Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 6,5% và 6,7% cho năm 2022 và 2023. Ảnh: bdm

 
Cẩm Tú Thứ Ba | 26/07/2022 17:12

Cách để doanh nghiệp Việt ứng phó trước bất ổn toàn cầu

Cách nào để doanh nghiệp Việt Nam thích ứng và phục hồi trước những cú sốc toàn cầu?

Dịch bệnh, kinh tế suy thoái hay xung đột chính trị, quân sự đang là những chủ đề nóng, đẩy thế giới ngày càng trở nên bất ổn. Có cách nào để doanh nghiệp Việt Nam thích ứng và phục hồi trước những cú sốc toàn cầu?

“Bất ổn”, “tăng trưởng”, “lạm phát”, “xung đột” đang là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất. Hơn 2 năm qua, các doanh nghiệp đã đương đầu với những khó khăn chưa từng có, tưởng  có thể phá sản. Tuy nhiên, bằng khả năng thích ứng, tiềm lực tài chính, nguồn lực và tư duy đổi mới, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua.

Ứng phó với khó khăn

Tính đến cuối tháng 3.2022, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, với GDP trong quý I/2022 tăng khoảng 5,03% so với cùng kỳ còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn trong vùng an toàn, với trọng số chủ yếu đến từ giá xăng dầu (cao hơn 50% so với cùng kỳ). Chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ hàng hóa/dịch vụ tiêu dùng đã dần phục hồi và đang quay trở lại tốc độ như trước khi đại dịch xảy ra. 

Hình 1. Tốc độ tăng GDP quý I-2022 so với cùng kỳ năm trước tại Việt Nam  Nguồn: Nguyễn Khắc Quốc Bảo & Tô Công Nguyên Bảo (2022), trích xuất dữ liệu từ GSO (2022)
Tốc độ tăng GDP quý I-2022 so với cùng kỳ năm trước tại Việt Nam Nguồn: Nguyễn Khắc Quốc Bảo & Tô Công Nguyên Bảo (2022), trích xuất dữ liệu từ GSO (2022)

Riêng về xuất khẩu, trong tháng 3, tháng 4 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh, lần lượt tăng 17% và 25,2%. Dự báo hàng hóa xuất khẩu sẽ còn tăng trưởng 8%-10% trong năm 2022. Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng nhập khẩu lại không thay đổi nhiều. Việt Nam kỳ vọng du lịch và lượng kiều hối vãng lai sẽ thúc đẩy GDP.

Tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng vọt ở mức 16,4% trong tháng 4/2022 nhưng vẫn cân đối, cho thấy điều kiện nền kinh tế vận hành tốt và chi ngân sách giảm. Ngoài ra, nguồn vốn FDI tăng trưởng mạnh và chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn tốt.

Với những dấu hiệu tích cực đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 6,5% và 6,7% cho năm 2022 và 2023. Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng đạt 5,3% trong năm 2022 và sẽ quay về mức ổn định 6,5% ở những năm sau đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì nêu con số 6% cho năm 2022 và 7,2% năm 2023.

Việt Nam có niềm tin vào những con số dự báo bởi ngay từ đầu năm, Quốc hội đã phê chuẩn gói giải pháp tài khóa và tiền tệ khoảng 15 tỉ USD nhằm thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế (ERDP) giai đoạn 2022-2023. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã triển khai các giải pháp tiền tệ hướng đến tăng trưởng tín dụng khoảng 14% và cung cấp tính thanh khoản cho thị trường.  Cùng với đó, thị trường lao động dần phục hồi, góp phần phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Mặc dù vậy, đà tăng trưởng thời kỳ hậu Covid-19 đã phải gặp ngã rẽ khi bất ổn địa chính trị giữa Nga và Ukraine ngày một leo thang. Các lệnh trừng phạt về kinh tế đối với Nga đã khiến giá dầu thế giới tăng mạnh. Đây là nguyên nhân khiến cho giá cả nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, vận tải tăng cao, trực tiếp ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm trên thị trường, gây ra lạm phát (do chi phí đẩy).

Doanh nghiệp nên làm gì?

 Các doanh nghiệp với đặc điểm riêng về ngành nghề, mô hình, tư duy quản trị sẽ có cách thiết kê, xây dựng chiến lược ứng phó với bất ổn theo những cách khác nhau .Tuy nhiên, để định hình hướng đi phù hợp trong bối cảnh mới, chúng tôi xin nêu một số gợi ý có tính khả thi:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần kiểm soát dòng tiền và vốn luân chuyển để duy trì tính thanh khoản. Kế tiếp là tinh gọn quy trình, tối ưu hóa chi phí, cắt giảm các khoản đầu tư kém hiệu quả.. Doanh nghiệp cũng cần áp dụng số hóa và đổi mới sáng tạo trong hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh, quản lý... Đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra cũng như nâng cao tính chủ động, linh hoạt là rất cần thiết. Ngoài ra,  doanh nghiệp theo dõi tình hình chung của thế giới và dịch bệnh, đồng thời nắm bắt các chính sách của Chính phủ để xây dựng kịch bản thích nghi, ứng phó phù hợp. Doanh nghiệp có thể tìm kiếm và mở rộng các kênh đầu tư và kênh huy động vốn. Sau tất cả, doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược để thích nghi với bối cảnh hậu Covid-19, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bền vững.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể dựa vào xu hướng phát triển theo mỗi thời điểm để lên chiến lược đa dạng. Để thích ứng trước các hoàn cảnh bất lợi, các doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản ứng phó với trường hợp bất lợi.  Bên cạnh việc tập trung vào các vấn đề vi mô như trước, các công ty cần xem xét mở rộng các ảnh hưởng của vĩ mô. Làm sao kiểm tốt sự gia tăng các chi phí của chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như tạo sức bật mạnh mẽ, đồng bộ, có sức lan tỏa giữa chính phủ và doanh nghiệp. Khi đó, chính phủ và doanh nghiệp cần đảm bảo tính tương tác, chủ động, đưa ra những chiến lược, chính sách kịp thời, có tính đón đầu trước xu hướng.

Hình 2. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên vật liệu đầu vào quý I từ năm 2018 đến năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của Việt Nam  Nguồn: Nguyễn Khắc Quốc Bảo & Tô Công Nguyên Bảo (2022), trích xuất dữ liệu từ GSO (2022)
Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên vật liệu đầu vào quý I từ năm 2018 đến năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của Việt Nam.  Nguồn: Nguyễn Khắc Quốc Bảo & Tô Công Nguyên Bảo (2022), trích xuất dữ liệu từ GSO (2022)

PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS. Tô Công Nguyên Bảo & ThS. Trần Nhật Hoàng, UEH