Ảnh: TTXVN
Vốn Trung Quốc vội vã đổ vào Việt Nam
Thương chiến Mỹ - Trung ngày càng khó lường. Cả 2 phía đều chưa cho thấy động thái hạ nhiệt, khiến giới đầu tư e ngại. Để hạn chế rủi ro và phần nào đẩy mạnh gia tăng vị thế ra khu vực vực, nhiều tập đoàn của Trung Quốc đang tích cực rót hàng tỉ USD đầu tư ra bên ngoài, một trong số đó là thị trường Việt Nam.
Nhưng khác với làn sóng đầu tư quá khứ, bên cạnh các lĩnh vực kinh doanh truyền thống như may mặc, quần áo, chế biến nông sản... ngày càng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến các ngành nghề khác thời thượng, lợi nhuận hấp dẫn hơn như bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp, hàng điện tử, sản phẩm công nghệ cao hay đầu tư các khu phức hợp giải trí có kèm casino.
► Doanh nghiệp Trung Quốc đỏ mắt tìm nhân công tại Việt Nam
Bất động sản - Hạ tầng dậy sóng
Cách đây hơn 1 tuần, Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) chào đón các vị khách đặc biệt: dàn lãnh đạo cấp cao của Công ty Quản lý chuỗi cung ứng Quốc tế Jusda Việt Nam, thành viên của Tập đoàn công nghệ Foxconn, đến khảo sát địa điểm đầu tư dây chuyền lắp ráp và kho bãi logistics. Dự án này không chỉ phục vụ cho chính bản thân của Foxconn mà còn cho các doanh nghiệp khác có nhu cầu. Đây là bước đi cụ thể sau cuộc gặp gỡ hồi tháng 3 giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Tổng Giám đốc Foxconn Harry Zhuo về triển vọng thiết lập nhà máy sản xuất mới của Hãng tại đây. Là tỉnh biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, đi kèm sân bay quốc tế Vân Đồn mới khai trương, Quảng Ninh trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn mà giới đầu tư Trung Quốc mong muốn.
Hạ tầng khu công nghiệp đang trở thành đích nhắm của nhiều nhà đầu tư khi nhắm đến làn sóng dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. TTI, tập đoàn chuyên về dụng cụ và thiết bị năng lượng ngoài trời, chăm sóc sàn nhà và thiết bị gia dụng từ Mỹ, đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất pin mặt trời và trung tâm nghiên cứu và phát triển ở miền Nam. Điều này kéo theo làn sóng chuyển dịch nhà máy đến Việt Nam từ các nhà cung cấp của họ, trong đó có từ Trung Quốc.
“Các nhà đầu tư quốc tế như TTI đang tạo ra động lực phát triển cho thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng, chúng tôi đã phát triển 230ha quỹ đất trong năm 2018 và sẽ mở rộng thêm 170ha quỹ đất vào năm 2019“, ông Michael Chan, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông và Dịch vụ khách hàng của Công ty BW - Liên doanh của Quỹ Đầu tư toàn cầu Warburg Pincus và Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết.
Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, tính đến hết ngày 20.5, Trung Quốc đã đổ kỷ lục hơn 7 tỉ USD vào Việt Nam, vượt qua số vốn của Hàn Quốc, Nhật hay Singapore. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ lãnh thổ Hồng Kông đầu tư hơn 5,08 tỉ USD, các nhà đầu tư đến từ đại lục rót hơn 2 tỉ USD. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải thích, hơn nửa tổng số vốn, khoảng 3,8 tỉ USD, đến từ thương vụ mua Sabeco. Đây là doanh nghiệp Thái Lan nhưng bây giờ lại lập doanh nghiệp tại Hồng Kông nên vốn từ Hồng Kông - Trung Quốc tăng vọt. Mặc dù vậy, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc tăng mạnh là không thể phủ nhận. “Nhiều người dự đoán rằng Trung Quốc sẽ sớm trở thành nhà đầu tư công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Lý do là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất nước ngoài từ Trung Quốc đến Việt Nam, đồng thời các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chuyển dịch theo nhằm đa dạng hóa năng lực sản xuất”, ông John Campbell, chuyên gia tư vấn cao cấp về bất động sản công nghiệp của Savills, nhận định.
