Ngọc Thủy-Liên Quang Thứ Năm | 31/01/2019 07:30

VN-Index rơi, quỹ đầu tư chơi vơi?

Thị trường chứng khoán năm 2019 được dự báo có nhiều thách thức, tạo ra nhiều sóng lớn đối với ngành quản lý quỹ.

Quỹ Tundra Vietnam Fund (Thụy Điển) đã ví thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua như “tàu lượn siêu tốc”. Nếu nửa đầu năm ngoái, thị trường chứng khoán lạc quan khi VN-Index chạm đỉnh 1.205 điểm (giữa tháng 4.2018) thì sang nửa cuối năm 2018, chứng khoán bước vào chu kỳ giảm giá và lùi về 892 điểm. Tính cả năm 2018, chỉ số VN-Index đã giảm 9,4%. Không chỉ có quỹ chứng khoán, các quỹ ngoại như Warburg Pincus hay GIC cũng trải qua nhiều cung bậc thăng trầm với các khoản đầu tư. 
Một năm thách thức
Trong bối cảnh đó, hoạt động của các quỹ đầu tư cũng không tránh được ảm đạm, nhất là các quỹ chuyên đầu tư vào chứng khoán niêm yết. Theo thống kê sơ lược, hầu hết các quỹ đều ghi nhận mức suy giảm về tài sản ròng (NAV) so với cuối năm 2017. Chẳng hạn, Quỹ SSI-SCA của SSIAM có NAV giảm 8,9%, Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFMVF1) do VietFund quản lý giảm 9,6%; Quỹ Đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VFMVF4) giảm 11,8%; và quỹ MAFEQI của Công ty Quản lý quỹ Manulife Việt Nam  giảm 16,8%. 

VN-Index roi, quy dau tu choi voi?
 

Một số quỹ có NAV giảm thấp hơn đà giảm của thị trường. Điển hình là Quỹ Đầu tư tăng trưởng (TVGF) do Công ty Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) và Quỹ Đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF trực thuộc Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF). Cả hai cùng có mức giảm NAV khoảng 3,7%. Ông Vũ Quang Đông, Tổng Giám đốc VCBF, cho biết, dù cố gắng nhưng các quỹ đầu tư khó có thể đi ngược lại với biến động của thị trường. 

Ở những quỹ đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài như Dragon Capital, VinaCapital, Vietnam Holdings Limited, Pyn Elite Fund, Tundra Vietnam Fund…, biến động thị trường chứng khoán cũng đã ảnh hưởng xấu đến NAV của các quỹ.  

Hai quỹ đầu tư lớn nhất nhì trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện đang quản lý hàng tỉ USD tài sản là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF, thuộc VinaCapital) và Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL, thuộc Dragon Capital) đã không thể đứng ngoài vòng xoáy suy giảm NAV. Năm 2018, quỹ VEIL có NAV giảm 7,1%, còn quỹ VOF giảm 9%.

Một số quỹ đầu tư ngoại khác như Pyn Elite Fund (Phần Lan), Tundra Vietnam Fund cũng phải chịu trận. Theo báo cáo của Pyn Elite Fund, đến cuối năm 2018, tổng tài sản của quỹ này bốc hơi hơn 1.100 tỉ đồng, tương đương giảm 9,9%. 2018 trở thành năm tồi tệ nhất của quỹ này và Pyn Elite chỉ còn quản lý 383 triệu euro. Riêng Tundra Vietnam Fund suy giảm NAV ở mức 14,2%. 

VN-Index roi, quy dau tu choi voi?
 


