Cẩm Tú Thứ Tư | 04/11/2020 08:30

Vệ tinh cho chiến lược Made in Vietnam

Làn sóng các tập đoàn công nghệ đa quốc gia đã giúp Việt Nam sớm vẽ được bản đồ công nghiệp hỗ trợ.

Ngay khi được cấp phép đầu tư ở Khu Công nghệ cao quận 9, TP.HCM cách đây chưa lâu, Tập đoàn Công nghiệp Techtronic Industries (TTI), có trụ sở tại Hồng Kông, đã kéo Ban Quản lý Khu Công nghệ và Sở Công Thương Thành phố vào một cuộc chạy đua mục tiêu chưa từng có: thu hút khoảng 180-200 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho TTI, với mục tiêu đạt khoảng 2,5 tỉ USD mỗi năm, tỉ lệ cung ứng nội địa đạt 60% trong năm 2020 và 80% vào năm 2021.

HỆ SINH THÁI TỈ USD
Hàng loạt doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM như Công ty Cơ khí Duy Khanh, Công ty Thiết kế chế tạo Nhật Minh, Công ty Cơ khí Vĩnh Tường... đã giới thiệu khả năng cung ứng trước TTI cũng như kỳ vọng có thể tham gia chuỗi cung ứng của tập đoàn này.

Đại diện Duy Khanh cho biết, để đón đầu cơ hội, tham gia được chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhờ có sự hỗ trợ về lãi suất từ chương trình kích cầu đầu tư của TP.HCM, ngay trong năm 2020 này, Công ty dự kiến sẽ khởi công nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm trong lĩnh vực cơ khí như khuôn mẫu, để có thể cung cấp và tham gia chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp FDI trong khu công nghệ cao cũng như những doanh nghiệp FDI khác.

Một diễn biến khác cũng cho thấy sức hấp dẫn của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Năm ngoái, 4 đơn vị lớn của Samsung gồm Samsung Thái Nguyên, Samsung Electronics Vietnam, Samsung Display Vietnam và Samsung HCMC CE Complex đạt tổng doanh thu trên 1,5 triệu tỉ đồng, tương đương gần 66 tỉ USD, bằng 1/4 GDP của Việt Nam. Samsung cùng với hệ sinh thái các doanh nghiệp hỗ trợ đem theo hàng chục tỉ USD đầu tư vào Việt Nam, bên cạnh đó cũng tuyển dụng hàng trăm ngàn lao động, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà cung ứng nội địa tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đại diện Samsung tại nhà máy của Camex Việt Nam.
Đại diện Samsung tại nhà máy của Camex Việt Nam.

Trong giai đoạn 2014-2019, Samsung cho biết số lượng doanh nghiệp Việt Nam được chọn làm nhà cung ứng cấp 1 cho tập đoàn này đã tăng từ 4 lên 42 và tiến tới con số 50 vào năm nay. Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng cho các thương hiệu toàn cầu như Samsung hay TTI ngày càng hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong nước.

Tại buổi họp mặt thường niên quý III của Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE) mới đây, gần 400 hội viên là những doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành khẩn thiết kiến nghị thành phố cần sớm xây dựng khu, cụm công nghiệp hỗ trợ. Mặc dù TP.HCM là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, nhưng đến nay chưa có một khu, cụm công nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ nào nhằm tạo điểm tham quan, kết nối... cho các doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có cơ hội giao thương, ký kết hợp tác với nhau.

HAMEE đang phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM triển khai kế hoạch thực hiện đề án Made by Vietnam. Đây được kỳ vọng là một chương trình đột phá, hướng tới nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, thay cho thực trạng trước đây chỉ chuyên về lắp ráp qua hình thức Made in Vietnam của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cũng như doanh nghiệp lắp ráp trong nước.

Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương TP.HCM, từ đầu năm, trung tâm này đã nhận được danh mục gần 450 linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của 14 doanh nghiệp FDI cần tìm kiếm nhà cung ứng. “Trong đó có rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Samsung, Mercedes-Benz, Panasonic, Techtronic Tools, Sankitech... Đã có hơn 100 doanh nghiệp được chọn để kết nối với doanh nghiệp FDI”, bà Oanh cho biết. Tuy nhiên, với năng lực hiện tại, các doanh nghiệp chỉ đáp ứng được vị trí nhà cung ứng cấp 3 hoặc cấp 4.