Bất động sản nhà ở tất nhiên cũng không nằm ngoài xu thế tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc. Theo ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc Công ty JLL Việt Nam, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng tìm hiểu thị trường Việt Nam bởi mức giá ở đây đang cạnh tranh so với Hồng Kông, Nhật, Singapore, Hàn Quốc hay Đài Loan... Thậm chí, một dự án cao cấp của nhà đầu tư Sun Wah tại mặt tiền đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã nhanh chóng kín room dành cho người nước ngoài khi nhận được nhu cầu quá đông từ các nhà đầu tư Trung Quốc.
Cơ hội thu được lợi nhuận ở thị trường Việt Nam là rất hấp dẫn. “Một căn hộ cao cấp trong thành phố có giá khoảng 5.000 USD/m2, nhưng một căn hộ ở Hồng Kông có thể có giá gấp 4 lần”, ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Kinh doanh nhà ở của Savills, cho biết.
Casino lọt vào tầm ngắm
Không chỉ có lĩnh vực sản xuất, đầu tư hạ tầng, ngành giải trí cũng là địa chỉ được giới đầu tư Trung Quốc quan tâm, một trong số đó là lĩnh vực kinh doanh casino. Suncity Group lên kế hoạch vận hành khu phức hợp kèm đánh bạc Hoiana (tên cũ Nam Hội An) cuối năm nay. Nhà đầu tư đến từ Macau kỳ vọng dự án 4 tỉ USD này sẽ là mảnh ghép quan trọng, tạo cú hích tăng trưởng cho Tập đoàn trong kỷ nguyên mới. “Hơn 30% doanh thu của Tập đoàn đang đến từ các quốc gia bên ngoài thị trường Macau, gấp 3 lần so với cách đây 5 năm”, đại diện Suncity cho biết.
Vị trí gần phố cổ Hội An, cách sân bay quốc tế Đà Nẵng chỉ 30 phút lái xe, casino Hoiana dự kiến khai trương giai đoạn 1 với cơ sở vật chất là 140 bàn chơi bài và 300 máy đánh bạc. Suncity đã ký hợp đồng với đơn vị thành viên là SGMC để cung cấp toàn bộ dịch vụ quản lý và F&B cho khu phức hợp. Dự kiến 70% doanh thu của Suncity đến từ các khách VIP, nhưng với việc Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu thí điểm cho phép người Việt được phép đánh bạc, nguồn thu từ khách nội địa được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể, mang lại hiệu quả kinh doanh cho tổ hợp du lịch giải trí này. Đáng chú ý, lộ trình mà Suncity dự kiến đầu tư sẽ theo chiến lược “Một vành đai - Một con đường” do Chính phủ Trung Quốc khởi xướng. “Các dự án mở rộng trong tương lai sẽ trải dọc theo lộ trình Một vành đai, Một con đường - nơi mà Trung Quốc đang đầu tư tiền bạc, vốn con người”, ông Andrew Lo, Giám đốc Điều hành Suncity Group Holdings, nhận định.
Tiềm năng thị trường du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6 triệu lượt, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách từ các nước châu Á tăng 8,5%, khách đến từ châu Âu tăng 5,7%, khách đến từ châu Mỹ tăng 5,1%. Riêng khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 29% tổng lượt khách quốc tế và là thị trường cung cấp nguồn khách lớn nhất cho ngành du lịch, tiếp sau là Hàn Quốc và Nhật.
