Phùng Mỹ Thứ Tư | 24/02/2021 08:30

Vaccine COVID-19: Ánh sáng cuối đường hầm

Trong chương trình tiêm chủng lớn nhất lịch sử loài người, cuộc đua để giành quyền tiếp cận những liều vaccine đầu tiên giữa các nước mới chỉ đang bắt đầu.

Đã hơn 1 năm kể từ ngày thế giới biết đến COVID-19, một đại dịch được xem là nỗi bàng hoàng thảm khốc nhất trong vòng một thế kỷ qua, kéo theo tình trạng suy thoái kinh tế nặng nề nhất kể từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ 2. Vết thương kinh tế cũng như nỗi đau mà đại dịch gây ra đến nay vẫn chưa thống kê được. 

Số ca nhiễm mới cũng như số người chết vẫn gia tăng theo từng ngày. Theo thống kê của Worldometer, tính đến ngày 19.2, thế giới có hơn 110,8 triệu ca nhiễm và hơn 2,45 triệu người đã chết vì COVID-19. Tại Việt Nam, kể từ cuối tháng 1.2021, đại dịch dường như đang bùng phát trở lại, cả nước “đón Tết” trong tâm thế thấp thỏm khi Hải Dương, Quảng Ninh trở thành những ổ dịch mới.

Cuộc đua tiêm chủng toàn cầu
Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu năm 2021 của World Bank, được công bố vào tuần đầu tháng 1, dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ mở rộng khoảng 4%, nhưng phụ thuộc vào tiến độ tiêm phòng vaccine trên toàn cầu. Tăng trưởng GDP thế giới năm 2021 có khả năng thấp hơn 5,3% so với dự báo trước đại dịch. Về cơ bản, điều này có nghĩa là cuộc khủng hoảng sức khỏe COVID-19 đã khiến thế giới thiệt hại khoảng 3 tỉ USD. Báo cáo kỳ vọng việc nhanh chóng triển khai tiêm chủng sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ sự phục hồi về niềm tin, tiêu dùng và sự cải thiện dần trong thương mại.

Vì thế, khi cuộc đua phát triển vaccine ngừa COVID-19 đã gần chặng cuối, thì một cuộc đua mới lại bắt đầu. Đó là cuộc đua để giành quyền tiếp cận những liều vaccine đầu tiên giữa các nước. Tính tới 1 giờ ngày 17.2 (giờ quốc tế), khoảng 178 triệu liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới. Trang web cũng cho biết có khoảng 91,57 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 liều. Con số này không bao gồm Trung Quốc. Tính theo nước, Mỹ đã tiêm chủng được nhiều liều nhất với 52,88 triệu liều.

Tính đến nay đã có khoảng 1% dân số toàn cầu được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo, trước kỳ vọng toàn cầu về việc trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch, bất kỳ loại vaccine nào cũng có thể giống như “ánh sáng cuối đường hầm”. Phát triển, thử nghiệm và xem xét bất kỳ loại vaccine tiềm năng nào là một nỗ lực lâu dài, phức tạp và tốn kém. 

Hiện tại, phần lớn sức lực của các chính phủ dành cho việc phân loại hậu cần để phân phối vaccine mà họ có thể trực tiếp kiểm soát. Tuy nhiên, nguồn cung cấp vaccine mới là điều quan trọng nhất. Nhiều ứng cử viên tiềm năng được cả thế giới quan tâm có thể kể đến BioNTech-Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Sputnik V của Nga, Sinovac của Trung Quốc và vaccine của Ấn Độ.

Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua trên với 4 nhà sản xuất vaccine gồm Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Dược Nanogen, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (Polyvac), Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC). Cả 4 vaccine “made in Vietnam” đều sản xuất theo công nghệ protein tái tổ hợp. Hai nhà máy sản xuất vaccine tại Việt Nam đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng, nếu thử nghiệm thành công thì dự kiến đến quý II/2022, vaccine có thể được đưa ra thị trường trong nước.

Trong khi các quốc gia chờ đợi nguồn cung vaccine, vai trò trung tâm trong việc ngăn chặn virus sẽ được thực hiện bằng các biện pháp can thiệp phi dược phẩm, bao gồm khẩu trang, giãn cách xã hội và phong tỏa. Hy vọng về số liều vaccine sẽ nhiều lên, khi quy mô sản xuất tăng lên và các loại vaccine mới giành được sự chấp thuận của cơ quan quản lý. 

Tỉ đô phân phối vaccine 
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố cam kết trị giá 4 tỉ USD của Mỹ cho liên minh vaccine toàn cầu COVAX trong cuộc họp trực tuyến với các thành viên G7 ngày 18.2. Thị trường vaccine COVID-19 chưa bao giờ sôi động hơn thế khi “sức mạnh quyền lực mềm” và giá trị về mặt kinh tế, y tế xã hội do vaccine mang lại là điều hiển nhiên. Bất cứ khi nào có thể, vaccine vẫn đóng vai trò bảo vệ cá nhân cho các nhóm nguy cơ cao (như nhân viên y tế và người cao tuổi có bệnh nền). 