 

Lý do mà các doanh nghiệp trong nước chưa thể tham gia vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu là quy mô sản xuất nhỏ, trình độ quản trị hạn chế, sản phẩm bị lỗi nhiều. Ngoài ra, với nhiều hạng mục hoàn thiện, doanh nghiệp Việt Nam phải gửi sang Thái Lan, Trung Quốc gia công rồi gửi về, khiến chi phí tăng cao.

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp nêu ý kiến rằng, việc gia nhập chuỗi cung ứng phải bắt đầu từ thấp lên cao, khởi đầu với vị trí nhà cung ứng cấp 3 hoặc 4 đã là khả quan. Vấn đề còn lại là cần chủ động tìm đến những nguồn lực hỗ trợ có sẵn từ phía các cơ quan chức năng, cũng như doanh nghiệp FDI để nâng cao năng lực cung ứng của mình.

Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đã tận dụng chính sách hỗ trợ vốn vay tương ứng 85%/tổng giá trị đầu tư, lãi suất vay ưu đãi 7 năm để chuyển đổi dây chuyền sản xuất. Hiện Công ty đã vươn lên trở thành nhà cung ứng cấp 1 trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu cho Samsung. Trung bình mỗi năm, Công ty cung ứng hơn 200 loại sản phẩm với tối thiểu 20 triệu linh kiện cho đối tác Hàn Quốc.

VẼ BẢN ĐỒ MADE IN VIETNAM
Từ góc doanh nghiệp FDI, bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Canon Việt Nam, cho biết Công ty luôn tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam. Hiện Canon có 59 nhóm linh kiện cần nội địa hóa và luôn đăng tải trên website của doanh nghiệp. “Ở Việt Nam, các nhà cung cấp nội địa mới chủ yếu cung cấp nhựa, bao bì đóng gói, linh kiện in ấn... trong khi một máy in có gần 400 linh kiện và nhiều chủng loại khác nhau. Chúng tôi đang tìm kiếm thêm nhưng đối tác mới vẫn chỉ là nhà cung cấp linh kiện nhựa”, bà Thu Huyền cho biết.

Nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Samsung, Mercedes-Benz, Panasonic... đang tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa.
Nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Samsung, Mercedes-Benz, Panasonic... đang tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa.

Theo đại diện Samsung Việt Nam, việc thay đổi công nghệ, dây chuyền với doanh nghiệp Việt Nam là điều vô cùng khó khăn. Trừ khi có rất nhiều vốn, Samsung khuyến khích và khuyên doanh nghiệp nên nỗ lực trong các mảng khác, đặc biệt là nghiên cứu và phát triển (R&D). “Chi phí R&D của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp, trung bình chỉ khoảng 0,2-0,3% doanh thu. Ví dụ, cùng 1 con ốc, nay doanh nghiệp bán 1 đồng, sang năm chỉ bán được 0,8 đồng thôi hoặc đạt chất lượng tốt hơn nhưng vẫn không nâng được giá”, đại diện Samsung phân tích.

 

Mới đây, Panasonic Vietnam đã công bố kế hoạch dịch chuyển nhà máy từ Thái Lan sang Việt Nam để có thể bắt đầu sản xuất từ khoảng đầu năm sau. Ông Marukawa Yoichi, Tổng Giám đốc Panasonic Vietnam, nhận định: “Chúng tôi nghĩ rằng, Việt Nam đang ở một hoàn cảnh hoàn hảo để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp hỗ trợ, đồng thời cải thiện năng lực của ngành logistics. Tỉ lệ nội địa hóa của Panasonic ước tính cho cả Tập đoàn tại Việt Nam vào khoảng 30%”.

