Nguyễn Sơn Thứ Tư | 28/03/2018 14:00

Xử lý nợ xấu ngân hàng: Tốc độ hay chất lượng?

Trường hợp xử lý nợ xấu điển hình của Sacombank đặt ra câu hỏi chung cho ngành ngân hàng: Tốc độ hay chất lượng xử lý nợ sẽ được ưu tiên?

Một thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đáng chú ý nhưng kín tiếng gần đây là việc dự án Diamond City được chuyển từ tay của Tập đoàn Hoàn Cầu sang Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai. Giá trị chuyển nhương không được công bố chi tiết nhưng một số thông tin trong giới đầu tư cho biết thương vụ này có giá trị lên đến 120 triệu USD.

Đây là tài sản thế chấp cho khoản nợ mà Tập đoàn Hoàn Cầu vay tại Ngân hàng Sacombank, được chuyển cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và giờ được rao bán để giúp cắt giảm chi phí trích lập dự phòng, thu hồi hàng ngàn tỉ đồng. Nhưng danh tính bên thâu tóm Diamond City không phải là cái tên quá xa lạ với giới đầu tư chứng khoán bởi doanh nghiệp này từng bị hủy niêm yết trên thị trường để tiến hành tái cấu trúc. Vậy nhờ đâu mà Xuân Mai lột xác nhanh chóng để thực hiện một trong những thương vụ thâu tóm đình đám nhất năm nay?

Xu ly no xau ngan hang: Toc do hay chat luong?
 

Bóng dáng dòng tiền thâu tóm

Xuân Mai là doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực chính là xây dựng, vật liệu xây dựng và kinh doanh bất động sản. Dù vậy, kết quả kinh doanh không thật sự sáng sủa trong giai đoạn năm 2013-2015 khi thị trường đóng băng và đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt. Phải đến khi Công ty tái cấu trúc triệt để, tình hình mới khả quan hơn kể từ năm 2016.

Nhưng áp lực chi trả nợ mới là rủi ro lớn nhất của Xuân Mai. Năm 2016, hệ số nợ trên tổng vốn chủ sở hữu lên đến 6 lần, hệ số thanh toán ngắn hạn chỉ là 1,19 -  gây áp lực rất lớn lên thanh khoản của Công ty. Với năng lực tài chính như thế, Xuân Mai lấy tiền đâu ra để thâu tóm siêu dự án Diamond City của Tập đoàn Hoàn Cầu?

Thật ra, đằng sau việc thay áo của Xuân Mai là bóng dáng của nhóm các nhà đầu tư mới, đi kèm những cuộc dịch chuyển dòng vốn. Năm 2013, Tổng công ty Vinaconex đã chuyển 51% cổ phần của Xuân Mai cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Khải Hưng. Đến năm 2015, Khải Hưng lại tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu cho Công ty Đầu tư và Xây dựng Ngọc Mai. Cùng với tiến trình thay cấu trúc sở hữu là việc liên tiếp được bơm thêm vốn để gia tăng vốn điều lệ lên 400 tỉ đồng. Được biết, sở hữu cả Ngọc Mai và Khải Hưng đều là nhân vật Nguyễn Đức Cử, Phó chủ tịch của Lienviet Post Bank - một thành viên của Tập đoàn Him Lam. Theo báo cáo thường niên 2017 của doanh nghiệp ghi nhận, cùng với BIDV, Lienviet Post Bank chính là ngân hàng tài trợ chủ yếu cho hoạt động của Xuân Mai.

Nhờ sự hỗ trợ về vốn mạnh tay từ ngân hàng và các cổ đông mới, Xuân Mai đã triển khai một loạt các dự án bất động sản như Xuân Mai Sparks Tower tại Dương Nội, Hastone Tower tại Hà Đông, dự án chung cư VOV Mễ Trì, thâu tóm toàn bộ các căn hộ của tòa tháp Hạnh Phúc thuộc dự án Hà Nội Paragon hay Him Lam Phố cổ và giờ là lần đầu tiên tiến quân vào thị trường phía Nam với dự án 15.000 tỉ đồng trên nền đất cũ của bà Tư Hường. Xuân Mai dự kiến sẽ niêm yết trở lại sau năm 2018. “Hy vọng trong thời gian ngắn nữa thôi, Xuân Mai sẽ tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường và phát triển hơn nữa trên 2 lĩnh vực xây lắp và đầu tư”, ông Nguyễn Đức Cử chia sẻ.

