Sản phẩm của Đồng Tâm ở triển lãm Vietbuild. Ảnh: anh Quý Hòa.

 
Thăng Long Thứ Sáu | 18/02/2022 13:30

Chiến lược thích ứng

Chuyển đổi mạnh mẽ chiến lược và mô hình quản trị giúp nhiều doanh nghiệp gặt hái được thành công.

Năm 2021, hầu hết mảng kinh doanh của Tập đoàn Masan đều tăng trưởng mạnh mẽ, nâng mức lợi nhuận lên cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp. Theo đó, năm tài chính 2021, Masan ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 88.629 tỉ đồng, tăng 14,8% so với năm 2020.

Thực tế, doanh nghiệp này đã có 1 năm với nhiều sự kiện lớn dồn dập, từ M&A đến ra mắt các nền tảng kinh doanh bán lẻ mới theo xu hướng trực tuyến và new retail. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người tiêu dùng Việt sử dụng nhiều các nền tảng trực tuyến mua sắm nhu yếu phẩm. Để phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan đã mở rộng sang lĩnh vực viễn thông với việc mua lại 70% cổ phần Mobicast. Đây là bước đầu để Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life và mang đến trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online.

“Masan đã sẵn sàng bước vào giai đoạn “bình thường mới” nhờ tích hợp thành công 2 nền tảng tiêu dùng và bán lẻ”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan, cho biết. Nhìn nhận về sự thay đổi mạnh mẽ từ những doanh nghiệp như Masan, bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet, cho rằng trong khó khăn vừa qua, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đặt các câu hỏi: Tương tác của khách hàng đã thay đổi như thế nào và làm cách nào để phục vụ khách hàng tốt hơn? Doanh thu nào sẽ gặp rủi ro nếu năng suất hoặc mức độ thân thiết của khách hàng giảm xuống?... Từ các câu hỏi này, doanh nghiệp đã có những thay đổi lớn về chiến lược sản phẩm, dịch vụ và quản trị doanh nghiệp, để vượt qua khó khăn và tạo ra được mô hình tăng trưởng mới.

 

Quản trị doanh nghiệp cũng có những thay đổi lớn. Theo đó, doanh nghiệp không còn vận hành như cỗ máy mà được tổ chức linh hoạt như một thực thể sống động: Quản trị từ trên chỉ thị xuống dưới; Quản lý chỉ đưa ra định hướng và tạo điều kiện thực thi; Đội nhóm chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối.

Cũng vì tác động lớn từ dịch bệnh, Đồng Tâm Group đã triển khai thành công quá trình chuyển đổi dữ liệu từ hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) lên hệ thống mới hiện đại hơn như SAP S/4HANA. Đây là dự án quan trọng trong công cuộc chuyển đối số của doanh nghiệp này. Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đồng Tâm Group, cho biết: “Ngoài việc ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục... thì đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại những giá trị quan trọng trong cuộc sống và là yếu tố thúc đẩy quá trình thay đổi phương pháp vận hành doanh nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi số đã diễn ra một cách nhanh chóng, toàn diện”.

Theo ông Thắng, với tinh thần ứng phó linh hoạt trong từng giai đoạn, kế hoạch hoạt động năm 2021 của Đồng Tâm Group đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng. Với sự tư vấn của những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới như Deloitte và Ernst & Young, quá trình chuyển đổi của Đồng Tâm đã diễn ra nhanh chóng và hoàn thành dự án đúng tiến độ. Đồng Tâm Group cũng là một trong những công ty đầu tiên tại Việt Nam triển khai đồng loạt, đầy đủ các chức năng Kế hoạch tài chính và kinh doanh (SAC), Kế hoạch cung cầu (IBP), Hệ thống quản trị nguồn nhân lực (S/4HANA)...

 

Năm 2022, nền kinh tế toàn cầu cũng như của Việt Nam dần phục hồi với tín hiệu nhu cầu thị trường có nhiều điểm sáng và dự báo sẽ mang đến cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp sản xuất. Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2022 có thể mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nếu có sự linh hoạt và khả năng ứng phó tốt. Do đó, cần phải nắm bắt được thời cơ, dự báo, đoán định được những diễn biến cung - cầu của thị trường; đây sẽ là tiền đề giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong năm nay và những năm tiếp theo.

 

Theo ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, 2022 sẽ là năm bản lề để doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch hồi phục, lấy lại những gì đã mất của năm 2021. Do đó, mục tiêu của doanh nghiệp đặt ra sẽ là tăng trưởng hơn nữa. Vì thế, doanh nghiệp phải có chiến lược và kế hoạch để tăng trưởng, không thể để doanh nghiệp đi lùi vì sẽ ảnh hưởng đến đánh giá từ ngân hàng, đối tác cung ứng và đối tác đầu tư bên ngoài. “Nếu không làm được thì doanh nghiệp sẽ không hoạt động được, ngân hàng sẽ thu hồi lại vốn tín dụng, nhà cung cấp thu hồi hàng hóa... doanh nghiệp bị thu hẹp quy mô”, ông Trần Việt Anh nói.

Tuy nhiên, chia sẻ góc nhìn về tương lai, ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp vẫn đối mặt với 3 khó khăn chính là tác động từ thị trường, đứt gãy chuỗi cung ứng và đối mặt với tình hình chi phí sản xuất kinh doanh. Nhưng ngược lại, doanh nghiệp có thể thích ứng và chấp nhận những cơ hội mới, áp dụng chuyển đổi số và biết quản trị doanh nghiệp rủi ro một cách hiệu quả thì sẽ có nhiều thay đổi mới.

Ông Thinh đưa ra các xu hướng dự kiến sau khi nền kinh tế được tái thiết. Cụ thể, dịch COVID-19 sẽ có thể kết thúc vào giữa hoặc cuối năm 2022. Mức độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ đi kèm với đó là những ảnh hưởng của lực lượng lao động khi tình hình kinh doanh sản xuất được phục hồi, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phương án phát triển bền vững với cam kết giảm lượng khí thải ra môi trường và cuối cùng là cẩn trọng với những rủi ro có thể xảy ra liên quan đến vấn đề an ninh mạng, thông tin bảo mật trong quá trình chuyển đổi số.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, lãnh đạo doanh nghiệp cần nắm bắt được xu thế để gắn quá trình vượt khó, gắn với quá trình phục hồi với xu thế về công nghệ, phải có những phản ứng nhanh, nắm bắt thông tin, linh hoạt trong điều hành doanh nghiệp. Cùng với đó, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, thay đổi để hội nhập về những chuyển biến trong các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Lãnh đạo doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, cải cách quản trị rủi ro đối với một thế giới nhiều biến động. Với chuyển đổi số hiện nay, những phát sinh của thị trường, thay đổi sản phẩm, của công nghệ... thì không phải đợi đến hằng năm, mà từng quý, từng tháng cần phải linh hoạt để điều chỉnh chiến lược”, chuyên gia Võ Trí Thành nêu quan điểm.