
Tổng thống Donald Trump lập luận rằng các kế hoạch thuế quan của ông sẽ gia tăng sự thịnh vượng cho nước Mỹ và chấn hưng nền sản xuất trong nước. Ảnh: shutterstock.com.
Ứng biến thương chiến 2.0
7h sáng ngày 3/4/2025, Lan Vy, 41 tuổi, đón chuyến metro như thường lệ để đi từ Thủ Đức đến trung tâm quận 1, nơi đặt văn phòng đại diện của một công ty may mặc đến từ châu Âu. Cô lướt mạng xã hội và đập ngay vào mắt là con số 46% cùng hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm một tấm bảng cỡ lớn ghi những mức thuế khác nhau. “Cao quá”, Lan Vy thầm nghĩ khi so sánh với mức trần 25% mà Tổng thống Mỹ đe dọa trước đó. Cô chỉ thật sự cảm nhận độ lớn của con số 46% khi nhận được email của công ty về việc tạm ngừng sản xuất để nghe ngóng tình hình. Cùng lúc đó, nhân viên môi giới chứng khoán nhắn tin “thị trường đang hoảng loạn” và Lan Vy nhìn thấy một màu đỏ bao phủ thị trường với VN-Index đã giảm gần như hết biên độ, đến 6,7%.
Lo lắng ngay sau đó lan rộng đến mức nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ đã ngừng tuyển dụng, người lao động hoang mang sợ mất việc. “Tình trạng của nhiều doanh nghiệp xuất hàng sang Mỹ hiện nay là dừng tuyển nhân sự, tâm lý người lao động hoang mang vì sợ sắp tới không còn đơn hàng”, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết.
Tất cả chỉ tạm “thở phào” khi ngày 10/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo giảm thuế đối ứng còn 10%, hoãn thi hành 90 ngày nhưng chỉ với một số nước “không trả đũa”, còn Trung Quốc bị tăng thuế lên 125%.
Địa chấn từ thuế đối ứng
Trên đây là những diễn biến khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đột ngột công bố lệnh áp thuế đối ứng của Mỹ với cả thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu áp thuế ở mức cao với 46%.
Theo hãng tin Bloomberg, khi thuế đối ứng được triển khai, tỉ trọng giữa tiền thu từ thuế quan của Mỹ so với kim ngạch hàng hóa được nhập khẩu sẽ là 20%, đồng nghĩa mức thuế quan cao nhất của nước này kể từ năm 1909. Động thái này của Mỹ cũng có khả năng dẫn đến một cuộc chiến thương mại tổng lực trên toàn cầu nếu các đối tác thương mại đáp trả bằng cách áp thuế quan lên hàng hóa Mỹ.
Tổng thống Donald Trump lập luận rằng các kế hoạch thuế quan của ông sẽ gia tăng sự thịnh vượng cho nước Mỹ và chấn hưng nền sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát do Bloomberg thực hiện vào 2 ngày 2-3/4, 92% chuyên gia trả lời rằng việc Mỹ áp thuế quan trên diện rộng làm gia tăng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới.
![]() |
Ngân hàng Goldman Sachs ngày 8/4 cũng cho rằng ngay cả khi Mỹ giảm mạnh thuế đối ứng đã áp lên các đối tác thương mại, khả năng suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới vẫn là 45%, tăng từ mức 35% đưa ra cách đây hơn 1 tuần. “Thuế quan của Tổng thống Trump là một trong những sai lầm có hại và không cần thiết nhất của thời hiện đại”, Henry Curr, biên tập viên kinh tế của The Economist, bình luận.
Việt Nam đã nổi lên như một đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, với thương mại song phương tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây. Năm 2024, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại với Mỹ khoảng 123 tỉ USD, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ so với quy mô kinh tế. Về mặt tuyệt đối, thặng dư của Việt Nam chỉ nhỏ hơn Trung Quốc và Mexico. Thặng dư đáng kể này có vẻ khiến Việt Nam trở thành mục tiêu rõ ràng cho chính sách thuế quan của Tổng thống Trump nếu giải quyết thâm hụt thương mại thực sự là động lực chính.
Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital ước tính, thuế mới tác động đến nhu cầu hàng hóa của Mỹ từ 66-315 tỉ USD. Mức thuế xuất khẩu trung bình tất cả quốc gia vào Mỹ khoảng 25%, tổng nhu cầu nhập khẩu của Mỹ có thể giảm 7,33%, tương đương gần 250 tỉ USD.
Nhu cầu hàng hóa Mỹ giảm sẽ làm suy yếu sức cầu. Với tác động của chính sách thuế mới thì kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ dự kiến giảm hơn 13 tỉ USD. Vì vậy, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này dự kiến giảm, nhất là khi mức áp thuế với hàng Việt Nam cao hơn các nước khác, dẫn tới nguy cơ bên nhập khẩu chuyển hướng sang mua hàng từ các quốc gia chịu mức thuế thấp hơn.
![]() |
“Đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam, mức thuế quan mới đặt ra thách thức rõ ràng”, Tiến sĩ Scott McDonald, giảng viên ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định. Theo ông, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể sớm phải đối mặt với bất lợi do giá cao hơn 46% so với hàng hóa nội địa của Mỹ hoặc các sản phẩm từ các quốc gia chịu thuế quan thấp hơn. Những ngành công nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm điện tử, dệt may, đồ nội thất, giày dép và thủy hải sản - những ngành đóng vai trò trung tâm trong thành công xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết Việt Nam trong những năm gần đây là quốc gia hàng đầu chế biến, xuất khẩu gỗ chỉ sau Trung Quốc. Tại Mỹ, xuất khẩu 38-40% tổng kim ngạch gỗ lên tới 9,4 tỉ USD. Từ năm 2018, khi xảy ra thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam nắm được cơ hội thay thế Trung Quốc, đặc biệt phân khúc tầm trung, phục vụ tầng lớp trung lưu của Mỹ. Đồng thời, Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu gỗ nguyên liệu Mỹ.
“Hiện mức thuế Việt Nam nhập từ Mỹ là 15-25%. Mới đây, Chính phủ Việt Nam có thể áp toàn bộ nhập khẩu của Mỹ về bằng 0. Việc Mỹ áp thuế 46% với mặt hàng nhập của Việt Nam là đòn đánh rất mạnh vào công nghiệp gỗ”, ông Hoài nói.
Một chủ lực xuất khẩu khác của Việt Nam là dệt may cũng đang gấp rút tìm giải pháp trước cú sốc thuế quan từ Mỹ. Trong tổng số hơn 44 tỉ USD xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2024, thị trường Mỹ chiếm đến 40%, tương đương 18 tỉ USD. Hiện tại, mức thuế trung bình hàng dệt may Việt Nam xuất sang Mỹ là 15-16%, tùy loại sản phẩm.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), cho biết nếu Mỹ thực sự áp dụng mức thuế đối ứng lên đến 46% như công bố, hàng dệt may Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế trung bình từ 61-62% khi vào Mỹ. Như thế, người tiêu dùng Mỹ cũng bị ảnh hưởng trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
![]() |
Cơ hội trong biến động
Phân tích của Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) chỉ ra rằng mức thuế đối ứng áp lên hàng hóa Việt Nam cao hơn tương đối mức thuế đối ứng áp lên hàng hóa từ các quốc gia có khả năng cạnh tranh với Việt Nam trong các lĩnh vực này như Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Philippines sẽ làm hàng hóa từ Việt Nam trở nên kém cạnh tranh.
Ngoài ra, việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ gặp trở ngại có thể sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài dự định đầu tư mới hoặc mở rộng nhà máy tại Việt Nam cân nhắc lại kế hoạch hoặc tạm dừng giải ngân để đợi các chính sách thương mại rõ ràng hơn. Những nhà máy đang sản xuất hàng hóa tại Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ có khả năng phải thu hẹp hoạt động, tác động tiêu cực tới việc làm, thu nhập của công nhân Việt Nam đang làm việc tại đây, theo đó ảnh hưởng đến tiêu dùng.