Thực tế, trong danh mục của các quỹ đầu tư, hầu hết đều chọn lựa đầu tư vào cổ phiếu bluechip. Có thể kể ra các cổ phiếu như Vinamilk (VNM), FPT, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), Đất Xanh (DXG), Hòa Phát (HPG), Coteccons (CTD)... Nhưng 2018 là năm lao dốc của nhóm cổ phiếu này. Vì thế, từ chỗ đầu tàu, đóng góp lớn cho hiệu quả các quỹ, sang năm 2018, chính các cổ phiếu bluechip lại là gánh nặng. Chẳng hạn, HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và MWG của Thế Giới Di Động là những “đá tảng” khiến giá trị tài sản của Pyn Elite Fund suy giảm. Hay nguyên nhân khiến NAV của Tundra giảm mạnh là do khoản đầu tư vào Thép Nam Kim (NKG) và Tôn Hoa Sen (HSG). 
Có thể thấy, sau 5 năm liên tục tăng trưởng, VN-Index đã ở vào xu hướng giảm. Chính vì thế, 2018 là năm chật vật và nhiều thách thức cho các quỹ đầu tư. 

Những điểm sáng 
Mặc dù vậy, trong bức tranh ảm đạm đó, vẫn có những điểm sáng đáng chú ý, khi một số quỹ vẫn chọn được danh mục đầu tư hiệu quả. Theo báo cáo tháng 12, các cổ phiếu UPCoM đóng góp rất lớn cho hiệu quả của VEIL thuộc Dragon Capital. Trong đó, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là khoản đầu tư hiệu quả nhất trong top 10 danh mục. Hiện ACV chiếm hơn 3% NAV của quỹ. Hay khoản đầu tư vào Tổng Công ty Tín Nghĩa (TID) cũng là khoản đầu tư riêng lẻ có đóng góp lớn nhất cho hiệu quả của quỹ. Ngoài ra, phải kể đến khoản đầu tư của VEIL vào Veam Corp (VEA), Khang Điền (KDH), Sabeco (SAB)… 

Riêng bộ ba Vingroup, Vinhomes, Vincom cùng với khoản đầu tư vào POM cũng đóng góp tích cực vào hiệu quả của quỹ VEF thuộc Dragon Capital. Trong khi đó, Hòa Phát (HPG), Ngân hàng Quân Đội (MBB) là khoản đầu tư kém hiệu quả nhất của các quỹ thuộc Dragon Capital. Nhưng quan điểm của Dragon Capital là vẫn đặt cược vào MBB và HPG vì tin tưởng triển vọng dài hạn. Năm 2018, quỹ VEIL đã loại Vinamilk (VNM) khỏi danh mục top 10 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ. Đây là điều chưa từng diễn ra khi suốt từ năm 2011-2015, Vinamilk luôn chiếm hơn 20% trong danh mục đầu tư của VEIL. 

VN-Index roi, quy dau tu choi voi?
 


Điểm sáng khác cho ngành quản lý quỹ là thị trường xuất hiện thêm quỹ mới. Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), năm 2018, VSD đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho 6 quỹ mở mới, của VinaCapital, Vietfund, Công ty Quản lý Quỹ đầu tư MB, Công ty Quản lý Quỹ Chubb Life, Công ty Quản lý Quỹ Kỹ Thương và Công ty Quản lý Quỹ PVI. Trong đó, quỹ MBGF và quỹ VFMVEI đã hoàn thành IPO; 4 quỹ còn lại đang chờ IPO.
Mới đây hơn, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (DFVN), thuộc Tập đoàn Dai-ichi Holdings Inc. (Nhật) vừa ra mắt quỹ mở Quỹ Đầu tư Tăng trưởng DFVN (DFVN-CAF). Đây là quỹ mở đầu tiên của Dai-ichi Life Việt Nam, chuyên đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, căn cứ vào các yếu tố cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng cao, quản trị vững mạnh. Quỹ DFVN-CAF lấy VN-Index làm chỉ số chứng khoán tham chiếu để đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ. 