Nghiên cứu sản xuất vaccine tại Công ty Nanogen TP.HCM.
Nghiên cứu sản xuất vaccine tại Công ty Nanogen TP.HCM.

Chừng nào COVID-19 còn tiếp tục lây lan, virus chết người này sẽ tiếp tục được coi là nguy cơ ảnh hưởng đến toàn cầu. Do đó, việc tìm kiếm nguồn cung như một nỗ lực cứu vãn nền kinh tế đang thúc đẩy những thỏa thuận mua bán vaccine COVID-19 trị giá hàng tỉ USD giữa các quốc gia phát triển trên thế giới và các công ty dược phẩm đi đầu trong việc phát triển vaccine. Những kế hoạch tiếp cận được vaccine sớm cũng đã trở nên rõ ràng hơn. 

Theo Tổ chức Oxfam, nhóm các nước giàu chiếm 13% dân số toàn cầu đã đặt mua hơn 50% số vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng của thế giới. Theo Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu, các nhà chức trách Ấn Độ đã đặt 1,6 tỉ liều vaccine COVID-19. Đây là nước đặt hàng nhiều vaccine nhất so với bất kỳ quốc gia nào. Trong khi đó, các nước châu Á - Thái Bình Dương đã đặt khá nhiều liều vaccine để chống lại sự đe dọa của chủng virus mới. 

Theo một báo cáo của cơ quan nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU), nhiều nước phát triển sẽ tiêm ngừa COVID-19 cho phần lớn dân số vào cuối năm nay, nhưng các nước nghèo phải đến năm 2024 hoặc lâu hơn để làm điều đó. EIU dự báo việc phân phối vaccine không đồng đều có thể gây thiệt hại đến 9 tỉ USD cho GDP toàn cầu khi làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng ở các quốc gia chưa được tiêm ngừa, nơi cuộc sống bình thường vẫn chưa trở lại.

Bộ Y tế đã ký quy tắc để mua vaccine AstraZeneca.
Bộ Y tế đã ký quy tắc để mua vaccine AstraZeneca.

Chương trình COVAX, một liên minh chia sẻ vaccine toàn cầu, hy vọng sẽ cung cấp 2,3 tỉ liều trong năm nay. Nhưng ngay cả khi điều đó được thực hiện, lượng vaccine cũng sẽ chỉ bao phủ khoảng 1/5 dân số mục tiêu và con số này thực sự quá ít để đạt được miễn dịch cộng đồng. Theo Oxfam, tổng công suất các nhà máy có thể sản xuất 5 loại vaccine do các hãng dược AstraZeneca, Gamaleya/Sputnik V, Moderna, Pfizer và Sinovac sản xuất là 5,9 tỉ liều, số vaccine này chỉ đủ cho 3 tỉ người dùng vì mỗi người phải tiêm đủ 2 liều. Do đó, phần lớn các mũi tiêm cần thiết sẽ được thực hiện vào năm 2022 và 2023. Khi đó có lẽ đã quá muộn. 

Tổng nỗ lực tiêm chủng có thể sẽ tiêu tốn 35 tỉ USD và hơn thế nữa với nhu cầu tiêm chủng thường xuyên. Sẽ còn tốn kém hơn nếu nỗ lực tăng tốc sản xuất và phân phối vaccine được thực hiện trong năm nay. Có một nguy cơ là vaccine có hiệu quả một phần sẽ mang lại cho các chính phủ và người dân cảm giác hy vọng sai lầm rằng đại dịch sắp kết thúc. 

Rõ ràng, vaccine sẽ cứu sống và ngăn ngừa bệnh nặng, nhưng một vài người trong số những người được tiêm chủng vẫn có thể nhiễm và truyền bệnh. Mặt khác, ngày càng nhiều biến chủng virus mới xuất hiện, có thể gây vô hiệu các vaccine hiện có. Điều này có thể dẫn đến việc rút lui vội vàng các biện pháp trấn áp đại dịch COVID-19.

Đường đua vaccine của Việt Nam 
Khi vaccine mới được đưa ra thị trường, các nhà cung cấp sẽ phải vất vả để đảm bảo đủ nguồn cung cho hàng tỉ người trên toàn cầu. Với năng lực sản xuất vaccine hiện nay và nhất là vấn đề “lợi ích sát sườn”, khả năng cao là các quốc gia giàu có sẽ độc quyền phân phối hoặc giữ phần trước cho công dân của mình. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lập luận: “Chủ nghĩa dân tộc vaccine làm hại tất cả mọi người và không bảo vệ được ai. Bởi lẽ, không ai an toàn cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn”.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn được xem là quốc gia đã “làm phẳng đường cong” biểu đồ dịch COVID-19, ngăn không cho các bệnh viện bị quá tải, dù số ca nhiễm tăng nhanh trong những tuần gần đây. Cuộc đua tiêm chủng vaccine sẽ giúp cho Việt Nam có thêm nền tảng để chiến thắng đại dịch. Chính phủ Việt Nam cũng chấp thuận chủ trương mua vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Nhiều thông tin cho thấy, ngay sau Tết Nguyên đán, vaccine Nano Covax của Công ty Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trên 560 người tình nguyện.