Tất nhiên, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ phải đối mặt sức ép cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ hùng mạnh khác, vốn đang nhìn vào chiếc bánh casino trị giá hàng tỉ USD với ánh mắt thèm thuồng. Ở Phú Quốc, chủ đầu tư Vingroup mới đây đã khai trương Corona. Quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus được cho là đang đàm phán mua lại tổ hợp The Grand Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) trị giá 4 tỉ USD. Ở Huế, chủ đầu tư dự án Laguna Lăng Cô đã quyết định tăng vốn đầu tư cho dự án từ 875 triệu USD lên 2 tỉ USD để đủ điều kiện kinh doanh casino. Hay như chuỗi casino của người Nhật Las Vegas lên kế hoạch mở thêm 10 casino xuyên xuốt Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Dự án đầu tiên của chuỗi này được mở vào năm 2017 tại Hạ Long đang vận hành khá tốt, với 30% nguồn khách đến từ Trung Quốc, 30% khách đến từ Hàn Quốc và khoảng 20% đến từ các quốc gia Đông Nam Á.
Đến tiềm năng công nghệ
Dân số trẻ, đam mê công nghệ của Việt Nam đang được giới đầu tư Trung Quốc để mắt tới. Sau những cái tên như Tencent, JD.com, Alibaba... Việt Nam sẽ đón thêm một nhà đầu tư mới trong lĩnh vực fintech là Cobo. Nền tảng ví điện tử theo công nghệ blockchain này sẽ mở rộng vào thị trường Đông Nam Á, trong đó Việt Nam cùng với Indonesia là 2 cái tên được liệt kê đầu tiên. Để phục vụ cho tham vọng này, Cobo đã huy động 13 triệu USD từ các cổ đông chiến lược.
Vị thế của thương hiệu Trung Quốc đã phần nào hiện diện trên thị trường công nghệ Việt Nam. Tencent đang là nhà đầu tư chiến lược của “kỳ lân” Việt Nam VNG. Nhà đầu tư JD.com rót 50 triệu USD vào Tiki hay Alibaba đang sở hữu nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Lazada. “Các nhà đầu tư Trung Quốc, Singapore và Indonesia, những người mà cách đây vài năm chỉ quan tâm thị trường Indonesia, thì giờ đây đang nhìn vào Việt Nam”, ông Eddie Thái, Giám đốc của Quỹ 500 Startups Vietnam, nhận định.
Khảo sát về triển vọng của dòng vốn đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết của hãng Grant Thornton cho thấy có tới 34% các nhà đầu tư nhìn nhận rằng Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn nhất trong số các quốc gia ASEAN. Trong đó, lĩnh vực fintech chiếm vị trí cao nhất với tỉ lệ 43,8% các nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm, tiếp đến là lĩnh vực giáo dục (35,4%), thứ 3 là lĩnh vực năng lượng sạch (33,3%); chăm sóc sức khỏe và dược phẩm đứng vị trí thứ 4 (29,2%); thương mại điện tử chiếm vị trí thứ 5 (25%); và thứ 6 là lĩnh vực logistics (16,7%).
Theo dự báo của PricewaterhouseCoopers, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ trung bình khoảng 5,1%. Theo viễn cảnh này, đến năm 2050, Việt Nam sẽ lọt vào top 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Còn Ngân hàng DBS dự báo, nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 6-6,5%, nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô nền kinh tế Singapore sau 10 năm nữa.
Nhưng bên cạnh cơ hội, dòng vốn đầu tư Trung Quốc vẫn gặp một số trở ngại khi thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc gia tăng biện pháp kiểm soát dòng tiền chảy ra bên ngoài để hạn chế nguy cơ “tháo chạy vốn” (capital flight). Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dòng vốn đầu tư ra bên ngoài của Trung Quốc tăng trưởng trung bình trên 20%/năm trong giai đoạn năm 2009-2016. Tuy nhiên, con số này đã giảm 29% trong năm 2017 và không có dấu hiệu cải thiện trong năm 2018. Sau 3 tháng đầu năm 2019, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc chỉ đạt 25 tỉ USD, gần 21% của năm 2018.
Dù vậy theo nhận định VDSC, Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư từ Trung Quốc. “Việt Nam có lợi thế về nhân công giá rẻ cộng thêm vị trí địa lý gần gũi và văn hóa khá tương đồng với Trung Quốc. Đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam không ngừng tăng lên ngay cả khi Trung Quốc sử dụng nhiều biện pháp để hạn chế dòng tiền chảy ra khỏi nước này”, VDSC nhận định.