Ông Trần Châu Danh, Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc Điều hành về đầu tư của DFVN, kỳ vọng: “Khi cả nước mới chỉ có 24 quỹ mở, với khoảng 30.000 tài khoản nhà đầu tư, tiềm năng thị trường Việt Nam vẫn rất lớn”. Hiện tại, ngành quản lý quỹ ở Việt Nam đang quản lý hơn 13.000 tỉ đồng tổng tài sản. Theo các công ty quản lý quỹ, đây là con số tuy khiêm tốn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á nhưng đã gấp 2 lần năm 2017. Nổi bật là Quỹ Trái phiếu TCBF đạt tăng trưởng tổng tài sản gấp gần 3 lần so với đầu năm 2018 và là quỹ trái phiếu có quy mô lớn nhất với hơn 6.600 tỉ đồng. 

Thực tế, 2018 là năm của quỹ đầu tư vào trái phiếu khi các quỹ loại này đều tăng trưởng dương. Trong khi đó, các quỹ đầu tư cổ phiếu nói chung đều suy giảm NAV. Dù vậy, các quỹ đầu tư cổ phiếu như VFMVF1, VFMVF4, VOF, VFMVN30 ETF vẫn tiếp tục thu hút được vốn đầu tư.

Đơn cử cuối năm 2018, Bualuang Securities (BLS), một công ty chứng khoán đến từ Thái Lan, đã phát hành chứng chỉ lưu ký (DR) với quy mô hàng trăm triệu USD để đầu tư vào chứng chỉ quỹ VFMVN30 ETF. Dòng tiền từ Thái Lan được dự báo sẽ tiếp tục đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua chứng chỉ quỹ VFMVN30 ETF. Bước sang năm 2019, xu hướng của VFMVN30 ETF vẫn là phát hành ròng chứng chỉ quỹ. Tổng tài sản của VFMVN30 ETF tính đến ngày 21.1.2019 đạt gần 4.300 tỉ đồng (187 triệu USD). 

Những quỹ ghi dấu ấn
Warburg Pincus LLC (WP) vừa thu hút dư luận với khoản đầu tư vốn lần thứ 3 vào Ví điện tử MoMo. Ứng dụng MoMo của Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) ước tính đã có hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán và sở hữu 8.000 đại lý trên khắp Việt Nam, tiếp cận được gần 10 triệu người dùng. Điều này dấy lên kỳ vọng là trong tương lai khoản đầu tư sẽ ra trái ngọt cho WP. 

Theo nguồn tin riêng tin cậy, WP đến thời điểm hiện tại đã kêu gọi vốn hơn 77,1 tỉ USD cho 19 quỹ đầu tư. Ngoài ra, trong cùng tháng 11, WP chính thức đệ đơn lên SEC (Ủy ban Chứng khoán Mỹ) để xin thành lập một quỹ mới, với ngân sách đầu tư lên đến 13,75 tỉ USD. Nhiều nguồn tin gợi ý, quỹ mới này có thể mang tên là Quỹ Đầu tư Toàn cầu (Global Growth). Những công ty nằm trong danh mục đầu tư của WP có thể kể đến các công ty về công nghệ như CrowdStride, Mobike, OfferUp… 

VN-Index roi, quy dau tu choi voi?
 


Trên phương diện địa lý, những quốc gia tại châu Á mà WP đang có tài sản đầu tư gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Singapore và Việt Nam. Theo đó, dựa trên nguồn tin của Crunch Base, các khoản đầu tư gần đây của WP tại khu vực có xu hướng nghiêng về công nghệ và giáo dục bao gồm: MoMo (100 triệu USD - Việt Nam), DaDa (255 triệu USD - Trung Quốc), Geek+ (150 triệu USD - Trung Quốc) và Yuanfudao (300 triệu USD - Trung Quốc). Theo đó, chi tiết về các thương vụ có thể khái quát gồm: MoMo, ví điện tử trên nền tảng di động, công cụ cho phép người dùng thực hiện giao dịch tiền tệ theo cách thức phi truyền thống; DaDa, học viện tiếng Anh online, cho phép người dùng tương tác 1-1 với giáo viên phụ đạo; Geek+ là doanh nghiệp chuyên về ứng dụng robot trong kho vận; Yuanfudao, nền tảng học online như Coursera, cung cấp các khóa học kỹ năng, phụ đạo với giáo viên người thật đến học viên. 

