Đào tạo công nghệ thông tin tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa
Tuổi vàng rượt đuổi 4.0
Dấu ấn thu hút FDI của Việt Nam trong thập niên qua là sự xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp công nghệ, tập đoàn lớn của nước ngoài tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Bosch, Panasonic và Datalogic... ngày càng xem Việt Nam là cơ sở sản xuất, nghiên cứu quan trọng trong khu vực và trên thế giới để đẩy mạnh đầu tư.
“Đại bàng” thiếu nhân công
Kéo theo đó là nhu cầu tuyển dụng nhân sự công nghệ, kỹ thuật ngày càng tăng. Tuy nhiên, vào thời điểm nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngày càng lớn, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao như lập trình viên, kỹ sư, thì nhiều doanh nghiệp lại đồng thanh than rằng gặp khó khăn khi đối mặt với bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo!
Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (JETRO) tại TP.HCM, cho biết: “Có khá nhiều nhà sản xuất Nhật, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, chần chừ khi đầu tư vào Việt Nam, vì lo ngại khó tuyển dụng được lực lượng lao động chất lượng”.
Đây là lời cảnh báo khi Việt Nam vẫn đang mê mải với các chiến lược “dọn ổ đón đại bàng” nhằm thu hút các thương hiệu công nghệ toàn cầu đến đặt cơ sở sản xuất trước làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Thực tế, thế mạnh thu hút FDI của Việt Nam nhiều năm qua là lực lượng lao động trẻ dồi dào cùng lợi thế chi phí nhân công rẻ. Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam có tình trạng nhân khẩu học thuận lợi hơn so với một số nước trong khu vực. Việt Nam sẽ đạt đỉnh dân số trong độ tuổi lao động vào năm 2040. Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đạt mức đỉnh vào năm 2015, còn Thái Lan là năm 2020. Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng lợi thế về “cơ cấu dân số vàng” trước khi bước vào thời kỳ già hóa dân số.
Năm 2015, Việt Nam ở trong “cơ cấu dân số vàng”, với 70% dân số ở độ tuổi từ 15-64. Tuy nhiên, dân số Việt Nam dự báo sẽ già đi cực kỳ nhanh vào năm 2050, chỉ còn 60% dân số trong độ tuổi lao động và một phần dân số sẽ trên 60 tuổi.
Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỉ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỉ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc hay Ấn Độ. Theo tính toán, để nâng tỉ lệ lên tối thiểu 2%, Việt Nam cần đào tạo được tối thiểu 70.000 sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng khoảng 40% so với hiện nay.
Sẽ rất khó cho Việt Nam trong chiến lược đua theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nếu thiếu hụt số lượng lớn lao động tay nghề như vậy. Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như khó cải thiện năng suất lao động, sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh.
Giáo sư David Dapice, Trường Quản lý Nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard, cho rằng các tập đoàn toàn cầu Mỹ chú ý tới Việt Nam như điểm đến có thể chuyển từ lắp ráp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn hay phức tạp hơn không. “Điều này đòi hỏi phải đào tạo nhân lực tốt hơn tại Việt Nam, vốn là yêu cầu lớn nhất Việt Nam có thể tự đáp ứng nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, dù bên cạnh đó cũng cần các yếu tố như cung cấp năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng tốt hơn”, ông nói.
Trình diễn công nghệ robot trong lĩnh vực sản xuất. Ảnh: Quý Hòa |
Sự thiếu hụt được báo cáo mới nhất về thị trường IT của TopDev nhận định chủ yếu là do trình độ của lập trình viên và yêu cầu doanh nghiệp đặt ra vẫn chưa thực sự cân bằng với nhau. Trong số hơn 57.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm chỉ có khoảng 30% lực lượng nhân sự đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn yêu cầu thực tế mà doanh nghiệp đặt ra.
