Ãnh: Minh hoạ

 
Ngọc Thuỷ Thứ Sáu | 26/08/2022 08:00

Trầm cảm: Tử thần giấu mặt

Thế giới trở nên phức tạp hơn, cuộc sống nhiều áp lực hơn đã dẫn lối cho căn bệnh thời đại mang tên “trầm cảm” ngày càng phổ biến hơn.

Nam bệnh nhân khoảng 45 tuổi, bước xuống từ chiếc Mercedes S400, vẻ mặt đầy căng thẳng khi bước vào một phòng khám ở TP.HCM. Trò chuyện với bác sĩ, người đàn ông cho biết đang làm chủ một doanh nghiệp lớn, nhưng anh luôn bị stress và mất ngủ. “Lúc này tôi không thấy thiết tha với bất cứ điều gì, kể cả cuộc sống”, bệnh nhân giãi bày với bác sĩ.

Hay một hoa hậu từng tâm sự không tin bản thân lại rơi vào trạng thái này suốt một thời gian dài. Trong giai đoạn rơi vào khủng hoảng, cô từng ngồi ăn nửa bịch khăn giấy khô mà không hay biết. “Bản thân là một người hoạt ngôn, luôn vui vẻ, năng động, bản thân chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ bị trầm cảm. Tưởng chừng như suýt chết chỉ vì trầm cảm kiệt sức, tưởng chừng như sẽ không bao giờ tìm lại chính mình!”, cô nói.

Cả 2 trường hợp kể trên là điển hình cho những ca bệnh trầm cảm đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Khắp nơi trên thế giới, chạy đua theo tham vọng cá nhân, văn hóa công ty nghiệt ngã và tiến bộ công nghệ khiến con người có thể tiếp cận với công việc suốt 24 giờ mỗi ngày, đối mặt với áp lực cũng từng đó thời gian và đây là mảnh đất màu mỡ cho bệnh trầm cảm gia tăng. Căn bệnh này đang được gióng lên những hồi chuông báo động: Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm, thế giới có khoảng 850.000 người tự tử; hơn 50% trong số này có nguyên nhân từ trầm cảm. 

Căn bệnh thời đại

Theo WHO, trầm cảm đã thành căn bệnh phổ biến, đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau bệnh tim mạch và xuất hiện ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và mọi ngành nghề. Đây là chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng mà nhiều người thậm chí còn không nhận ra mình đang gặp phải.

Riêng ở Việt Nam, từ 5 năm trước, WHO đã ước tính có khoảng 3,6 triệu người bị trầm cảm, chiếm 4% dân số. Và số người tự tử hằng năm lên tới 36.000-40.000 người, cao gấp 3-4 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông.

Doanh nhân là một trong những nhóm dễ bị tổn thương bởi trầm cảm.
Doanh nhân là một trong những nhóm dễ bị tổn thương bởi trầm cảm.

Nhận thức được sự nguy hiểm của căn bệnh thời đại, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai hoạt động cấp cứu trầm cảm nhằm tiếp cận kịp thời người trầm cảm để chăm sóc và điều trị. Điều đáng lo ngại là dịch COVID-19 đã tác động lên sức khỏe tâm thần của người dân. WHO cho biết năm đầu tiên của dịch COVID-19, tỉ lệ mắc chứng lo âu và trầm cảm trên toàn cầu tăng lên 25%.

Tiến sĩ - Bác sĩ Đinh Vinh Quang, Trưởng Khoa nội thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết: “Nghiên cứu cho thấy khoảng 3% dân số thế giới bị trầm cảm và con số này có chiều hướng gia tăng do ảnh hưởng của môi trường sống”.

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM từng chia sẻ, mức độ của bệnh trầm cảm đã tăng lên cùng sự phát triển của xã hội. Trước năm 1995, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM rất ít người tới nhưng nay, trung bình mỗi ngày khoảng 500 người đến khám.