Ngoài MoMo, WP còn có ít nhất 4 khoản đầu tư tại Việt Nam, đó là liên doanh phát triển Khu công nghiệp BW (Becamex - Warburg Pincus), hệ thống khách sạn Lodgis, khoản đầu tư vào Techcombank và Vincom Retail. Cụ thể, liên doanh BW được thành lập bởi Warburg Pincus và Becamex - tập đoàn chuyên về phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, liên doanh BW được cam kết số vốn đầu tư lên đến 200 triệu USD, cũng như tài sản đất đai giá trị, theo hình thức hợp tác giữa Becamex và WP. Theo tìm hiểu, liên doanh này hiện đang nắm quỹ đất lên đến 2 triệu m2 tại các khu kinh tế và khu công nghiệp trọng điểm. Giai đoạn đầu tư của thương vụ này được WP xếp vào mức khởi điểm (early stage), gợi ý việc quỹ sẽ gắn bó lâu dài với Becamex. 

Ngoài việc hợp tác với Becamex, WP còn hợp tác với VinaCapital, để thành lập Lodgis, hệ thống để phát triển, thâu tóm và vận hành tài sản du lịch trong khu vực Đông Nam Á. Thanh khoản cam kết cho Lodgis lên đến 300 triệu USD. Theo Warburg Pincus, một số tài sản du lịch cao cấp được đề cập đến bao gồm Sofitel Legend Metropole Hanoi (The Metropole) và chuỗi Fusion Hotels & Resorts. Tương đồng về tầm nhìn đầu tư với liên doanh BW, thương vụ hợp tác với VinaCapital được xếp vào dạng khởi điểm. 

Nếu nói có thương vụ nào WP thu lợi lớn, thậm chí gây tiếng vang tại thị trường châu Á, phải kể đến thương vụ thoái vốn khỏi Vincom Retail bởi WP, được ví như là “thương vụ thoái vốn thành công nhất châu Á - Thái Bình Dương”, theo Finance Asia. Tại thời điểm Vincome Retail (VRE) niêm yết, khoảng 415 triệu cổ phiếu VRE đã được giao dịch thành công tại mức giá 40.600 đồng/cổ phiếu, đem lại tổng giá trị khớp lệnh hơn 740 triệu USD. 

Về mảng ngân hàng, quỹ đầu tư tư nhân đã công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD vào Techcombank (TCB), nhằm giúp ngân hàng này hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam. “Chúng tôi tin tưởng rằng Techcombank sẽ tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu ở Việt Nam và sẽ trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á”, ông Jeffrey Perlman, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á của WP, cho biết.

Trong khi đó, quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC đang nổi lên như một quỹ đầu tư “rải thảm” tại Việt Nam. Nếu châu Á là một khu vực đầy tiềm năng, thì Việt Nam nổi lên như nền kinh tế năng động trong con mắt của các nhà quản lý GIC. Cơ sở củng cố cho quan điểm trên là vị thế đầu tư của GIC tại các định chế kinh tế lớn của Việt Nam. Qua tìm hiểu, tính đến năm thời điểm 2018, GIC đã “bén duyên” và nắm cổ phần khá lớn tại VietJet Air (4,97%), Masan (5,43%), Vinamilk (0,7%), FPT (3,52%), Pan Group (4,88%) và Vinasun (7,97%). Theo nhiều nguồn thạo tin, tổng giá trị đầu tư được ước tính vào khoảng 15.000 tỉ đồng. 

VN-Index roi, quy dau tu choi voi?
 