Lựa chọn thời điểm này để lấn sân vào TP.HCM mà đặc biệt là khu Nam của ông Nguyễn Đức Cử là bước đi khá khôn ngoan. Khu Nam Sài Gòn được giới phân tích tiếp tục là tâm điểm của thị trường trong năm nay với khá nhiều các dự án hạ tầng giao thông được triển khai, đi cùng với định hướng mở rộng siêu đô thị ra hướng biển Đông. Nhiều chủ đầu tư như Nam Long, Hưng Thịnh, Thắng Lợi Group, Dream Home... dự kiến sẽ tung ra các dự án khá khủng, giúp gia tăng độ nóng cho thị trường nơi đây.

Người anh em của Xuân Mai là Him Lam Corporation cũng muốn tham gia giành phần khi mới đây đề xuất với Long An về việc thành lập khu kinh tế mở trải dài trên 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước với tổng diện tích 32.300ha, bao gồm nhiều phân khu chức năng như khu đô thị trung tâm, khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp và cảng biển. Nếu thị trường bất động sản diễn ra lạc quan theo đúng kỳ vọng, lợi nhuận mà các nhà đầu tư nói trên thu được dự kiến sẽ không hề nhỏ!

Xu ly no xau ngan hang: Toc do hay chat luong?
 

Ẩn số 584

Diamond City là dự án đầy tâm huyết của bà Trần Thị Hường (Tư Hường) - cố Chủ tịch của Hoàn Cầu và cố vấn cho Ngân hàng Nam Á (NamABank). Dự án trải rộng 14,3ha, sở hữu mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, liền kề với đô thị Phú Mỹ Hưng, đây là một trong những dự án có vị trí đẹp nhất tại khu Nam. Giai đoạn 1 dự án đã được chính thức khởi công vào năm 2016 do nhà thầu Coteccons đảm nhiệm nhưng đến giờ đây vẫn là bãi đất trống.

Điểm đáng chú ý là giữa bà Tư Hường và ông Dương Công Minh (Chủ tịch Sacombank, chủ sở hữu Him Lam) đã có những mối quan hệ làm ăn từ trước. Tiêu biểu như thương vụ hợp tác đầu tư giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình giao thông 584 với Him Lam trong liên doanh phát triển khu dân cư Him Lam Riverside (phường Tân Hưng, quận 7) trước đây.

Theo thông tin đăng tải trên website của Công ty 584, Công ty có các cổ đông chiến lược là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hoàn Cầu, Tổng Công ty Xây lắp máy Việt Nam (Lilama), Tập đoàn T&T. Bà Tư Hường từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tich của 584. Giữa doanh nghiệp này với Tập đoàn Hoàn Cầu từng có những kế hoạch phát triển chung nhiều dự án, trong đó có Diamond City.

Năm 2013, 584 vay Ngân hàng Sacombank khoản tiền 1.165 tỉ đồng để cùng với Him Lam phát triển khu dân cư Him Lam Riverside. Khoản vay này được đảm bảo bằng quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai bên. Theo chia sẻ của lãnh đạo 584 trong Đại hội đồng cổ đông năm 2017, khoản vay tại Sacombank thực chất là khoản vay hộ cho Him Lam để san sẻ chi phí và lợi ích cho các bên.

Vấn đề khúc mắc là mặc dù dự án Him Lam Tân Hưng đã hoàn thành công tác xây dựng và bán xong cho khách hàng từ lâu, nhưng 584 vẫn không nhận được tiền lời dự kiến được chia, khiến cho khoản nợ vay tại Sacombank không thể chi trả, góp phần khiến Công ty rơi vào tình cảnh mất thanh khoản. Công ty 584 năm ngoái đã bị các ngân hàng BIDV và chính Sacombank rao bán các dự án để siết nợ mặc dù các cổ đông đòi hỏi Him Lam phải có ít nhiều chịu trách nhiệm về tình cảnh hiện nay. 

Tính đến tháng 6.2017, Công ty 584 ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên đến 1.411 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm bị âm 854 tỉ đồng. “Từ năm 2011 đến nay, Công ty không có nguồn thu. Cơ quan thuế cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản. Ủy ban Nhân dân TP.HCM không cho phát triển các dự án mới”, ông Đỗ Biên Thùy, Tổng Giám đốc 584, chia sẻ với cổ đông.

Xu ly no xau ngan hang: Toc do hay chat luong?
 

Chất lượng xử lý nợ xấu

Nghị quyết 42 của Quốc hội mang đến công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngân hàng trong việc thanh lý các khoản nợ xấu theo giá thị trường. Từ khi trở thành lãnh đạo của Sacombank, ông Dương Công Minh đã phần nào chứng tỏ được bản lĩnh khi giúp Sacombank cắt giảm 19.000 tỉ đồng nợ xấu chỉ trong năm 2017, đưa tỉ lệ nợ xấu trên bảng cân đối kế toán xuống còn 4,28% so với 6,68% năm trước đó.