 

Dù vậy, theo WHO, con số phát hiện, điều trị chỉ chiếm 25% người bệnh trầm cảm. Trong số này, chuyên gia tâm lý Trần Thu Hương, thuộc Khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, quan sát thấy “người thành công, nổi tiếng chiếm tỉ lệ rất cao”. Theo một khảo sát được thực hiện bởi Giáo sư trị liệu Michael Freeman tại Đại học California, San Francisco, 1/3 số doanh nhân phải chịu đựng trạng thái trầm cảm.

Bà Nguyễn Thị Diễm Chi, CEO của Procoach - công ty chuyên cung cấp Giải pháp chăm sóc và phục hồi sức khỏe tự nhiên, lý giải, một số nữ doanh nhân thay đổi vị trí, từ một lãnh đạo đầy quyền uy, năng động, được kính nể ở công ty nhưng khi về với gia đình lại lặng lẽ, chịu nhiều ấm ức, không thể chia sẻ thấu hiểu thì dễ bị căng thẳng dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra, khi gánh vác nhiều trọng trách về tài chính, gia đình, đảm bảo công việc thu nhập cho nhân viên…, các doanh nhân không cho phép mình thể hiện sự yếu đuối. Nếu cảm thấy bản thân có vấn đề, họ muốn tự giải quyết hơn là tìm sự trợ giúp. Lâu ngày thành một áp lực rất lớn, bào mòn năng lượng của các doanh nhân. Lại thêm lo lắng đổ xuống, ví dụ con cái bước vào tuổi teen bướng bỉnh, trục trặc trong mối quan hệ gia đình… thì người doanh nhân sẽ cạn năng lượng, kiệt sức, suy sụp sức khỏe, tinh thần.

Chị Nguyễn Nhã Quyên, Giám đốc Vận hành Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), có những trải nghiệm bản thân ở một khía cạnh khác. Chị chia sẻ: “Điểm làm chúng ta khó khăn không phải ở công việc cụ thể gì, áp lực gì mà chính là sự kỳ vọng và sốt ruột, mong cầu của chúng ta với công việc, với thành tựu và kết quả”. Bản thân chị thấy mệt mỏi và khổ sở nhất không phải vì dự án nhiều, thiếu doanh số hay mối quan hệ công việc mà chính cảm giác mình đang chậm, đang bất lực, muốn nhiều hơn so với thực tế những gì đang diễn ra và có thể diễn ra.

Có những thời điểm, chị Quyên thú nhận, những câu hỏi “vì sao tôi không thể, vì sao chúng ta không thể?” luôn thường trực trong tâm kể cả khi ăn, khi ngủ, khi giải trí, khi gặp gỡ mọi người, không một lúc nào được nghỉ ngơi thực sự. 

Thực tế, ai cũng có những mong cầu riêng nhưng khi mong cầu quá mức mà kết quả lại không như ý muốn dễ thành ức chế, bất mãn. Dần dần, bất mãn ấy tích tụ thành nỗi đau. Theo cảm nhận của ông Trần Bằng Việt, CEO Dong A Solutions: “Ám ảnh của những nỗi đau vẫn thập diện mai phục trong tâm trí mỗi người”. Nó trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến con người dù thông minh bên trong, danh tiếng bên ngoài, có bộ máy bên dưới hỗ trợ, có sự đỡ đầu từ bên trên, tiền tài dư dả, hình thức sáng láng, biết kết nối với những niềm tin tôn giáo, tham gia đóng góp từ thiện hay tìm liệu pháp... vẫn khó chữa lành.

 

Tiến sĩ Y khoa Bessel Van Der Kolk (Mỹ) trong cuốn sách “Sang chấn tâm lý: Hiểu để chữa lành” còn chỉ ra loại trầm cảm liên quan đến những cú sốc, sang chấn tâm lý như bị lạm dụng, bị ngược đãi, bạo hành hay có những trải nghiệm kinh hoàng về tai nạn, chiến tranh... Những sang chấn ấy có thể làm con người mắc kẹt trong nỗi đau, không còn là chính mình, thay đổi nhận thức, vô cảm, nghèo nàn trí tưởng tượng và tâm trí mất linh hoạt.

