lại thì tôi luôn chăm chỉ học hỏi và trải nghiệm để có những bằng cấp chất lượng quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn của mình (cười).
Mười năm qua dù không quảng cáo nhưng công ty tôi cũng xây dựng được tên tuổi với nhiều khách hàng, phần lớn là các công ty đa quốc gia hoặc tập đoàn lớn ở Việt Nam. Bản thân tôi cũng là một người hoạt động xã hội xông xáo nên thường tham gia tổ chức, điều phối các chương trình có uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp.
Tôi nghĩ trong lĩnh vực về con người, chắc chắn là cái tâm, cái tầm, và kinh nghiệm phải có thì mới có thể xây dựng được tên tuổi cũng như uy tín của mình.
Nếu có người muốn đi con đường như chị thì chị sẽ khuyên gì?
Đây là lĩnh vực cần có tố chất để phát triển theo chiều sâu và sự kiên nhẫn để có thể đeo đuổi đến cùng. 5 năm đầu thành lập công ty, tôi phải tìm đủ cách xoay xở để duy trì vì không có chương trình hay khách hàng thường xuyên. Tuy nhiên tôi vẫn giữ niềm tin vào định hướng của mình, song song với thực hành biết đủ để kiên trì theo đuổi con đường của mình.
Biết đủ là biết nhu cầu thực sự của mình, để tinh gọn lại những thứ không cần thiết và tập trung vào những thứ quan trọng nhất. Dù là cho từng cá nhân hay cho tổ chức, chúng ta cần nhận thức rõ điều này để không tham cầu và không tạo ra gánh nặng cho ngôi nhà của mình và ngôi nhà chung là trái đất này. Thiền là cách để ta trở về ngôi nhà của mình, đối diện với chính mình. Thiền sẽ giúp con người đi sâu và kết nối với tuệ giác của mình.
Xin chân thành cảm ơn chị.
Thạc Sĩ Lương Ngọc Tiên là Giảng viên được chứng nhận bởi Học viện đào tạo Eurasia (Eurasia Learning Institute) về "Hạnh phúc và lòng trắc ẩn dựa trên thực hành Mindfulness" (2016) và bởi Học viện Lãnh đạo Search Inside Yourself (Search Inside Yourself Leadership Institute) về "Trí tuệ cảm xúc dựa trên Khoa học não bộ & thực hành Mindfulness" (2019). One Life Connection được thành lập năm 2012, chuyên đào tạo và huấn luyện dựa theo con đường Chuyển hoá tâm thức, phát huy Trí tuệ cảm xúc, và Sức khoẻ toàn diện cho tổ chức. One Life Connection đã đào tạo cho hàng nghìn quản lý cấp trung và lãnh đạo từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Unilever, VNG, Suntory PepsiCo, PNJ, Prudential, Merck, Dentsu Redder Agency, Muong Thanh Hospitality, Mobifone, Insee, Manulife, Abbott, Mainetti, HSBC, Talentnet, Manulife... |