Nếu triển khai nhanh và được phê duyệt khẩn cấp, vaccine này có thể ra mắt vào giữa năm 2021. Khi đó, diện người được tiêm ngừa sẽ rộng hơn. “Chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào vaccine này”, Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), khẳng định.

Bên cạnh việc sản xuất vaccine trong nước, Việt Nam cũng nỗ lực tìm các kênh nhập khẩu vaccine để mở rộng tiêm chủng. Chương trình Covax Facility (giải pháp tiếp cận vaccine phòng COVID-19 toàn cầu) do GAVI và WHO sáng lập để cung cấp vaccine COVID-19 cho 190 quốc gia. Covax Facility dự kiến sẽ phân bổ khoảng 4,8 triệu liều vaccine của AstraZeneca sản xuất cho Việt Nam trong quý I và II/2021. Cùng với nguồn vaccine nhập khẩu, Việt Nam có khoảng 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho 5 triệu người. Như vậy, Việt Nam là một trong những nước ở Đông Nam Á tiếp cận vaccine COVID-19 tương đối tốt.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong năm 2021, để đảm bảo tiêm đủ cho dân số, Việt Nam cần 150 triệu liều (70% dân số). Việt Nam đã đàm phán với các đơn vị, với COVAX, có cam kết 30 triệu liều trong năm 2021, dành cho 6 tháng cuối năm 2021. Bộ Y tế cũng cam kết với AstraZeneca nhập khẩu 30 triệu liều. Như vậy, tổng số trong năm 2021 Việt Nam có 60 triệu liều.

Trước đó, ngày 17.2, Công ty AstraZeneca Việt Nam được chấp thuận nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca với 204.000 liều, nhằm sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch. Trong năm 2021, 30 triệu liều vaccine sẽ được Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam, sớm nhất là quý I. Được biết, do Việt Nam đã ký một bản ghi nhớ với nhà sản xuất vaccine từ trước theo hình thức “đầu tư mạo hiểm” nên số lượng và giá vaccine đàm phán được đều ở mức tốt, số lượng lớn và giá thấp hơn nhiều so với các nước cùng mua vaccine này.


Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc VNVC, khẳng định người dân Việt Nam sẽ được sử dụng một trong những loại vaccine phòng COVID-19 an toàn, chất lượng hàng đầu thế giới, cùng thời điểm với các quốc gia tiên tiến. Mức giá sẽ ưu đãi để nhiều người dân có thể được sử dụng vaccine.

Trong khi đó, Nanogen là 1 trong 3 đơn vị đang nghiên cứu vaccine Nano Covax của Việt Nam. Đây là ứng viên sáng giá hiện thực hóa giấc mơ vaccine COVID-19 của Việt Nam. Trong đợt tăng vốn gần nhất đầu năm 2019, tỉ lệ vốn ngoại trong Nanogen tăng từ 16,28% lên 25,68% với sự tham gia chủ yếu của các quỹ và cá nhân đến từ Hàn Quốc. Một đối tác Việt Nam tham gia thương vụ này là Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cũng là doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc.

Đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax.
Đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax.

Theo báo cáo tài chính của KIS, doanh nghiệp này đã chi ra 11,575 tỉ đồng cho 162.500 cổ phần của Nanogen, tương đương mức định giá hơn 71.000 đồng cho mỗi cổ phần. Căn cứ theo mức giá này, định giá của Nanogen khoảng 5.100 tỉ đồng, cao hơn các doanh nghiệp dược phẩm lớn trên sàn chứng khoán như Imexpharm hay Traphaco.

Sự tham gia bất ngờ của VNVC hay các đơn vị như Nanogen trong cuộc đua vaccine COVID-19 cho thấy ngành tiêm chủng vaccine tiếp tục thu hút các khoản đầu tư lớn. Có thể thấy, không chỉ khi đại dịch diễn ra, nhu cầu tiêm chủng của Việt Nam vẫn rất cao, bởi tỉ suất sinh ở Việt Nam suốt 1 thập niên qua luôn duy trì ở mức ổn định (đạt 2,09 con/phụ nữ tính đến hết năm 2019). Mặt khác, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu Việt Nam (thêm khoảng 1 triệu người/năm) cũng được đánh giá là nhân tố tích cực. Bởi lẽ, khi điều kiện sống khá giả hơn, người ta có xu hướng tìm đến các trung tâm tiêm chủng tư nhân vốn mang tới dịch vụ tốt hơn các trung tâm tiêm chủng công lập. 

Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các cuộc đàm phán với Pfizer và Moderna của Mỹ, cùng với các nhà sản xuất vaccine khác ở Nga và Trung Quốc. Theo kế hoạch của Bộ Y tế, các nhóm đối tượng cần tiêm vaccine phòng COVID-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vaccine cung cấp hạn chế tại Việt Nam.