Huấn luyện viên (Coach) Lương Ngọc Tiên, sáng lập One Life Connection, cho biết: “Trong nhiều trường hợp, trầm cảm có yếu tố môi trường hoặc do di truyền tác động”. Dù vậy, trong thời đại hiện nay, thiền sư Thích Minh Niệm đã cảnh báo về một loại trầm cảm do nhịp sống quá nhanh, quá gấp gáp. Con người bù đắp, hưởng thụ bằng cách tăng cường mua sắm như mua xe sang, nhà đẹp, áo quần hàng hiệu, du lịch... nhưng đó cũng chỉ là hưởng thụ thoáng chốc. Ngay cả trong khoảnh khắc ấy, nhiều người vẫn vội vàng, tâm trí vẫn chạy theo công việc, theo lo lắng, mong cầu của bản thân.

Lâu dần, con người thấy quá tải, mất hết năng lượng vì không còn thời gian cho tĩnh lặng, cho nghỉ ngơi, cho đầu tư bản thân, không còn thời gian chăm sóc, kết nối với chính mình, nuôi dưỡng các mối quan hệ. Vậy nhưng họ vẫn tiếp tục cố vì lầm tưởng bản thân có nguồn năng lượng vô biên, chỉ cần dùng ý chí là có thể đạt đến. Kết quả là căng thẳng mệt mỏi, bệnh tật và trầm cảm nảy sinh từ đó.

Áp lực của nhịp sống hiện đại khiến gia tăng những bệnh về sức khỏe tinh thần.
Áp lực của nhịp sống hiện đại khiến gia tăng những bệnh về sức khỏe tinh thần.

Thiền sư Thích Minh Niệm đã lưu ý đến sự xuất hiện bất thình lình của trầm cảm, của chu trình diễn biến theo 3 cấp độ của trầm cảm. Ở mức cao nhất, con người chỉ muốn tìm đến cái chết, không còn tin tưởng ai cũng như không tin ở khả năng chữa lành. Nếu không quan sát, theo dõi các phản ứng của bản thân, không sớm nhận ra các thay đổi, không chịu hợp tác thì theo thiền sư Thích Minh Niệm, “dù gặp thầy giỏi, đúng phương pháp cũng khó cứu chữa”.

Elvin Semrad, một nhà tâm thần học nổi tiếng người Mỹ, đã nhận thấy, hầu hết những nỗi đau khổ của con người đều liên quan đến tình yêu và mất mát. Công việc trị liệu là giúp mọi người thừa nhận, trải nghiệm và thích nghi cuộc sống thực tại với tất cả niềm vui lẫn đau khổ.

Theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh, người có kinh nghiệm chữa trị tâm thần kinh hơn 20 năm, nếu gặp khó khăn, căng thẳng kéo dài hơn 2 tuần, nên đánh giá xem có cần sự hỗ trợ chuyên nghiệp hay không? Bởi có những khó khăn chỉ là bình thường nhưng có những khó khăn phát triển nhanh thành bệnh lý. Từ lúc có chấn động đến lúc có vấn đề phát sinh, thường trong khoảng 2-4 tuần. Và từ 4-6 tuần sẽ có những rối loạn sau sang chấn.

“Hễ sống là có trầm cảm, đó là cảm xúc hiển nhiên khi liên tục gặp áp lực, trở ngại, bất trắc, bất ổn, không hài lòng với bản thân”, chuyên gia tâm lý Huỳnh Thị Hoài Như nhận định. Nhưng người bệnh trầm cảm thường không dễ nói ra vấn đề của mình vì sợ bị phát hiện, bị cười chê, bị hiểu nhầm, nói ra không ai hiểu. Họ dùng hết mọi cách để che đậy như vị doanh nhân và cô hoa hậu kể trên.