Ngoài các khoản đầu tư trên, GIC cũng đã gây ấn tượng mạnh khi tham gia đầu tư vào sự kiện IPO lớn nhất của Vinhomes. Ngày 20.4.2018, GIC phát ra thông báo mua vào 153,85 triệu cổ phiếu Vinhomes, tương ứng tỉ lệ sở hữu 5,74% với khoản đầu tư lên đến 1,3 tỉ USD (29.500 tỉ đồng). Nếu giá tham chiếu ngày 14.5 của Vinhomes là 88.400 đồng/ cổ phiếu, thì ngày 24.1 mức giá giao dịch là 78.800 đồng/ cổ phiếu, tương đương mức giảm 10,8%.

VN-Index roi, quy dau tu choi voi?
 


GIC là quỹ đầu tư quốc gia của Singapore được thành lập từ năm 1981, quản lý danh mục 100 tỉ USD, với hơn 1.400 nhân viên do Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long làm Chủ tịch. Theo thông tin trên trang xếp hạng quỹ đầu tư - SWF Institute, tổng tài sản của GIC thực tế có thể đạt 390 tỉ USD, xếp hạng thứ 13 thế giới về giá trị và xếp hạng 6 về mức độ minh bạch. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị các khoản đầu tư của GIC Việt Nam được ước tính lên đến gần 44.500 tỉ đồng, một nguồn tin giấu tên cho biết. 

Nhìn chung, các thương vụ đầu tư chứng khoán của GIC đem lại không ít quả ngọt cho quỹ này. Trong năm 2016, GIC cũng mua vào 16,4 triệu cổ phiếu VJC của VietJet, tương đương 5,21% vốn tại mức giá 84.400 đồng/cổ phiếu. Sau nhiều lần phát hành chia thưởng lượng cổ phần tăng lên 22,7 triệu cổ phiếu, đến tháng 3.2018, GIC đã giảm sở hữu tại VJC xuống 4,97% vốn, tương đương 22,4 triệu cổ phiếu. Kiểm chứng tại ngày 23.1, giá cổ phiếu của VJC hiện dao động tại mức 117.700 đồng/cổ phiếu, đem lại khoản lợi nhuận ít nhất 39,4% nếu GIC đóng vị trí trong ngày. 

Tương tự, trong năm 2016, GIC cũng rót vốn vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) mua 37,9 triệu cổ phiếu, tương đương 5,08% vốn ở quanh mức giá 69.200 đồng/cổ phiếu. Tham khảo cập nhật ngày 23.1, cổ phần mà GIC đang nắm tại MSN có thể dao động vào khoảng 4,52%. Giá cổ phiếu ngày 23.1 của MSN dao động quanh mốc 78.500 đồng/cổ phiếu, đem lại lợi nhuận ít nhất 13,4% cho GIC nếu thoái vốn. Ngoài ra, khoản đầu tư vào Pan Group và FPT cũng được cho là đem lại lợi nhuận không nhỏ cho GIC khi chọn đúng thời điểm đầu tư ban đầu tại Việt Nam. 

Dù nếm không ít quả ngọt, GIC cũng trải qua không ít trái đắng. Thương vụ đầu tư vào Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã VNS) của GIC có lẽ là một va vấp của quỹ đầu tư quốc gia này trong quá trình đầu tư quốc tế. Năm 2014, GIC đã mua lại 4,5 triệu cổ phiếu VNS (tỉ lệ 7,96%) từ Red River Holdings với mức giá ước tính khoảng 203 tỉ đồng, bình quân 45.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trong 4 năm qua, thị giá của VNS đã giảm 42% xuống mức 14.600 đồng/cổ phiếu. Vừa qua, GIC đã phải bán toàn bộ 7,96% vốn tại VNS với giá khớp trung bình chỉ 14.400 đồng/cổ phiếu, tức gánh chịu khoản lỗ khoảng 140 tỉ đồng.