Làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam khiến các doanh nghiệp đứng trước thách thức lớn trong việc tuyển dụng nhân lực.

 
Kim Dung Thứ Tư | 27/01/2021 09:28

Cạnh tranh nhân lực trong mùa dịch

Tình trạng thất nghiệp tăng cao nhưng tình trạng thiếu hụt người có kỹ năng phù hợp còn gay gắt hơn.

Theo nghiên cứu mới nhất từ ManpowerGroup, “Tương Lai Cho Người Lao Động, Vì Người Lao Động” , chỉ một phần nhỏ dân số thế giới bị nhiễm COVID-19, nhưng đa số (93%) sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch này. Đại dịch bắt đầu như một cuộc khủng hoảng sức khỏe và giờ đây kéo theo các cuộc khủng hoảng về kinh tế và xã hội.

Khảo sát “Xu hướng Tuyển dụng trong Trạng thái bình thường mới” của ManpowerGroup Việt Nam cho biết hơn 27% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và gần 7% đối mặt với nguy cơ ngừng kinh doanh.

Thực tế, theo Tổng Cục thống kê, dịch COVID-19 đẩy 1,3 triệu người vào tình trạng không có việc làm trong năm 2020, đa phần người mất việc trong độ tuổi lao động. Riêng trong quý IV/2020 có khoảng 1,2 triệu người thất nghiệp, tăng 136.800 người so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo khảo sát trên, các nhà tuyển dụng trong nước chia sẻ dự báo tích cực trong kế hoạch tuyển dụng với 38,6% kỳ vọng hoạt động tuyển dụng của họ sẽ trở lại mức trước COVID-19 trong vòng ba tháng tới. Trong khoảng thời gian dài hơn, trên 35% nhà tuyển dụng hy vọng hoạt động tuyển dụng của họ sẽ phục hồi trong 6 tới 9 tháng tới; và khoảng 21% dự đoán hoạt động tuyển dụng của họ sẽ trở lại bình thường trong vòng một năm.

Nhờ sự phục hồi của nền kinh tế trong quý IV, tình hình lao động việc làm trong quý có nhiều dấu hiệu khởi sắc so với quý trước. Tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý IV và cả năm 2020 vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo bà Vũ Thị Lê Lan, chuyên gia Tư vấn, Chuyển đổi Nguồn nhân lực & tổ chức, dưới sự tác động của COVID-19, tình trạng thất nghiệp tăng cao nhưng tình trạng thiếu hụt người có kỹ năng phù hợp còn gay gắt hơn. Các doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược và chính sách để thu hút và giữ chân nhân tài trong giai đoạn biến động hiện nay. Cụ thể, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược linh hoạt cho công tác quản lý nhân tài, ưu tiên các hoạt động quản lý nhân tài cần thiết, xác định và truyền đạt trách nhiệm cho các bên liên quan...

 

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Dịch vụ Tuyển Dụng và Tư Vấn Nhân sự - ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ: “Cuộc khủng hoảng này đang đẩy mạnh nhu cầu về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm mà chúng tôi đã theo dõi và dự đoán trước đây. Nhu cầu gia tăng về kỹ năng chỉ có con người sở hữu – hay còn gọi là kỹ năng mềm với vai trò đang ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết với cả người lao động và nhà lãnh đạo, tiêu biểu”.

Đặc biệt, làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam khiến các doanh nghiệp đứng trước thách thức lớn trong việc tuyển dụng nhân lực bởi mức lương đề xuất không có sự cạnh tranh so với các doanh nghiệp hiện tại trên thị trường. Điều này khiến các ứng viên vẫn còn dè chừng trước quyết định chuyển việc sang một môi trường mới tại các nhà máy FDI mới.

Ngay bây giờ và hơn bao giờ hết, các lãnh đạo doanh nghiệp cần chủ động thiết lập các nguyên tắc linh hoạt và phản ứng nhanh để lèo lái doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng an toàn và thành công. Đây còn là thời điểm chúng ta suy nghĩ lại cách con người làm việc, được công nhận và tưởng thưởng. Những người đi làm cần trở thành trung tâm và doanh nghiệp phải dần trở thành các chuyên gia chăm lo phúc lợi và hạnh phúc trong công việc của nhân viên, và thậm chí họ còn đóng vai trò cố vấn giáo dục.