Chữa lành từ bên trong

Gọi tên cảm xúc, nói ra các thứ đè nặng tâm can là một trong những cách để con người vượt qua trầm cảm. Nhưng bà Nguyễn Thị Diễm Chi nhận thấy, cái tôi của người thành đạt đôi khi cản trở quá trình chữa lành trầm cảm. Nhiều người vẫn bị mắc kẹt dù đã tham gia lộ trình phục hồi tưởng đã thoát ra nhưng vẫn rớt lại vào trầm cảm.

Công việc của Procoach là lắng nghe sâu, đặt các câu hỏi để người trầm cảm nhận diện và kết nối bên trong chính họ. Nhưng trước khi thực hiện việc đó, bà Diễm Chi cho biết, Procoach ưu tiên việc phục hồi sức khỏe thể chất trước. Nghĩa là Procoach sẽ có những giải pháp tổng hợp về chế độ dinh dưỡng, tập yoga, chơi thể thao, luyện khí huyết lưu thông, thư giãn sâu… Đây là cách để người trầm cảm được nâng đỡ thể trạng, thư giãn thần kinh,  nhận diện và điều chỉnh cảm xúc, khỏe mạnh trở lại, kết nối bản thân với cơ thể. Một khi người bị trầm cảm thấy được kết quả của sức khỏe cải thiện như ăn ngủ ngon hơn, đỡ bị nhức đầu, năng lượng được tái tạo … họ sẽ thiện cảm, mở lòng, tin tưởng và cam kết với lộ trình phục hồi của bản thân hơn.

 

Thực tế, để có lộ trình phục hồi riêng, mỗi cá nhân đều được đo năng lượng bằng công nghệ cảm biến sinh học, Procoach nắm được  tình trạng sức khỏe thể chất, năng lượng tinh thần của người bị trầm cảm. Từ đó, tùy trường hợp cụ thể, Procoach thiết lập lộ trình đồng hành, trung bình 3 tháng, để giúp người trầm cảm khỏe thể chất, vững tinh thần, can đảm nhìn vào bên trong bản thân, chấp nhận nó, mong muốn chuyển đổi và xây dựng lại lối sống kết nối, cân bằng hơn.

Bà Nguyễn Thị Diễm Chi ví quá trình đồng hành, đi cùng người bệnh trầm cảm như bóc tách từng tờ giấy mỏng, phải có lắng nghe đủ sâu, đủ thấu cảm, đủ sự chân thành, kiên trì chuyển hóa từng chút một … Đây cũng là lý do vì sao bác sĩ Lâm Hiếu Minh không bao giờ hỏi ngay vấn đề bệnh trạng mà tập trung tìm hiểu con người trước rồi mới điều trị sau. Ông Minh nhận thấy, bất cứ ai cũng có bên trong mình những phần năng lượng tốt đẹp mà nếu biết khơi dậy có thể giúp họ vượt qua, chữa lành. 

Thiền trở thành một phương cách giúp chữa trị trầm cảm. Tuy nhiên, theo thiền sư Thích Minh Niệm, người trầm cảm không nên ngồi thiền nhiều hơn nửa tiếng. Vì khi ở một mình lâu, tốc độ và cường độ trở về quá khứ sẽ gấp trăm ngàn lần lúc không ngồi thiền. Ở yên một mình giúp thiền định nhưng cũng là mảnh đất màu mỡ phát triển trầm cảm rất nhanh. Khi người trầm cảm ngồi thiền, cần có người hướng dẫn, có người quan sát sắc diện để biết họ đang an định hay tâm họ đã trôi dạt về quá khứ. Nếu họ bị trôi lạc, cần kéo họ trở về, chuyển họ sang những hình thức bài tập khác.

