Ông Mark Minervini, người được mệnh danh là Phù thủy chứng khoán. Ảnh: PV.

 
Phạm Vũ Thứ Hai | 11/07/2022 15:20

“Bán một nửa”: Giải pháp giúp bạn cảm thấy yên lòng

Làm sao để nhà đầu tư cân bằng lòng tham và nỗi sợ hãi trong đầu tư chứng khoán?

Chiến lược "bán một nửa"

Tư duy của một nhà giao dịch sẽ luôn dao động trong hai trạng thái cảm xúc là do dự và hối tiếc. Trạng thái cảm xúc của một nhà giao dịch sẽ “mắc kẹt” giữa lòng tham và nỗi sợ hãi và phần nhiều là sợ hãi. Nỗi sợ hãi bỏ lỡ cơ hội là nguyên nhân khiến các nhà giao dịch thường cố gắng đuổi theo những cổ phiếu đã tăng giá quá mạnh.  Họ sẽ cố gắng bám chặt từng giao dịch vì e sợ bán sớm. Họ sợ cổ phiếu đang giao dịch tại mức giá 20 USD sẽ trở thành Google tiếp theo hoặc một cổ phiếu họ đã mua tại mức giá 45 USD nay giảm xuống còn 40 USD và tiếp theo sẽ là 30 USD. Điều này tạo ra nỗi hối tiếc rằng tại sao không bán ở mức giá 40 USD. Nghĩa là họ bị mắc kẹt trong hy vọng cổ phiếu sẽ hồi phục trở lại điểm hòa vốn.  

Nói tóm lại, hầu hết các nhà giao dịch thường bán quá sớm và chốt lãi nhỏ vì e sợ cổ phiếu sẽ xóa đi khoản lãi của họ. Nhưng đồng thời họ cũng ôm chặt khoản lỗ vì sợ rằng cổ phiếu vừa bán ra sẽ bật tăng trở lại.  

 

Theo ông Mark Minervini, người được mệnh danh là “Phù thủy chứng khoán”, liều thuốc duy nhất để chống lại sự căng thẳng và trấn an nỗi sợ hãi là các quy tắc giao dịch đúng đắn và những mục tiêu thực tế. 

Việc đầu tư không phải là cố gắng mua ở đáy thấp nhất và bán ở mức giá cao nhất mọi thời đại. Đó chỉ là động thái bán cao hơn giá mua khiến cho lợi nhuận lớn hơn mức lỗ và cố gắng duy trì như thế theo thời gian.  Khi bạn thấu hiểu những khía cạnh nền tảng của vấn đề giao dịch bạn sẽ loại bỏ được những rào cản lớn về mặt tâm lý cản trở bạn đạt đến thành công trong đầu tư.  

Một trong những câu hỏi phổ biến nhất thường được hỏi là khi nào nên chốt lãi đặc biệt là khi cổ phiếu đó đã tăng giá mạnh. Mục tiêu giá cụ thể để bán ra tùy thuộc vào quy tắc giao dịch mà mỗi nhà đầu tư sử dụng. Tuy nhiên có một nguyên tắc chung cần được áp dụng cho tất cả các chiến lược đó là hãy làm cho bạn cảm thấy yên lòng.  Đừng khiến bạn phải mệt mỏi vì sự hối tiếc hoặc trói buộc bởi sự do dự, hãy áp dụng quy tắc “bán một nửa”. 

Người chiến thắng bất kể kết quả ra sao 

Giả sử cổ phiếu bạn đang nắm giữ tăng 20%, gấp đôi mức lãi trung bình 10% bạn thường có và gấp 3 lần rủi ro 7% đưa ra ban đầu. Bạn đang có một khoản lãi lớn nhưng cảm thấy băn khoăn để bán ra. Bạn thích công ty này và bạn nghĩ nó có thể tăng cao hơn nữa. Nhưng cổ phiếu đang bắt đầu giảm giá đôi chút, (trước đó nó đã từng tăng 25%), sự do dự khiến bạn tự tranh cãi với chính bản thân có nên bán ra hay không.  Giải pháp rất đơn giản “hãy bán một nửa vị thế của bạn”. 

Hãy sử dụng ví dụ hiện tại, nếu bạn bán một nửa số cổ phiếu ở mức lãi 20%, so với mức lãi trung bình là 10%, rất khó để bạn thua trong giao dịch này. Một nửa số cổ phiếu của bạn được chốt ở mức 20%, thậm chí nếu bạn hòa vốn ở nửa số cổ phiếu còn lại thì cuối cùng bạn vẫn lãi 10% cho toàn bộ vị thế, đúng bằng mức lãi trung bình của bạn và bạn vẫn còn cả một cuộc chơi phía trước. Ở trường hợp xấu hơn, nếu bạn lỗ 10% với số cổ phiếu còn lại, bạn vẫn còn tốt vì chẳng lỗ gì ở giao dịch này. 

 

Sau khi bán một nửa, bạn có thể chờ xem liệu cổ phiếu này sẽ đi về đâu với số cổ phiếu còn lại. Dù cho kết quả có như thế nào thì bạn vẫn là người chiến thắng xét trên quan điểm tâm lý, vì bạn không có gì phải hối tiếc cả.  Khi bán một nửa, nếu cổ phiếu tăng cao hơn, bạn vẫn còn một nửa số cổ phiếu, đó là một điều may mắn. Hoặc nếu số cổ phiếu còn lại giảm giá, bạn cũng may mắn vì đã chốt lãi 1 nửa ở mức 20%. Xét ở khía cạnh tâm lý bạn đã chiến thắng dù kết quả có như thế nào đi chăng nữa. 

Nếu bạn bán 75% số cổ phiếu đang có và chỉ giữ lại 25% khi cổ phiếu tăng giá cao hơn bạn sẽ cảm thấy tiếc nuối. Ngược lại nếu bạn bán ít hơn một nửa và cổ phiếu giảm giá bạn sẽ trách bản thân mình. 

Cần lưu ý rằng giải pháp “bán một nửa” không hiệu quả trong xu hướng giảm giá khi bạn đang bị lỗ. Khi lệnh dừng lỗ của bạn chạm tới, hãy thoát ngay lập tức. Bạn không nên bán một nửa khi bị lỗ và đánh cược với số cổ phiếu còn lại với hi vọng rằng giá sẽ tăng trở lại. Khi một vị thế chống lại bạn, không có chỗ cho sự do dự, chỉ có một cách duy nhất là hành động quyết đoán và kỉ luật.  

Có thể bạn quan tâm

Mark Minervini, Phù thủy chứng khoán: Nên mua cổ phiếu ở giai đoạn nào?

Sở hữu 1 trong 3 dấu hiệu trên bàn chân, tương lai không trở thành tỷ phú cũng là đại gia