Có thể thấy, tác động gián tiếp của thuế đối ứng cũng tạo ra những thiệt hại không kém: gián đoạn chuỗi cung ứng, khi người mua từ phía Mỹ cắt giảm đơn hàng hoặc yêu cầu đàm phán lại mức giá; sụt giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt từ các nhà sản xuất định hướng xuất khẩu; ảnh hưởng dây chuyền tới các lĩnh vực trong nước như logistics, tài chính, đóng gói và tuân thủ quy chuẩn; biến động tỉ giá, bắt nguồn từ tâm lý thị trường bất ổn và áp lực vĩ mô gia tăng.
“Điều này tạo ra một tình huống chưa từng có đối với doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược tăng trưởng dựa trên khả năng tiếp cận thị trường Mỹ”, Tiến sĩ Scott McDonald nhận định.
![]() |
Triển lãm đồ gỗ, nội thất tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa. |
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ước tính chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2018-2019 đã làm giảm GDP của Mỹ khoảng 1%. Nếu thâm hụt mậu dịch thực sự là mối quan tâm thúc đẩy đằng sau các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump, người ta sẽ mong đợi thuế quan chủ yếu nhắm vào các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Giới phân tích nhận định lạm phát là rào cản quan trọng nhất đối với chương trình áp thuế của Tổng thống Donald Trump. Đợt áp thuế vào năm 2018-2019 ước tính đã cộng thêm 0,3 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng giá tiêu dùng của Mỹ, trong giai đoạn lạm phát tương đối thấp. Môi trường hiện tại cho thấy tình hình bấp bênh hơn, khi người Mỹ kỳ vọng lạm phát tăng mạnh vào đầu năm 2025.
Khi được hỏi về việc kêu gọi sự bình tĩnh vào buổi sáng rồi hoãn thuế chỉ vài tiếng sau đó, Tổng thống Donald Trump trả lời trên NBC News rằng: “Mọi người đã phản ứng quá đà. Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, nhưng chúng tôi cảm nhận được tinh thần hợp tác rất lớn từ các nước, trong đó có Trung Quốc. Họ muốn đạt được một thỏa thuận, nhưng chỉ là chưa biết bắt đầu từ đâu”.
Sự khó đoán định trong các chính sách của chính quyền Donald Trump cũng như những bất định của thế giới cho thấy vấn đề nội lực của doanh nghiệp cũng như kinh tế Việt Nam. Đánh giá về nhiệm kỳ Trump 2.0 và cuộc chiến thuế quan đang có nguy cơ lan rộng, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB, đã chỉ ra 3 cơ hội cho Việt Nam. Đầu tiên là cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Hiện nay, tỉ trọng của 5 sản phẩm xuất khẩu đầu bảng gần như thống trị. Do đó, đây là cơ hội để Chính phủ cân nhắc mở rộng các thị trường xuất khẩu, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm còn lại trong danh mục.
Thứ đến là cơ hội tăng đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ. Ông không chỉ đề cập đến hạ tầng cứng như đường sá, đường sắt, mà còn nói đến hạ tầng mềm là y tế, giáo dục và hạ tầng số. Trung bình hằng năm Việt Nam chi khoảng 30% GDP đầu tư cơ sở hạ tầng. So với mức hơn 40% tại Trung Quốc thì Việt Nam đang thiếu đầu tư nên vẫn còn nhiều không gian để tăng đầu tư. Việc tăng đầu tư công sẽ giúp Chính phủ giảm thiểu rủi ro từ biến động của thị trường thế giới. Điều cần quan ngại là Chính phủ có đủ khả năng hay không.
Cuối cùng là Chính phủ có thể linh hoạt hỗ trợ tăng trưởng. Với mức nợ công 35% GDP, hướng đến mục tiêu 30% vào năm 2030, Việt Nam khá kỷ luật với mức nợ công. Tuy vậy, so với mức trần 65%, Việt Nam có nhiều dư địa để tăng đầu tư công. Khi chính phủ tăng đầu tư, những doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu như điện, đường sẽ hưởng lợi lớn.
Ổn định trong bất định
Phân tích của VCBF vẫn nhìn thấy mặt tích cực là các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép là những mặt hàng mà Việt Nam đang có lợi thế lớn tại thị trường Mỹ. Mặc dù thuế đối ứng áp lên hàng hóa Việt Nam là rất cao, nhưng so với Trung Quốc, thuế suất áp lên hàng hóa Việt Nam vẫn thấp hơn, do đó Việt Nam vẫn có lợi thế so với đất nước tỉ dân.