 

Đối với những trường hợp trầm cảm vì sang chấn, Tiến sĩ Y khoa Bessel Van Der Kolk đánh giá “cho phép cơ thể có những trải nghiệm sâu sắc và tự nhiên, trái ngược với cảm giác bất lực, buông xuôi, giận dữ, suy sụp tinh thần là giải pháp giải quyết tận gốc hơn”. Cùng với đó, Tiến sĩ Bessel Van Der Kolk nhắc đến cách thức can thiệp y học như dùng thuốc ngăn chặn những phản ứng quá khích, không phù hợp. Thuốc chống trầm cảm đã có vai trò đáng kể trong điều trị trầm cảm nhưng lại không làm giảm được số người bệnh trầm cảm. Ở Mỹ, 1/10 dân số Mỹ vẫn đang dùng thuốc chống trầm cảm.

Tuy nhiên, ông Bessel Van Der Kolk thừa nhận, khi xem bệnh nhân là bệnh nhân, ta sẽ tước đoạt khả năng tự chữa lành của họ. Đây là lý do Procoach không bao giờ dùng chữ “điều trị” mà khẳng định, các dịch vụ ở Procoach là đồng hành, hỗ trợ khách hàng phục hồi sức khỏe. Mỗi người sẽ có lúc bị suy yếu sức khỏe, tinh thần. Những lúc đó, nếu có sự nâng đỡ đồng hành của những người chuyên nghiệp, theo các phương pháp khoa học.. sẽ dễ mau chóng phục hồi. Đây là một hoạt động bổ trợ, để mỗi người trang bị cho mình một công cụ tốt, biết cách tổ chức,quản lý đời sống sao cho lành mạnh, bảo toàn năng lượng, an toàn hơn. Nghĩ theo hướng này, bà Nguyễn Thị Diễm Chi tin rằng, những người bệnh trầm cảm sẽ không còn thấy nặng nề, mặc cảm, không tự dán nhãn giới hạn mình  mà sẽ tự tin vững vàng vượt qua các biến động khó khăn trong cuộc sống, hạn chế được tình trạng tái trầm cảm.

Ở thời điểm hiện tại, chị Nguyễn Nhã Quyên chọn cho mình cách sống vẫn phấn đấu hết mình cho sứ mệnh, vẫn hành động và sáng tạo không ngừng nghỉ, nhưng tránh cho mình sự chấp mắc vào kết quả, sự sốt ruột và kỳ vọng. “Tôi hiểu rằng để một bông sen thành bông sen, không chỉ cần hạt sen, mà còn cả mặt trời, bùn đất, nước, gió và rất nhiều sự đóng góp khác. Mổ hạt sen không thể thấy ngay hoa sen, nhưng rất nhiều công sức đóng góp cùng một quá trình thì hoa sen sẽ xuất hiện”, chị Quyên chia sẻ.

Chị Nguyễn Nhã Quyên chọn nhìn cuộc đời và những sự kiện diễn ra xung quanh mình bằng não và bằng cả trái tim. “Tôi có nhiều trải nghiệm để hiểu rằng dù não có quyền năng đến đâu, nó cũng bị giới hạn trong lăng kính kinh nghiệm và kiến thức, tôi sẽ bỏ lỡ hành trình khám phá vùng đất ngoài vùng an toàn của mình nếu tôi chọn nghe não”.

Hít thở sâu từng phút giây, lắng nghe và chọn lựa bằng cả não và trái tim, chọn phương án phản ứng lợi lạc nhất cho nhiều người nhất chứ không chỉ vun vén cho bản thân, đó là cách chị Nguyễn Nhã Quyên giữ cho mình năng lượng. Bên cạnh đó, chị cũng chú ý đến sức khỏe thể chất vì đời sống cần sự cân bằng thân - tâm - trí.