Bà Hoàng Thu Thủy, Trưởng Bộ phận Quản lý mua hàng toàn cầu của Panasonic Việt Nam, cho biết hiện danh mục sản phẩm sản xuất tại Việt Nam của Tập đoàn rất đa dạng, bao gồm tivi, tủ lạnh, máy lạnh, đồ điện gia dụng... nên cần rất nhiều linh kiện. Vì vậy, nhu cầu phát triển nhà cung cấp phụ kiện tại chỗ là rất lớn. “Cơ hội cho các nhà cung cấp là như nhau vì Panasonic không phân biệt doanh nghiệp nước ngoài hay trong nước”, bà Thủy khẳng định.

 

Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật (JETRO), có đến 41% doanh nghiệp Nhật trả lời có kế hoạch đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Nhu cầu về nguồn cung ứng linh kiện tại chỗ rất lớn và là cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ TP.HCM.

Ngoài ra, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu tại Mỹ, châu Âu và nhất là Trung Quốc đã buộc nhiều doanh nghiệp FDI phải đa dạng hơn các chuỗi cung ứng tại nhiều thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Trong bảng xếp hạng thường niên về các thị trường sản xuất thích hợp trên toàn cầu dựa trên việc so sánh 48 quốc gia tại châu Âu, châu Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương của Cushman & Wakefield mới công bố, Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng ở vị trí thứ 2 là Việt Nam.

Ông Hirai Shinji, Trưởng Đại diện Văn phòng JETRO tại TP.HCM, cho biết: “Gần đây, sự cần thiết của việc thiết lập một hệ thống cung ứng bền vững và đáng tin cậy thông qua việc đa dạng hóa cơ sở sản xuất đã được các công ty Nhật ghi nhận, sau khi trải qua đại dịch COVID-19. Để Việt Nam duy trì vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các công ty sản xuất Nhật khi mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, việc phát triển các cụm công nghiệp thông qua tăng cường mạng lưới kinh doanh giữa các công ty Nhật và địa phương nhằm thúc đẩy công nghệ sản xuất tiên tiến là vô cùng cần thiết”.

 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20.10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,48 tỉ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Để đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam phải chuẩn bị mọi yếu tố để trở thành công xưởng của thế giới với sự thuận lợi và sẵn sàng từ môi trường kinh doanh, nguồn lao động chuyên nghiệp và đặc biệt là một nền công nghiệp hỗ trợ phát triển...

Tin vui là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới. Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa.

Trong khi đó, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, khẳng định sẽ tăng cường hợp tác với Chính phủ và cơ quan hữu quan, tích cực mở rộng các hoạt động phát triển ngành công nghiệp phụ trợ theo các lĩnh vực chuyên sâu trong thời gian tới. Đại diện Samsung cho biết đã hoàn thiện năng lực sản xuất và đưa vào chuỗi cung ứng hơn 200 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất trong thời gian tới, Tập đoàn đang nỗ lực tìm thêm khoảng 50 doanh nghiệp cung ứng nữa. Một tin vui khác là mới đây, sau khi dự án đầu tiên nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Tập đoàn Pegatron đến từ Đài Loan đang bắt đầu làm thủ tục đầu tư cho dự án thứ 2, với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD. Sản phẩm của dự án sẽ cung cấp cho Microsoft, Sony, Lenovo và Apple.

Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), nhấn mạnh, trong bối cảnh các đơn hàng cung ứng bị gián đoạn do dịch bệnh, các doanh nghiệp FDI sẽ nới lỏng tiêu chuẩn chọn đơn vị cung ứng. Với những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ không đáp ứng tiêu chí cung ứng, thay vì loại bỏ thì doanh nghiệp FDI sẽ chấp nhận lựa chọn để hoàn thiện năng lực, đảm bảo gia nhập bền vững chuỗi cung ứng của mình. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt từng bước hoàn thiện năng lực sản xuất. 

“Những năm gần đây, tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp FDI tại SHTP ngày càng tăng. Nếu như năm 2016 chỉ chiếm khoảng 16%, thì tới cuối năm 2019, tỉ lệ này đã được nâng lên khoảng 22% và trong 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng lên hơn 33%. Nhiều khả năng tỉ lệ nội địa hóa sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”, bà Bích Loan nhận định.