Cụ thể, 20.000 tỉ đồng nêu trên bao gồm: thanh lý tài sản nhận cấn trừ nợ gần 2.800 tỉ đồng; bán nợ theo giá thị trường 2.600 tỉ đồng cho VAMC; tự xử lý, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu được hơn 14.200 tỉ đồng. “Mục tiêu là đưa tỉ lệ nợ xấu giảm về 3% trong năm 2018”, ông Minh đặt ra mục tiêu. Năm 2017, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 1.488 tỉ đồng, gấp 9,5 lần so với năm trước đó. Trong năm nay, mục tiêu mà ông Minh đặt ra là 1.640 tỉ đồng tiền lãi, tương ứng tăng 10%. Giá cổ phiếu STB đã tăng tích cực gần 60% trong 1 năm gần đây, phản ánh phần nào niềm tin của giới đầu tư vào thương hiệu ngân hàng hùng mạnh ngày nào đang trở lại.

Nhưng như phân tích của Công ty Chứng khoán HSC, kết quả kinh doanh của Sacombank phụ thuộc hoàn toàn vào tiến trình xử lý nợ xấu, nhất là tài sản có vấn đề hàng chục ngàn tỉ đồng mà Ngân hàng Phương Nam để lại. Do đó, khá dễ hiểu khi Sacombank phải tìm các nhân tố như Xuân Mai để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, làm đẹp bảng cân đối kế toán.

Trong năm 2018, Sacombank có thể tâp trung xử lý số nợ xấu 10.000 tỉ đồng mà ông Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng ngân hàng Sacombank) có trách nhiệm phải xử lý với ngân hàng.Trong trường hợp có cổ đông chiến lược mua lại số cổ phiếu bảo đảm của ông Trầm Bê thì tính gộp chung cả năm 2017, tổng số nợ xấu được xử lý sẽ là gần 30.000 tỉ đồng. Phần nợ xấu dôi ra có thể xử lý theo hướng thanh lý tài sản cấn trừ nợ như đấu giá công khai quyền sử dụng đất và bất động sản thế chấp và bán nợ lại cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Tất nhiên, thị trường bất động sản đang trên đà phục hồi tích cực là cơ hội rất lớn để các những kẻ chuyên săn tìm các tài sản xấu có tiềm năng với giá rẻ. Theo nhận định các chuyên gia phân tích HSC, tỉ lệ thu hồi nợ được kỳ vọng sẽ đạt mức cao khi các tài sản bảo đảm được thanh lý, có thể cao hơn mức thông thường là 30-40%, đặc biệt là khi giá trên thị trường bất động sản đang tăng.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tiến trình thu hồi nợ xấu của Sacombank có thể đẩy nhanh theo Nghị quyết 42 và hoạt động của ngân hàng có sự cải thiện. Ước tính thu nhập lãi năm 2018 của Sacombank tăng 13,7% nhờ tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14%. Tuy nhiên, một số rủi ro đáng kể liên quan đến chất lượng tài sản trong quá trình tái cơ cấu của Ngân hàng.

Xu ly no xau ngan hang: Toc do hay chat luong?
 

Nhưng bên cạnh khía cạnh số lượng, các nhà quản lý cho rằng nên để ý nhiều hơn đến chất lượng xử lý nợ tại các ngân hàng yếu kém. Bởi sự dịch chuyển lòng vòng của tài sản từ người này sang người khác trong một nhóm có liên quan có thể vẫn khiến khoản nợ vẫn còn đó, trong khi bản thân ngân hàng thực chất không thu được tiền thật và có thể gây nhiều hệ lụy sau này cho nền kinh tế.

Thực ra, thực trạng mua bán nợ lòng vòng không phải là trường hợp hiếm thấy trên thế giới. Mới đây, Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đã phạt một ngân hàng nước này số tiền 722 triệu nhân dân tệ vì lập ra 1.493 các công ty ảo, sau đó cung cấp tín dụng trị giá 77,5 tỉ nhân dân tệ để mua lại các khoản nợ có vấn đề của chính ngân hàng đó. Riêng trong năm 2017, hơn 1.800 các định chế ngân hàng đã bị CBRC phạt 2,9 tỉ nhân dân tệ do vị phạm các hành vi mua bán tài sản ảo.

Trong năm 2017, VAMC thu hồi được 30.700 tỉ đồng nợ xấu, chỉ tăng được 2.700 tỉ đồng so với năm 2016. Năm 2018, VAMC được Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ phải xử lý tối thiểu được 140.000 tỉ đồng nợ xấu, chiếm hơn 45% tổng dư nợ gốc nội bảng đã mua. Áp lực cho toàn ngành ngân hàng lớn gấp gần 4 lần so với năm trước đó và thị trường đang chờ xem chủ các ngân hàng sẽ làm cách nào để xử lý đống nợ quá lớn này?