Thạc sĩ Bảo Ân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Nam giới và Cộng đồng (CARMAH): “CBT là một chiến lược điều trị trầm cảm hiệu quả”

Trong các phương pháp chữa trị trầm cảm, ông đánh giá cao phương pháp nào hơn cả? 

Ngoài 2 phương pháp là điều trị bằng liệu pháp tâm lý và kết hợp với điều trị bằng thuốc, thế giới hiện nay có một phương pháp gọi là trị liệu sốc điện (Electroconvulsive Therapy - ECT) - một kích thích điện ngắn cho não trong khi bệnh nhân được gây mê. Nhưng đây là một phương pháp điều trị y tế được sử dụng phổ biến nhất ở những bệnh nhân bị trầm cảm nặng hoặc rối loạn lưỡng cực không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

Đối với tôi, nếu trầm cảm nhẹ đến trung bình, một liệu pháp trò chuyện là hữu ích nhất. Có nhiều loại liệu pháp trò chuyện khác nhau cho bệnh trầm cảm, bao gồm cả liệu pháp hành vi nhận thức (CBT). Một phân tích tổng hợp của 115 nghiên cứu đã chỉ ra rằng CBT là một chiến lược điều trị hiệu quả đối với bệnh trầm cảm và điều trị kết hợp với dược liệu có hiệu quả hơn đáng kể so với liệu pháp đơn thuần.

Thạc sĩ Bảo Ân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Nam giới và Cộng đồng (CARMAH)
Thạc sĩ Bảo Ân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Nam giới và Cộng đồng (CARMAH)

Xây dựng những lược đồ suy nghĩ và niềm tin cốt lõi về bản thân sẽ dạy bạn cách vượt qua những suy nghĩ tiêu cực, chẳng hạn như khả năng thách thức những cảm giác vô vọng. Bên cạnh đó, những hoạt động quan trọng kèm theo trong liệu pháp CBT: chánh niệm, lập kế hoạch trong ngày và hoàn thành đúng thời điểm, viết nhật ký, tìm ra điều tuyệt vời nhất trong ngày.

Ông có lời khuyên nào dành cho mọi người về cách thức làm sao để phòng tránh trầm cảm và không tạo ra trầm cảm cho người khác?

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà liên tục bị căng thẳng, quá khích, buộc phải đối phó với những người khác cùng nhu cầu của họ. Bạn thêm căng thẳng trong cuộc sống thường ngày thì mọi thứ trở nên phức tạp. Muốn giải phóng bản thân khỏi những tiêu cực đó, bạn hãy bắt đầu nói về nó cho ai đó có thể lắng nghe bạn, có thể sau khi chia sẻ xong, có khi nó không còn ở trong tâm trí của bạn nữa.

Tôi có một số lời khuyên có thể giúp giảm bớt những nguy cơ này:

• Ăn uống điều độ: Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa trầm cảm và tăng cường sức khỏe tinh thần. Bổ sung thịt đỏ và các sản phẩm từ thịt, trái cây tươi, rau quả, trà xanh, sản phẩm đậu tương, dầu lành mạnh, chẳng hạn như dầu ô liu, các loại ngũ cốc, cá.

• Tập thể dục: Các nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất có thể hoạt động như một loại thuốc chống trầm cảm và các chuyên gia khuyến khích  bác sĩ đưa nó vào như một phương pháp điều trị.

• Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm và đây cũng là một triệu chứng phổ biến.

• Tránh lạm dụng rượu và chất kích thích: Việc sử dụng rượu và một số loại thuốc kích thích có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm và làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

• Lập danh sách an toàn: Bạn hãy có một danh sách những người thân hoặc những người bạn có thể trò chuyện, chia sẻ những khó khăn. Bên cạnh đó, hãy dành thời gian chọn các trung tâm chăm sóc sức khỏe phù hợp với mình để có thể theo dõi, duy trì tình trạng sức khỏe tốt nhất.

• Hạn chế đọc quá nhiều tin tức trong ngày, đặc biệt là các tin tức tiêu cực.