Những người trẻ đấu với A.I
Trong khi đó, chúng ta đang chứng kiến người trẻ đi làm thêm những công việc bán thời gian như chạy xe công nghệ, phục vụ không chuyên ở các quán xá... không mang lại nhiều giá trị cho xã hội. Ngay cả khi chưa già thì lao động trẻ này cũng không có nhiều mối quan tâm với ngành sản xuất chế tạo (manufacturing). Nhiều người trong số họ chọn hướng đi mới như bán hàng online, làm sáng tạo nội dung trên TikTok/YouTube... với kỳ vọng kiếm tiền nhanh hơn, nổi tiếng nhanh hơn.
Vì thế, sự thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao được World Bank phản ánh trong báo cáo cho thấy chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đạt 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp vị trí 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á, trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, Ấn Độ đạt 5,76 điểm, Malaysia đạt 5,59 điểm. Năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm cuối ở Đông Nam Á, chỉ cao hơn Campuchia, Myanmar và Lào, thấp hơn Philippines, Indonesia, Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với Malaysia cũng như Singapore. Kết quả là các nhà máy phải tiếp tục tăng lương để thu hút lao động. Bên cạnh đó, họ chú ý hơn tới đời sống tinh thần của người lao động để tạo sự kết nối bền chặt hơn.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, trường nghề tại Việt Nam được yêu cầu đưa các chương trình đào tạo kỹ năng mềm vào giảng dạy chính. Kỹ năng mềm bao gồm giao tiếp, tư duy phản biện... Nhưng ngay cả như vậy, cơn lốc của máy học, A.I, robot... vẫn tiếp tục đe dọa lấy đi việc làm trong nhiều ngành nghề, ngay cả những ngành nghề được coi là trình độ cao như lập trình viên, marketing, chuyên viên ngân hàng...
Theo nghiên cứu của Tập đoàn IBM (Mỹ), khoảng 40% lực lượng lao động trên toàn cầu, tương đương với khoảng 1,4 tỉ lao động sẽ phải đào tạo lại kỹ năng trong 3 năm tới do tác động của việc triển khai A.I.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Quan hệ Khách hàng, Udemy Business tại Việt Nam, nhận định, A.I, nhất là A.I tạo sinh đang đẩy nhanh sự dịch chuyển của tỉ lệ lao động giữa con người và máy. Điều này sẽ thay đổi mạnh mẽ cơ cấu nhân lực cũng như hoạt động quản trị nguồn nhân lực tại nhiều doanh nghiệp. Thực tế, theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc của Navigos Search, nếu như trước đây, một ứng viên được đánh giá ở mức 5-6 điểm/10 điểm đã có thể được doanh nghiệp tuyển dụng. Tuy nhiên, hiện nay, những ứng viên này hầu như không còn cơ hội trong bối cảnh doanh nghiệp cắt giảm nhân sự hoặc đòi hỏi những bộ kỹ năng đáp ứng tốt cả cho công việc trong tương lai.
“Vừa rồi trình bày trước các lãnh đạo ngân hàng lớn, tôi nói thẳng là hàng chục ngàn cô gái xinh đẹp đang ngồi ở quầy, được học hành tử tế, có quan hệ tốt sẽ mất việc; hàng chục ngàn bạn trẻ đang làm tín dụng nhỏ và vừa cũng mất việc, bởi tất cả hệ thống scoring (chấm điểm tín dụng) và A.I sẽ thay thế”, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Đại học FPT, chia sẻ thẳng thắn. Lãnh đạo của công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam này đề cập tới “tầng lớp vô dụng” (useless class) không chỉ thất nghiệp mà còn không thể dùng vào việc gì (unemployable).
Vì thế, để sinh tồn, phát triển và tỏa sáng trong thời đại A.I, ông Tiến cho rằng thứ không thể thiếu là phải học tập suốt đời để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Ngày nay, người lao động cần học đa chiều, từ lãnh đạo, học từ thầy, học từ Guru, học từ đồng nghiệp, bạn bè, học từ các bạn trẻ, tự học, tự nghiên cứu và cần học cả từ A.I. “Đừng nghĩ rằng A.I và robot sẽ thay thế lao động chân tay. Điều ngày càng được chứng minh là các thế hệ A.I phát triển ngày hôm nay sẽ thay thế những chuyên gia nửa vời”, ông Tiến khẳng định.