![]() |
Nhà máy Samsung. Ảnh: TL |
So với các quốc gia khác cũng đang xuất khẩu các mặt hàng này như Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam bị bất lợi về thuế suất nhưng lại có lợi thế về khả năng đáp ứng các đơn hàng khó. Theo đó, các đơn hàng giản đơn giá trị gia tăng thấp, biên lợi nhuận thấp có thể chuyển khỏi Việt Nam nhưng Việt Nam có thể đón nhận nhiều hơn các đơn hàng đòi hỏi tay nghề cao hơn và có biên lợi nhuận tốt hơn.
“Có lẽ điều ổn định duy nhất về thương mại toàn cầu hiện nay chính là sự bất định to lớn”, ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC, nhận định. Vị chuyên gia này cho rằng ASEAN sẽ hưởng lợi đáng kể từ xu hướng Trung Quốc sẽ thay thế một số mặt hàng xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ bằng nhiều khoản đầu tư nước ngoài, tăng cường thương mại với các nền kinh tế mới nổi, củng cố vị thế trung tâm của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua xuất khẩu linh kiện và sản xuất công nghệ cao, tránh những điều chỉnh lớn về tỉ giá, đồng thời tận dụng cơ hội tốt nhất để triển khai các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ và cải cách cơ cấu.
Bên cạnh đó, chính sách thiên về giảm nhập khẩu của Mỹ dưới thời ông Trump có thể vô tình tạo động lực cho châu Á thay đổi mô hình tăng trưởng, vốn trước đây phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ. “Tách rời không đồng nghĩa với việc rút lui khỏi thương mại hay quay lưng lại với Mỹ, vốn là một đối tác thương mại quan trọng, mà là cơ hội để châu Á thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới”, ông Frederic Neumann nhận xét.
Việt Nam đang trong tình thế bấp bênh liên quan đến các mức thuế quan tiềm tàng, nhưng phần lớn là do các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Sự không chắc chắn khiến Việt Nam không còn nhiều lựa chọn rõ ràng ngoài việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng khả năng phục hồi kinh tế và chuẩn bị các kế hoạch dự phòng cho nhiều kịch bản thuế quan khác nhau.
“Mặc dù việc duy trì quan hệ ngoại giao với Mỹ vẫn quan trọng, Việt Nam nên nhận ra rằng những động lực cơ bản của chính sách thương mại Mỹ hiện dường như không liên quan đến các cân nhắc kinh tế truyền thống hoặc các mối quan hệ song phương”, ông Frederic Neumann nhấn mạnh.
![]() |
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, cho biết: “Mức thuế 46% là hồi chuông cảnh báo. Nếu trước đây chiến lược mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là mục tiêu dài hạn thì nay đã trở thành yêu cầu cấp bách và sống còn”.
Tiến sĩ Scott McDonald, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp nên cân nhắc nhiều cách tiếp cận khác nhau để điều hướng môi trường thuế quan mới này. Doanh nghiệp có thể đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa thị trường để giảm sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu sang Mỹ. Việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do mang lại những giải pháp thay thế tiềm năng.
Cụ thể, Hiệp định EVFTA sẽ đưa thuế xuất khẩu sang Liên minh châu Âu về 0% từ năm 2025. Hiệp định CPTPP và nhiều thị trường mới chưa được khai thác hiệu quả sẽ là những điểm đến tiềm năng cần được chú trọng trong thời gian tới.
Những chiến lược này mới có thể giúp doanh nghiệp sòng phẳng cạnh tranh mà không lo ngại rủi ro về chính sách thuế cũng như rào cản phi thuế quan của các đối tác thương mại lớn trong tương lai. “Trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang phản ứng với những thay đổi chính sách quan trọng này, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với cả thách thức lẫn cơ hội để chứng minh khả năng phục hồi và thích ứng, vốn đã định hình sự phát triển kinh tế của đất nước trong những thập kỷ gần đây”, Tiến sĩ Scott McDonald kết luận.